Việt Nam có hơn 3.450 sông dài hơn 10km, tám lưu vực sông có diện tích khoảng 270.000km2.
Điều kiện môi trường nước ở Việt Nam đã bị suy giảm, đặc biệt trong ba lưu vực sông lớn là sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy và sông Đồng Nai, do tăng tải lượng ô nhiễm đi kèm với việc đô thị hóa và phát triển công nghiệp nhanh chóng, thiếu các cơ sở xử lý nước thải cũng như năng lực vận hành và bảo trì các cơ sở.
Thách thức và thiếu sót
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện quản lý môi trường nước lưu vực sông đang gặp nhiều thách thức và còn thiếu sót trong các hệ thống văn bản pháp luật.
Chức năng và nhiệm vụ trong bảo vệ môi trường nước của một số cục, vụ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chồng chéo. Cơ chế hợp tác giữa Tổng cục Môi trường và cơ quan quản lý tài nguyên nước, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn một số tồn tại.
Cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin về nguồn ô nhiễm cho lưu vực sông còn thiếu. Các quy định về tổ chức lưu vực sông không cụ thể. Chỉ có vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân được chỉ rõ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo bảo vệ môi trường ngày 24/8/2016, nhưng không có dữ liệu được chia sẻ giữa các địa phương trong cùng một lưu vực.
Chất lượng nước dựa trên quản lý lưu vực sông không hiệu quả, từ đó không kiểm soát được tổng tải lượng ô nhiễm do vẫn còn thiếu số liệu, phân tích cơ bản trên toàn lưu vực sông; thuật ngữ và khái niệm không đầy đủ, không nhất quán; các yêu cầu, phương pháp và thủ tục cụ thể của việc đánh giá sức chịu tải và đánh giá tải lượng sông, phương pháp xác định tải lượng ô nhiễm, phân bổ hạn ngạch xả thải của sông trong lưu vực sông chưa được chỉ rõ; thiếu các công cụ hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với thực tiễn.
Về khía cạnh luật, không có quy định nghiêm ngặt và có thể thi hành đối với cơ quan, tổ chức điều phối lưu vực sông trong Luật Bảo vệ môi trường; thiếu các quy định về cơ chế giải quyết xung đột sử dụng trong lưu vực sông; không có quy định cụ thể về thực hiện và quan trắc quản lý lưu vực sông; không nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa quản lý môi trường và quản lý lưu vực sông; thiếu quy chuẩn Việt Nam và hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phân tích tải lượng ô nhiễm.
So sánh với Nhật Bản, Việt Nam mới có Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước; trong khi đó Nhật Bản có Luật Môi trường cơ bản, Luật Kiểm soát ô nhiễm, Luật Bảo vệ lưu vực sông, Luật cơ bản về xã hội và lưu thông tài liệu. Ngoài ra, Nhật Bản còn có hệ thống tiêu chuẩn và quy định ở cấp trung ương và địa phương; kế hoạch bảo vệ môi trường nước cho từng lưu vực sông quan trọng.
Các hành động cần thiết
Hiện nay, trong quản lý nước lưu vực sông đã có chuyển biến mới là có thỏa thuận “Cơ chế điều phối” trong lưu vực sông Đồng Nai. Quy chế này cung cấp cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực tài nguyên giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng. Cơ chế tập trung vào hoạt động của các cơ quan quản lý về các hoạt động tại các khu vực giáp ranh.
Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đang dự thảo thành lập các tổ chức lưu vực sông mới, trong đó dựa vào nghiên cứu đề xuất của Thủ tướng chính phủ chỉ đạo và giải pháp để giải quyết các vấn đề trọng yếu, liên ngành; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan; giúp Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời gian tới, cơ quan quản lý môi trường nước tập trung thực hiện quản lý chặt chẽ và kiểm soát nước thải vào lưu vực sông, đặc biệt là ở thượng lưu và hạ lưu; tăng cường xúc tiến đầu tư và đa dạng hóa nguồn đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ, dự án liên quan đến cải thiện nguồn nước tại lưu vực sông; xây dựng kiểm kê và cơ sở dữ liệu nguồn thải.
Hành động cần thiết là cải thiện hệ thống quản lý nước sông dựa trên tải lượng ô nhiễm và hạn ngạch xả thải đối với cải thiện quy định mới hiện hành và hỗ trợ: cung cấp cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp phòng chống ô nhiễm nước sông và cải thiện môi trường sông. Cung cấp cơ sở cho phép và kiểm soát việc xả nước thải cho các sông và nước nói chung; hỗ trợ xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông và quản lý tổng hợp lưu vực sông; phân tích nguồn ô nhiễm điểm và diện; thực thi đánh giá tác động môi trường và quản lý môi trường; cần kiểm soát chất lượng nước sông để bảo tồn nước biển; xây dựng kiểm kê nguồn ô nhiễm; chia sẻ thông tin và điều phối trong đó có sự tham gia của công dân vào quản lý môi trường.
Hệ thống thể chế và quy định đã được thiết lập. Các nền tảng như Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông được thành lập. Việc thành lập các Ủy ban lưu vực sông đang được tiến hành. Bộ, sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rất nhiều hoạt động quan trắc và kiểm soát ô nhiễm. Tuy vậy, theo chuyên gia Ichiro Adachi, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, thực hiện là một trong những vấn đề chủ chốt. Cơ chế phối hợp, hài hòa và các quy định có vai trò quan trọng.
Tuy vậy, dựa vào tình hình thực tế, việc thực hiện nên được tiến hành từng bước. Việc điều tra nguồn nước thải được thực hiện theo bốn cấp độ từ 20-200 m/ngày đêm trở lên, tất cả các nguồn nước thải thuộc đối tượng phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Việc thực hiện điều tra nguồn nước thải ở các cấp độ tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tiến hành từ nay đến trước ngày 1/1/2025.