Ngày 28/11, tại tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo tổng kết công tác 2018 và định hướng hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động Lima – triển khai nhãn sinh thái tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Kế hoạch hành động Lima là một kế hoạch nhằm thực hiện chiến lược của Chương trình con người và sinh quyển thuộc UNESCO và Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2016-2025, được các quốc gia phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển thuộc UNESCO lần thứ 28 tại Lima của Cộng hòa Peru.
Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo duy trì, phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới thành những mô hình hoạt động hiệu quả về phát triển bền vững tại cấp độ địa phương; chú trọng xây dựng các cộng đồng dân cư thịnh vượng, hài hòa với sinh quyển nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Đây là văn bản định hướng hoạt động quan trọng, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động toàn cầu cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới trong giai đoạn 2016-2025.
Năm 2018, các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động Lima với nhiều hoạt động cụ thể, đạt được nhiều thành công. Trong đó, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng trở thành khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động Lima và được thành phố Hải Phòng phê chuẩn.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang ở tỉnh Lâm Đồng xây dựng được mô hình hợp tác, quản lý cho cộng đồng địa phương trong khu dự trữ sinh quyển. Điều này tạo động lực cho các hoạt động phát triển kinh tế của địa phương.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An ở tỉnh Quảng Nam, triển khai hoạt động khôi phục quần thể rùa biển thông qua việc gây nuôi, ấp trứng…
Tại hội thảo, lãnh đạo các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam cho rằng, cốt lõi của khu dự trữ sinh quyển là rừng và hệ động vật, thủy sinh vật.
Để khu dự trữ phát triển, chính quyền các địa phương có khu dự trữ sinh quyển cần dành sự quan tâm đối với công tác bảo vệ rừng; đảm bảo đời sống cho các hộ được giao khoán, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế với các khu dự trữ sinh quyển thế giới của các quốc gia khác; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá khu dự trữ sinh quyển; nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường.