Đặc sản của đảo quốc này là các loại tiền phạt, trong đó nhiều món phạt khiến người nước ngoài tròn mắt.
Singapore từ lâu đã nổi tiếng sạch sẽ. Năm nay, đánh dấu 50 năm kể từ khi người sáng lập đảo quốc sư tử khởi động chiến dịch “Keep Singapore Clean” (Giữ Singapore sạch sẽ).
Thúc đẩy phát triển
Nhiều chiến dịch vệ sinh đã được tổ chức tốt vào lúc đó nhưng chiến dịch của ông Lý rất khác. Đây là lần đầu tiên chính phủ dùng tiền phạt làm công cụ kiểm soát xã hội. Bằng bất cứ giá nào và vì nhiều lý do khác nhau, Singapore phải sạch sẽ.
Tuy nhiên, lý do trước tiên có thể không giống như nhiều người vẫn tưởng. Nếu từng dạo bước cùng hướng với một chiếc xe thu gom rác hằng ngày trên đường phố Singapore, người ta hẳn sẽ hiểu ngay tại sao nước này phải khẩn trương trong hoạt động thu gom rác. Mùi rác thực sự xộc thẳng vào mặt người đi đường. Khí hậu nóng ẩm miền nhiệt đới không cho phép sự chậm trễ trong việc thu góp rác từng gia đình. Nếu không xử lý nhanh, rác thải gia đình và sản xuất còn rất nguy hiểm.
“Nếu để rác như bạn vẫn thấy ở các nước khác (mát mẻ hơn), nhiều loài như chuột, ruồi, gián sẽ sinh sôi. Tất cả chúng đều mang vi trùng và mầm bệnh” – Chủ tịch Hội đồng Vệ sinh công cộng Singapore Edward D’Silva cho hay. “Thậm chí, đáng lo ngại hơn nữa là muỗi. Thường thì bạn không mắc bệnh sốt rét ở đây nhưng có những năm xảy ra hàng ngàn ca như thế”.
Khi đưa ra chính sách Sạch và Xanh, ông Lý Quang Diệu hướng tới những mục tiêu cao cả. Đó là một phần của nỗ lực thúc đẩy phát triển, bao gồm thay đổi luật y tế công cộng, quy hoạch bán hàng rong, xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp hơn và thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh việc quảng bá rộng rãi, chiến dịch còn tập trung vào các hoạt động giáo dục cộng đồng, các bài giảng từ giới chức y tế và quy định kiểm tra của chính quyền. Các cuộc thi được tổ chức để đánh giá mức độ sạch sẽ của văn phòng, cửa hàng, trường học, nhà máy, phương tiện giao thông công cộng…
Theo sau đó là nhiều chiến dịch khác. Trong suốt những năm 1970 và 1980 có các chiến dịch thôi thúc người Singapore giữ gìn nhà vệ sinh, nhà máy và bến xe buýt sạch sẽ. Chiến dịch Use Your Hands (Dùng đôi tay của bạn) vào năm 1976 khuyến khích học sinh, phụ huynh, giáo viên và các viên chức dọn dẹp trường học vào cuối tuần. Ngoài ra, còn có một số chương trình trồng cây xanh.
Mục đích không chỉ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn mà còn liên quan tới sức khỏe của nền kinh tế, như phương châm của ông Lý Quang Diệu. “Những tiêu chuẩn này sẽ giữ tinh thần hứng khởi, tỉ lệ bệnh tật thấp, từ đó tạo ra các điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong công nghiệp và du lịch, đóng góp cho lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân” – nhà sáng lập đảo quốc sư tử nói.
