Hàng nghìn người Trung Mỹ di cư lên phía bắc được cho là đang chạy trốn bạo lực hoặc nghèo đói cùng cực nhưng còn một mối đe dọa khác không hiển hiện rõ ràng: đó là biến đổi khí hậu.
Hầu hết thành viên các đoàn di cư đến từ Guatemala, Honduras và El Salvador. Ba quốc gia này bị tàn phá bởi bạo lực, tội phạm có tổ chức và tham nhũng mang tính hệ thống.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bên cạnh những nhân tố đó, biến đổi khí hậu đang làm tình hình trầm trọng thêm, thậm chí đôi khi gây ra nhiều vấn đề như cái nghèo và mất mùa. Họ cảnh báo trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu sẽ đẩy hàng triệu người nữa về phía bắc tới Mỹ.
Sự bất ổn lớn của thời tiết
“Sự chú ý dành cho bạo lực đang che khuất bức tranh toàn cảnh – người dân nói rằng họ di cư vì an ninh lương thực”, Robert Albro, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latin, Đại học Mỹ, nhận định.
“Nguyên nhân chính khiến nhiều người di cư là vì họ không có gì để ăn. Tình trạng này có liên quan mạnh mẽ với biến đổi khí hậu – chúng ta đang chứng kiến sự bất ổn lớn của thời tiết, và nó gây ra thay đổi đáng kể với an ninh lương thực”, ông nói.
Theo ông Albro, người di cư thường không nhắc đến “biến đổi khí hậu” như một lý do khiến họ rời đi vì khái niệm này trừu tượng và có tính lâu dài. Dẫu vậy, người dân sống nhờ vào các nông trại nhỏ đang cay đắng nhận thức được những thay đổi tiêu cực của thời tiết đối với mùa màng và thu nhập.
Dừng nghỉ chân một lúc trên đường di cư qua thị trấn Huixtla, Mexico, Jesús Canan kể về những ngày trước đây, khi ông từng gieo trồng ngô và đậu trên mảnh đất gần khu di tích Copán, phía tây Honduras. Năm nay, ông phải từ bỏ thửa đất sau nhiều vụ mùa thất bát liên tiếp. Canan cho rằng hạn hán cùng biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân.
“Năm nay không có mưa. Năm ngoái cũng vậy. Ruộng ngô của tôi chẳng sản xuất được gì. Với những chi phí, rồi mọi thứ đã đầu tư, chúng tôi không kiếm lại được một đồng nào. Chúng tôi chẳng gặt được gì”, ông nói.
Tuyệt vọng và mơ ước về cuộc sống mới ở Mỹ, Canan bắt đầu hành trình hồi đầu tháng 10 cùng đoàn di cư. Ông để lại người vợ và 3 đứa con lần lượt 16, 14, và 11 tuổi. Chúng đã buộc phải nghỉ học vì nhà không có đủ tiền chi trả.
“Không còn như trước đây nữa. Tình hình đang buộc chúng tôi phải di cư. Những năm trước, mưa đến đúng kỳ, cây trồng kết trái, nhưng thời tiết giờ không còn theo một quy luật nào”, ông Canan giãi bày.
Stephanie Leutert, chuyên gia về an ninh và di trú Trung Mỹ tại Đại học Texas, cho biết theo dữ liệu từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, số lượng người di cư rời Tây Honduras tăng mạnh. Trong đó, nhiều người là nông dân buộc phải rời đi vì công việc trồng cà phê, vốn là ngành sản xuất chính, không còn đem lại lợi nhuận.
Antonio Lara, 25 tuổi, tới từ thành phố Ocotepeque, tham gia vào đoàn đi cư cùng vợ và hai con, một đứa 6 tuổi và một 18 tháng. “Cà phê từng rất có giá trị ở mức nào đó, nhưng đã 7 năm trôi qua kể từ khi nó bán được với giá tốt”, Lara nói. Theo anh, sự thay đổi của quy luật thời tiết liên quan nhiều tới tình trạng này. “Tôi không rời đất nước vì muốn thế. Tôi rời bỏ vì tôi buộc phải làm vậy”, anh chia sẻ.
Một phần ba việc làm ở Trung Mỹ đều liên quan tới nông nghiệp, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào đối với công việc canh tác có thể sẽ mang tới hậu quả lớn. Vào khoảng năm 2012, cây cà phê khắp Trung Mỹ bị tàn phá bởi dịch bệnh gỉ sắt trên lá, ảnh hưởng tới 70% nông trường.
