Kỷ lục về FDI cũng kéo theo nguy cơ trở thành bãi rác FDI.
Danh mục ưu tiên theo chiến lược thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới phải được công khai, là cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư. Ngoài ra, cần đánh giá hiệu quả dòng vốn trên các tiêu chí, các chỉ số mới: tỉ lệ nhóm ngành nghề có giá trị gia tăng cao, đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển kỹ năng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, số doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi…
Nền kinh tế Việt Nam lại đón nhận tin vui. Theo một cuộc khảo sát diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Papua New Guinea tuần giữa tháng 11, Việt Nam đứng đầu danh sách những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC.
Dự đoán từng được đưa ra cách đây đúng 1 năm tại Việt Nam đã được các nhà đầu tư nhắc lại. Kết quả thu hút FDI đạt 38 tỉ USD, cao nhất kể từ năm 2009 ghi nhận năm 2017 tạo cơ sở để tin tưởng rằng, trong thời gian tới, nguồn lực dồi dào này vẫn sẽ đổ về Việt Nam.
Những chính sách mới của Mỹ trong thương mại được đánh giá là có tác động nhiều tới Trung Quốc hơn là Việt Nam. Việc Washington áp thuế hàng trăm tỉ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhiều công ty cân nhắc tái di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Tín hiệu lạc quan này dẫu vậy khó có thể xóa hết lo lắng đi kèm khi có quá nhiều cảnh báo về làn sóng FDI công nghệ thấp tràn vào, có thể khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp do các dự án FDI.
Chúng ta chưa quên, mới chỉ cách đây hơn 2 năm, sự cố môi trường biển tại miền Trung bắt nguồn từ việc Formosa xả thải trái phép đã gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng. Sau đó, các hành vi gây ô nhiễm môi trường Công ty Mei Sheng Textiles Việt Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) cũng được phát hiện…
Tháng 8.2016, cảnh báo của Bộ Tài nguyên Môi trường được đưa ra một cách chính thức và nhiều sức nặng: dòng vốn FDI có chiều hướng dịch chuyển vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như: luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… Thành tích thu hút được hơn 150 tỉ USD vốn FDI từ năm 2013-2018, chiếm gần 45% tổng vốn FDI thu hút được được 30 năm qua hóa ra lại đi cùng với những hậu quả chẳng thể tự hào.
Đã từng có hy vọng, cánh cửa mở toang nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam, giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc)… không chỉ đem về dòng vốn đầu tư dồi dào về số lượng và tiến bộ về chất lượng.
Tuy nhiên, vấn đề đang nằm ở phía Việt Nam. Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam cũng tụt 3 bậc, xuống thứ hạng 77/140 trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu thường niên 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Khi năng lực sáng tạo vẫn xếp nhóm trung bình thấp, thảm đỏ chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI dẫu có kết hoa điểm ngọc thì cũng chỉ thu hút được các ngành nghề thâm dụng lao động, năng lượng và môi trường.
Đau đầu hơn, trong khi chưa nhìn thấy lối thoát nào sáng sủa, áp lực dòng vốn FDI dạng này đang ngày càng nặng nề. Thế mạnh của Việt Nam khi tham gia các thị trường chung được nhận diện nằm ở hai ngành dệt may và da giày. Với các quy định về xuất xứ hàng hóa, chắc chắn sẽ diễn ra một làn sóng chuyển các cơ sở dệt nhuộm, chế biến da… từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều đã từng xảy ra khi chúng ta ngấp nghé ngưỡng cửa TPP trước đây.
Nền kinh tế láng giềng có thêm nhiều động lực để tiến hành sự dịch chuyển này bởi đó được xem như là một lối thoát trong đụng độ thương mại Mỹ – Trung. Đặc biệt, bản thân Trung Quốc cũng đang muốn xuất khẩu những công nghệ cũ, lạc hậu từ thế kỷ trước, hỗ trợ cho chiến dịch xuất khẩu nợ, đồng thời, tiến tới một nền kinh tế có hàm lượng công nghệ cao hơn.
Đương nhiên, Việt Nam vẫn có quyền lựa chọn. Đầu tiên, phải thay đổi được quan niệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tới Việt Nam chỉ vì lao động giá rẻ và chi phí môi trường thấp, như chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh với NCĐT. Đây là việc nằm trong tầm tay của các cơ quan quản lý.
Theo đó, danh mục ưu tiên theo chiến lược thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới phải được công khai, là cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư. Chúng ta không thể tiếp tục khoác chiếc áo kỳ tích tăng trưởng GDP mà đón nhận dòng vốn FDI ồ ạt, bằng mọi giá như trước bởi hệ lụy sẽ rất nặng nề.