“Thất bại của bằng chứng” vùi dập cuộc chiến chống buôn lậu ĐVHD

Tại Việt Nam, khá nhiều người muốn tiêu thụ sừng tê giác và sẵn sàng trả nhiều tiền cho mục đích phạm pháp này khiến giới buôn lậu bất chấp nguy cơ vào tù để tuồn hàng cấm và khiến những kẻ săn trộm ở châu Phi liều mạng để giết tê giác lấy sừng. Năm ngoái, Nam Phi mất hơn 1.000 cá thể tê giác chỉ vì nạn săn trộm.

Nếu nhìn vào nguyên do tiêu thụ thúc đẩy thương mại bất hợp pháp, rõ ràng những nỗ lực để giảm cầu có vai trò lớn trong việc cứu loài tê giác. Vì vậy, trong vài năm gần đây, một số tổ chức bảo tồn lớn đã phát động các sáng kiến nhằm giảm nhu cầu về sừng tê giác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, năm ngoái, khi các nhà nghiên cứu đánh giá 9 trong số những sáng kiến này thì chỉ có một sáng kiến của TRAFFIC là được thiết kế tương thích. Những can thiệp khác có hiệu quả gì không? Không thể trả lời được vì những sáng kiến đó thiếu các yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu và chứng minh các tác động.

Đây chỉ là một ví dụ về sự “thất bại của bằng chứng” mà các nhà nghiên cứu cho rằng nó đã cản trở những nỗ lực ngăn chặn buôn bán lậu động thực vật hoang dã dẫn đến các chính sách hay biện pháp can thiệp không phù hợp, phi đạo đức, thậm chí phản tác dụng. Kết quả là những nỗ lực bảo tồn đứng trước rủi ro không bảo vệ được các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, lãng phí tiền bạc và làm tổn hại đến những người dễ bị tổn thương.

Các diễn giả tại một hội nghị vừa được tổ chức ở Luân Đôn đã nêu bật một số yếu tố, từ thông tin sai lệch và vận động hành lang đến việc các nhà hoạch định chính sách trưng ra những bằng chứng không thuyết phục và thiếu cơ bản các thông tin tương thích. Họ muốn thấy một cách tiếp cận khoa học hơn để thiết kế, giám sát và đánh giá các can thiệp nhằm ngăn chặn tội phạm về ĐVHD, ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp hoặc giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ ĐVHD.

“Có sự thất bại của bằng chứng trong lĩnh vực này không? Tôi nghĩ có thể có”, Ian Boyd – Cố vấn khoa học trưởng của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh cho biết. “Và đó là điều chúng ta cần giải quyết. Chúng ta thực sự đang phải vật lộn để cung cấp bằng chứng mà chúng ta cần để đạt được các bước tiến”.

Dominic Jermey, Tổng Giám đốc của Hội vườn thú Luân Đôn chỉ rõ việc thiếu bằng chứng ngăn cản các nhà hoạch định chính sách hiểu được rằng ngân sách viện trợ nước ngoài nên tài trợ bảo tồn vì mục tiêu phát triển hỗ trợ bảo tồn hay quân sự hóa bảo tồn thì sẽ hiệu quả hơn.

“Thật khó để quyết định mà không có bằng chứng. Câu trả lời thường là “chúng tôi không biết” vì không có chứng cứ để dựa vào. Giám sát và đánh giá các tác động là cực kỳ quan trọng để các bài học có thể được chia sẻ, qua đó những can thiệp thành công có thể được nhân rộng và những trường hợp không thành công có thể được điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn”.

Nhưng có vẻ như các nhà bảo tồn không thu thập và chia sẻ đủ bằng chứng về những gì có hiệu quả và nguyên nhân tại sao.

Ảnh: underthebanyan.blog

Janine Robinson thuộc Viện nghiên cứu Bảo tồn và Sinh thái Durrell tại Đại học Kent trình bày dữ liệu cho thấy khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Cô và các đồng nghiệp đã đọc hàng trăm ấn phẩm để tìm bằng chứng về tác động của các chính sách và thực tiễn buôn bán ĐVHD. Họ chỉ tìm thấy 42 bài báo được xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2015 có đánh giá tác động và sử dụng một thiết kế nghiên cứu mà kết quả đáng tin cậy được gán cho hành động.

“Nhìn chung, có khá ít bằng chứng thực nghiệm về tác động của các hành động buôn bán ĐVHD quốc tế cho thấy cần nghiên cứu nhiều hơn và rõ ràng hơn về tác động” – chuyên gia Samantha Cheng thuộc Đại học bang Arizona cho biết.

Qua Hội nghị Luân Đôn có thể thấy khoảng trống về bằng chứng đã dẫn đến mọi hành động can thiệp tập trung vào các động vật có vú lớn như voi, tê giác và hổ chứ không phải vào các loài cá, bò sát và thực vật nguy cấp bị buôn bán với số lượng lớn hơn nhiều. Hàng chục triệu con cá ngựa bị buôn bán lậu mỗi năm và nhiều loài cá ngựa hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Scott Roberton, Giám đốc về chống buôn bán ĐVHD thuộc Chương trình Châu Á của Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) cho biết các ưu tiên can thiệp đang được thúc đẩy bởi các quan điểm chủ quan hơn là bởi dữ liệu.

Sự thiên vị như vậy tạo thành xu hướng tập trung chú ý vào các sản phẩm ĐVHD từ châu Phi và người tiêu dùng ở châu Á. Tuy nhiên, điều này bỏ qua tầm quan trọng ngày càng tăng của buôn bán ĐVHD từ châu Mỹ Latinh và vai trò của châu Âu như một trung tâm quá cảnh và một thị trường cho các sản phẩm bất hợp pháp.

Ngoài ra, còn có một trọng tâm không cân xứng về việc chỉ chăm chăm giải quyết khía cạnh cung cấp của thương mại bất hợp pháp. Boyd đã chỉ ra rằng mặc dù nhu cầu thúc đẩy thương mại, song trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, chỉ có 6% kinh phí toàn cầu dành cho chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tập trung vào việc giảm nhu cầu.

EJ Milner-Gulland thuộc Chương trình Oxford Martin về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại Đại học Oxford cũng cho hay những hậu quả có thể xảy ra khi không giải quyết những khoảng trống bằng chứng là “không có hành động, hành động được nhắm vào mục tiêu không thích hợp – theo địa điểm hoặc loài – hoặc hành động không tương thích”.

Một số thay đổi đang diễn ra. Trong kế hoạch mới được Chính phủ Anh công bố, Chương trình Oxford Martin sẽ tham gia vào một nhóm gồm các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn và chuyên gia thay đổi hành vi để phát triển bằng chứng về cách giảm nhu cầu các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp.

Diogo Veríssimo, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Oxford Martin khẳng định nhóm tập hợp cả những người làm học thuật và những người thực hành nên “có khả năng cải thiện cả tiêu chuẩn kỹ thuật và có ý nghĩa về mặt tác động trên thực tế”.

Mọi nỗ lực đều cần thiết để giảm bớt thị trường giao dịch bất hợp pháp trị giá 23 tỷ đô la một năm và liên quan đến nhiều loài khác nhau, từ tê giác, cá ngựa đến hoa lan và gỗ trắc, từ rùa nước ngọt, thằn lằn sungazer đến tê tê và hồng hoàng mũ cát. Đối với nhiều loài trong số này, thời gian đang cạn dần. Điều đó là hiển nhiên.

Nhật Anh (Theo underthebanyan)

Nguồn: