7, 8 năm trở về trước, khi hai mỏ than Suối Bàng và Suối Bàng 2 được cấp phép khai thác trên địa bàn xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ), tỉnh Sơn La, người dân và chính quyền địa phương ngỡ tưởng sẽ được hưởng lợi về sinh kế và cơ hội việc làm cùng một số dịch vụ đi kèm khác. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, bà con nơi đây lại phải hàng ngày đối diện với những hệ lụy của tình trạng khai thác bát nháo, nhiều sai phạm.
Đứng từ điểm cao nhất tại hai công trường khai thác than nhìn xuống những bản làng thuộc xã Suối Bàng mới thấy sự hiểm nguy đang đe dọa hàng nghìn người dân sinh sống phía dưới. Lạ là gần chục năm nay, người dân bao lần phản ánh, kiến nghị; các sở ngành cũng kiểm tra, xử phạt, thậm chí UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động nhiều lần, song doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác.
Không chỉ gây ô nhiễm khói bụi và nguồn nước nghiêm trọng, hoạt động khai thác than tại mỏ Suối Bàng II (do Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản KTB làm chủ đầu tư) và mỏ than Suối Bàng (Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La làm chủ đầu tư) còn làm giảm diện tích che phủ rừng và vùi lấp nhiều sông, suối, đồng ruộng khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khốn khó.
Kỳ 1: Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo
Công trường khai thác than của hai công ty nằm “treo” trên vách núi cao cả nghìn mét so với mực nước biển và từ khi được cấp phép tới nay, dường như nó vẫn hoạt động nhịp nhàng, đều đặn như chưa hề có lệnh cấm.
Có mặt tại hiện trường mỏ than Suối Bàng II thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Khoáng sản KTB – địa điểm chỉ cách UBND xã Suối Bàng vài cây số, nhóm Phóng viên chứng kiến các loại máy móc, xe tải đang hoạt động ầm ào để bốc xúc, vận chuyển than xuống cảng ven hồ thủy điện Hòa Bình trước khi xuất hàng. Phía bên trong hầm, các công nhân đang hì hục tời những máng than bằng ròng rọc…
Chia sẻ trong lúc chờ đến ca làm việc, nhóm công nhân khoảng 10 người tại một lán trại gần hầm khai thác cho hay “than ở đây tốt ngang với than ở Quảng Ninh… Lâu nay, mỏ vẫn hoạt động bình thường, khai thác kết hợp cả lộ thiên lẫn hầm lò”.
Theo quan sát của nhóm, hiện nhiều điểm đổ thải của mỏ than Suối Bàng II đã sạt lở xuống khu vực thung lũng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị sạt. Ngoài ra, nguồn nước từ mỏ than cũng tạo thành dòng chảy đen kịt kéo dài xuống phía dưới chân núi, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của các bản và vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đặc biệt, việc vận chuyển than từ mỏ xuống cảng ở ven hồ thủy điện do không được che chắn cẩn thận nên bị rơi vãi trên đường đi qua các bản, gây bụi mù mịt khi trời nắng và lầy lội bùn đen khi trời mưa, nhiều hộ phải căng bạt bịt kín nhà để che bụi, ngày mưa thì đường trơn, đi lại rất khó khăn.
Đáng chú ý là mỏ than Suối Bàng II chỉ được UBND tỉnh Sơn La cấp phép khai thác hầm lò tại Giấy phép số 3099/QĐ-UBND ngày 19/7/2010. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại tự ý khai thác lộ thiên, đào xới tan hoang, thậm chí san nhiều quả đồi với diện tích lên đến vài héc-ta. Điểm đổ thải áp dọc theo triền núi nên rất dễ bị sạt, nhiều đất đá thải trôi xuống sông, suối, ruộng lúa và thung lũng hoặc bị lũ cuốn về lòng hồ thủy điện.
Cách khu mỏ của Công ty KTB chỉ khoảng 1 km là khai trường khai thác than của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sơn La – đơn vị được UBND tỉnh Sơn La cấp phép khai thác mỏ Suối Bàng tại Giấy phép số 1975/QĐ-UBND ngày 30/8/2011. Tuy vị trí khác nhau, chủ đầu tư cũng khác, song hoạt động tại hai mỏ thì hoàn toàn tương tự, đồi núi bị xới tung, bãi thải chất chồng và có nhiều điểm bị sạt lở, bịt lấp cả suối, ruộng.
Người dân và chính quyền đều bức xúc
Theo quan sát, việc khai thác của hai mỏ than ảnh hưởng ít nhất đến 4 bản trong xã gồm bản Bó (hơn 70 hộ), bản Pưa Ta (57 hộ), Suối Khẩu (37 hộ) và Nà Lồi (55 hộ). Đáng chú ý là toàn xã có 12 bản với 879 hộ, 3.599 khẩu thì nhóm hộ nghèo chiếm tới 52,10%, hộ cận nghèo 82 hộ và có đến 6 bản đặc biệt khó khăn.
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài, bà Mùi Thị Ư ở bản Pưa Ta cho hay: “Mưa lũ cuốn hết đất thải từ mỏ than xuống ruộng, hai năm nay lúa không lên nữa, cho bao nhiêu phân tro cũng không lên được, ngô cũng bị chết. Nhà có 4 sào mà mất 2 sào không cấy được. Người ta có đền cho cái gì đâu, khi ruộng bị sạt, con trai có ra đăng ký với trưởng bản để nhận tiền đền bù mà không được”.
“Xe chở than qua đây bụi lắm, nhà cũng phải quây vào cho đỡ bụi, nhà rất thoáng mà lại thành rất bí” – một người dân bản Nà Lồi chia sẻ.
Anh Mùi Văn Văn, Trưởng bản Nà Lồi cho biết thêm: “Bản có 55 hộ với 217 khẩu thì có 25 hộ chủ yếu dùng nguồn nước từ khe suối chảy từ mỏ than xuống bản. Ngoài ra, nước từ mỏ than chảy xuống cả suối Ngần rồi chảy vào lòng hồ Hòa Bình, gây nguy cơ gây ô nhiễm cao. Riêng ruộng lúa ở bản bị sạt lở vùi lấp khoảng 4 ha”.
Ông Mùi Văn Mếu, Bí thư xã Suối Bàng khẳng định “hai công ty đều có sai phạm, việc họ tồn tiền cấp quyền khai thác đã có văn bản gửi đến các nơi. Họ còn bị đình chỉ, tuy dừng làm một thời gian nhưng bây giờ lại hoạt động trở lại. Việc khai thác không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ che phủ rừng mà còn gia tăng ô nhiễm khói bụi, sạt lở đất đá, chất thải xuống sông, suối…, sau này xã muốn làm cá lồng cũng không được vì nước bị nhiễm chất độc rồi”.
“Xã cũng phản ánh nhiều nhưng khi nào kiến nghị thì họ mới giải quyết, không thì thôi. Ví dụ đợt này ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu ruộng đồng thì họ hỗ trợ phân bón, vôi khử chua để tăng trưởng cho cây lúa, nhưng cũng không ăn thua” – ông Mếu cho biết.
Được biết, trong quá trình khai thác than tại xã Suối Bàng, cả hai công ty đều từng bị UBND tỉnh Sơn La đình chỉ khai thác để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm. Tuy nhiên, hai đơn vị chưa thực hiện đúng nghĩa vụ mà vẫn tiếp tục khai thác.