Singapore hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ này. Tuổi thọ trung bình tăng từ 66 lên 83, cao thứ ba toàn cầu. Theo những số liệu mới nhất, lượng du khách tới Singapore trong 3 quý đầu tiên của năm 2018 lên đến 10 triệu người – tăng ngoạn mục so với khoảng 200.000 du khách năm 1967. Đầu tư nước ngoài trực tiếp bùng nổ từ 93 triệu USD năm 1970 lên 39 tỉ USD năm 2010. Singapore hiện là quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về nhận đầu tư nước ngoài trực tiếp, với 66 tỉ USD vào năm 2017.
Không ai có thể khẳng định tất cả những thành quả này đến từ một chiến dịch chống xả rác đơn lẻ nào. Nhưng những lợi ích về sức khỏe thì quá rõ ràng. Đối với du khách, sạch sẽ là một trong những lý do khiến họ quay lại. Đường phố sạch đẹp cũng phát tín hiệu tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng thành phố này có thể giữ vững luật lệ.
Người dân đang ỷ lại?
Những chiến dịch này rõ ràng đã giúp Singapore lột xác. Tuy nhiên, theo quy định, chúng không phải là hạng mục chi chính của các ban, bộ hay ngân sách chính phủ. Chẳng hạn, từ năm 2010-2014, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore chi 3 triệu USD/năm cho các chiến dịch chống xả rác và hoạt động tiếp cận cộng đồng.
Trong nhiều cửa hàng lưu niệm hay giảm giá ở Singapore thường bày nhan nhản những chiếc áo thun in dòng chữ “Singapore, thành phố tiền phạt” như một kiểu trào phúng cách xử lý hàng loạt hành vi không mong muốn bằng hình phạt tài chính ở đảo quốc này.
Biệt danh có thể khiến nhiều người địa phương chẳng mấy mặn mà nhưng cũng không oan ức. Có thể nói “đặc sản” của đảo quốc này là các loại tiền phạt, trong đó nhiều món phạt hẳn khiến nhiều người nước ngoài tròn mắt, như nhai kẹo cao su, dùng WiFi “chùa”, không xả toilet, đưa sầu riêng lên tàu, khỏa thân trong nhà mình nhưng bị hàng xóm nhìn thấy…
Ông Lý Quang Diệu cho rằng phải chú trọng từ nhiều điều nhỏ nhất, bỏ qua những lỗi nhỏ có thể gây thói quen xấu ở người dân. Chiến dịch “Giữ sạch Singapore” năm 1968 là chương trình về xả rác đầu tiên tìm cách tiết chế hành vi của người dân bằng tiền phạt. Kể từ đó, chính quyền đã ban hành hàng chục ngàn loại tiền phạt mỗi năm về xả rác. Mức phạt tối thiểu là 300 SGD (gần 5,1 triệu đồng).
Theo Giám đốc Cơ quan Môi trường quốc gia Liak Teng Lit, ban đầu, chính sách tiền phạt đã phát huy tác dụng, thay đổi thói quen của cộng đồng. Người dân tự nhặt rác, thành phố sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, ngày nay, Singapore sạch không phải vì người dân sợ bị phạt nữa mà là nhờ đội ngũ công nhân vệ sinh hùng hậu. Số công nhân vệ sinh đã đăng ký với Cơ quan Môi trường quốc gia lên tới 56.000 người. Ngoài ra, hàng ngàn người khác làm việc mà không đăng ký, hầu hết là người nước ngoài hoặc người cao tuổi.
Ông Liak nhận xét công nhân vệ sinh càng nhiều, người dân càng ỷ lại. Hiện đảo quốc sư tử đã phải chi ít nhất 120 triệu SGD cho việc giữ vệ sinh công cộng. Về lâu dài, khi dân số gia tăng và chi phí lao động ngày càng đắt đỏ, ngân sách cho hoạt động này sẽ đội lên rất cao. Bài toán đặt ra lúc này quay lại việc thay đổi hành vi của người dân, một khi họ có thể thấm nhuần và nuôi dưỡng thói quen giữ vệ sinh chung ở bất cứ đâu, núi tiền đổ vào lực lượng lao công có thể dành cho y tế và giáo dục.