“Theo những gì tôi thấy, lý do chủ yếu khiến họ bắt đầu di cư là vì họ không thể trả nợ, không có tiền mua thức ăn. Mọi người bảo tôi rằng trước khi bệnh gỉ sắt tấn công cây trồng, họ không di cư. Nhưng giờ thì có. Điều đó dễ hiểu”, Sam Dupre, nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland Hạt Baltimore, nhận định.
Cơ chế pháp lý nào?
Nghiên cứu của Chương trình Lương thực Thế giới về người di cư từ Trung Mỹ năm 2017 cho thấy gần một nửa số người khảo sát cho rằng họ không được đảm bảo về lương thực. Xu hướng người trẻ di cư ngày càng tăng vì đói nghèo và thiếu việc làm.
Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan và khó dự báo tại khu vực. Mưa mùa hè bắt đầu muộn và ngày càng thất thường. Hạn hán bắt nguồn từ El Niño ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều khu vực Trung Mỹ trong 4 năm qua, nhưng cùng giai đoạn này, mưa lũ bất chợt cũng gây nhiều thiệt hại.
Hậu quả là hơn 3 triệu người phải chật vật để kiếm ăn. “Cà phê và ngô đều nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa”, Albro giải thích. “Nếu cà phê không ra hạt, bạn không thể đơn giản là chuyển hướng mà làm gì đó khác. Mọi thứ cần thời gian để phục hồi. Nhiều vụ mùa liên tiếp đã thất bại, gây khó khăn cho những người làm nông trên quy mô nhỏ”.
Nông dân ban đầu di cư tới thành thị nhưng ở đây, họ lại tiếp tục gặp phải những thách thức mới, dẫn đến việc cân nhắc ra hẳn nước ngoài.
“Trong nước, họ chuyển đến những nơi như thành phố Guatemala và đối mặt với nguy cơ bị các bang hội dồn ép. Sau đó họ tìm tới Mỹ”, Leutert nói. “Khi tới đây, họ nói rằng họ di cư vì bạo lực nhưng biến đổi khí hậu mới là nhân tố làm tình hình tồi tệ”.
Hơn 50.000 gia đình Guatemala đã bị bắt khi cố vượt biên giới Mỹ từ đầu năm đến tháng 10. Theo Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, số liệu này gấp hai lần năm 2017.
Họ di cư vì nhiều lý do khác nhau, và tác động của biến đổi khí hậu thường bị cho là quá xa vời và khó đánh giá. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới ước tính nhiệt độ tăng và thời tiết cực đoan sẽ buộc xấp xỉ 3,9 triệu người từ Trung Mỹ di chuyển tới nơi khác trong 30 năm tới.
Làn sóng di cư khổng lồ là nguy cơ gây bất ổn ở nước nhà và thách thức đối với những nơi là đích đến của họ, ví dụ như Mỹ.
Công ước Liên Hợp Quốc 1951 về vị thế của người tị nạn đề ra tiêu chuẩn rõ ràng để cấp quyền tị nạn, chẳng hạn như do chiến tranh hoặc ngược đãi, đàn áp. Biến đổi khí hậu không nằm trong danh sách này.
Theo một nhận định, với khoảng 150 triệu đến 300 triệu người trên khắp thế giới dự kiến di cư vì biến đổi khí hậu trước năm 2050, một khung quy tắc quốc tế mới là cần thiết để hỗ trợ họ.
“Nếu nông trại của bạn khô hạn đến nứt đất hay nhà ngập nước và bạn phải thoát khỏi đó để sống thì bạn cũng không khác gì những người tị nạn khác”, Michael Doyle, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, cho biết. “Vấn đề là những người di cư vì chiến tranh có đủ tiêu chuẩn để được cấp quyền tị nạn nhưng bạn thì không”.
Doyle nằm trong nhóm các học giả ủng hộ thúc đẩy một công ước mới tập trung vào nhu cầu của người di cư, thay vì lý do rời quê hương của họ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ giúp giải quyết làn sóng di cư dự kiến.
Tuy nhiên, ông Doyle đánh giá bất kỳ cải cách nào với công ước đều “không có khả năng được thực hiện ở hiện tại”, do sự phức tạp của quy trình và sự nổi lên của các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc, như Mỹ.
“Tổng thống Mỹ đang sử dụng người nhập cư như một lá bài chính trị để giúp ông trong cuộc bầu cử. Nếu chúng ta lật lại Công ước 1951, có khả năng nó sẽ bị làm yếu đi thay vì được củng cố”, ông nhận định.
“Chúng ta không ở thời điểm mà cải cách được thực hiện, bất chấp cải cách đó hợp lý như thế nào. Hiện tại không có sự quản trị toàn cầu. Chúng ta còn chưa hề gần đạt được nó”, học giả nói.