Con người ngày càng dã man khi sẵn sàng ăn tất cả động vật, bất chấp việc muông thú tuyệt chủng.
Mấy ngày qua, dư luận bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện cùng lúc 2 hình ảnh phản cảm. Đó là cảnh một người đàn ông cầm trên tay 2 con chim mỏ sừng bị vặt sạch lông với lời nhắn có ai nhậu không. Trong khi đó, một số người khác giết thịt một con khỉ, ăn óc sống rồi phát trực tiếp trên Facebook.
Triệu tập nhiều người liên quan
Ngày 27-11, ông Trương Quốc Hiến – Trưởng Công an xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh – cho biết đã lấy lời khai các đối tượng liên quan vụ việc giết khỉ nói trên. Năm đối tượng là Phan Hợi (35 tuổi), Thái Văn Sáng (41 tuổi), Thái Đình Quy (61 tuổi), Thái Quang (58 tuổi) và Đặng Văn Biên (35 tuổi).
Theo đó, anh Hợi khai nhặt được con khỉ trong một bao tải vứt trên đường Hồ Chí Minh vào ngày 16-11. Sau đó, Hợi gọi những người còn lại đến cùng giết thịt con khỉ ăn nhậu.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, cho hay sẽ phối hợp với công an điều tra. “Việc xác định con vật bị giết hại là khỉ hay là voọc chà vá chân nâu quý hiếm thì cần có thời gian. Chúng tôi đang xác minh thêm từ đó mới có kết luận chính xác” – ông Hào nói.
Cùng ngày, Công an huyện Củ Chi, TP HCM đã làm việc với ông B.N.T, người đàn ông chụp hình với 2 con chim mỏ to. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông T. cho biết: “Tôi đã làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ thông tin vì 2 ngày qua, tôi nhận rất nhiều lời chửi bới, cuộc sống xáo trộn”.
Theo ông T., tấm ảnh trên được chụp tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. “Lúc đó tôi dừng ở một quán nước và được người dân mời mua con chim này. Tôi xin chụp hình đưa lên mạng chứ không mua, không ăn” – ông T. phân trần và cho biết giá mà người bán đưa ra chỉ 120.000 đồng/con và đây là loài chim cao cát, không phải là loài quý hiếm.
TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam, lại nhận định một trong 2 con chim ông T. đăng lên Facebook là hồng hoàng. “Tôi nhiều lần tiếp xúc với chim hồng hoàng rồi nên nhìn mỏ sừng chim là tôi đoán ra. Tuy nhiên, muốn khẳng định chính xác phải có mẫu thực chứ khó có thể kết luận chính xác qua hình ảnh như vậy”-ông Long nói.
TS Long cho biết hơn 10 năm trước, ông và một nhóm chuyên gia có đến khu rừng tại Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đã phát hiện rất nhiều mỏ chim hồng hoàng vứt khắp nơi. Lúc đó, người dân ở đây săn bắt và làm thịt loài chim này rất nhiều. TS Long đề xuất cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ, nếu có cơ sở khẳng định ông T. giết một con chim hồng hoàng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương.
Càng quý càng hứng thú truy lùng
TS Long cũng bày tỏ bức xúc khi liên tục chứng kiến cảnh tàn sát động vật hoang dã. “Hành động này xâm hại trực tiếp đến sự tuyệt chủng đối với động vật hoang dã” – ông Long nhận định.
Theo ông Long, gần đây nhiều người trở nên dã man và sẵn sàng ăn tất cả các loài động vật. Càng quý hiếm thì càng hứng thú truy lùng để ăn. Khi vụ việc giết hại động vật hoang dã được phát hiện, hầu hết các đối tượng đổ lỗi không nhận biết được đây là loài quý hiếm, cấm làm thịt, mua bán… Ông Long cho rằng nguyên nhân là các cơ quan chức năng chưa thật sự làm tốt vai trò của mình. Điển hình, tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, xuất hiện một khu chợ bán chim trời, thú rừng công khai từ nhiều năm qua nhưng đến giờ chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp dẹp bỏ. “Nơi đây nằm cận kề 2 khu Ramsar gồm Láng Sen (tỉnh Long An) và Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) vậy mà vẫn cho tồn tại. Có lần phát hiện cả chim có tên trong Sách đỏ. Thật khó hiểu!?” – TS Long bức xúc.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), nhận định việc ngăn chặn tình trạng vi phạm về động vật hoang dã gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của người dân kém trong khi cơ quan chức năng thiếu quyết tâm hoặc chậm xử lý. Bà dẫn chuyện ENV đã phát hiện có một gia đình ở Nghệ An nuôi 5 con gấu trái phép nên thu thập chứng cứ và gửi công văn khẩn đến UBND tỉnh Nghệ An và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An. Thế nhưng sau đó, công an lại đi kiểm tra những nơi có giấy phép nuôi gấu, bỏ qua nơi ENV thông báo. Việc này khiến các tổ chức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã thất vọng.
Hồng hoàng hay cao cát?
Ngày 27-11, ông Mai Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, khẳng định con chim bị vặt trụi lông mà ông T. cầm trong ảnh là cao cát. “Nhận định ban đầu của chúng tôi 80% đó là chim cao cát. Con cao cát nhỏ, thấp, khi nó đứng chỉ khoảng 45-50 cm, nặng tối đa khoảng 1,5 kg. Riêng con hồng hoàng khi đứng cao khoảng 1,2 m, nặng tới 4 kg” – ông Thới lý giải. Cùng nhận định, ông Lê Văn Tánh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, khẳng định: “Con đó là con cao cát, nó nhỏ xíu, bằng con gà. Còn chim hồng hoàng phải bằng con ngỗng kia. Mỏ hồng hoàng màu vàng sẫm, còn mỏ con này vàng nhạt”. Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cao cát không nằm trong Sách đỏ nhưng nằm trong phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Do đó nếu buôn bán, giết 2 con chim cao cát thuộc loại hoang dã sẽ bị xử phạt hành chính. Về thông tin ông T. nói thấy người dân buôn bán 2 con chim ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, ông Thới cho biết đã cử lực lượng đi kiểm tra, xác minh. Ông Thới cũng cho hay ở Tây Ninh có không ít hộ dân nuôi chim cao cát nhưng trước giờ chưa phát hiện điểm mua bán giết thịt nào rầm rộ. Tương tự, ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, cũng cho rằng nhiều khả năng đó là chim cao cát, không phải hồng hoàng. Đối với chim cao cát, tại TP HCM không có cơ sở nuôi mang tính chất thương mại mà chỉ nuôi làm cảnh. Để được cấp phép nuôi chim cao cát, người nuôi phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp (mua từ các tỉnh hoặc nhập khẩu), được kiểm lâm xác nhận và điều kiện nuôi bảo đảm động vật sống thoải mái. |