Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Cầm chắc 9 tỷ USD

Giữ vững đà tăng trưởng tốt suốt từ đầu năm đến nay, XK gỗ và lâm sản trong 10 tháng đầu năm đã gần bằng kỷ lục của cả năm ngoái. Đó là cơ sở để tin rằng XK gỗ và lâm sản trong cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10 vừa rồi, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ với trị giá đạt 389 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017; Nhật Bản đạt 104,45 triệu USD, tăng 22%; Trung Quốc đạt 115,141 triệu USD, tăng 10,7%; Hàn Quốc đạt 86,531 triệu USD, tăng 38,4% … Nhờ vậy, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10 đạt 845,4 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, đưa tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ trong 10 tháng đầu năm lên 7,221 tỷ USD, tăng tăng 15,6%. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,05 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Với nhóm sản phẩm mây, tre, cói và thảm, số liệu của Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong tháng 10, giá trị XK đạt 32,728 triệu USD, tăng 25,3% so với tháng 10/2017. Tính ra, trong 10 tháng đầu năm nay, XK mây, tre, cói và thảm đã đạt 278,389 triệu USD, tăng tới 26,7% so cùng kỳ năm ngoái và đã vượt giá trị XK của cả năm 2017 (271,916 triệu USD).

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị XK gỗ và nhóm mây, tre, cói và thảm đã đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Đấy là chưa tính giá trị XK của những lâm sản khác ngoài nhóm mây, tre, cói và thảm. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay, nếu tính hết giá trị XK của cả các lâm sản khác, thì trong 10 tháng qua, giá trị XK của ngành lâm nghiệp đã đạt trên 7,6 tỷ USD.

Sản xuất đồ gỗ XK

Theo dự báo của Bộ Công Thương, với đà tăng trưởng hiện tại, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong cả năm nay có thể đạt 8,85 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái (năm 2017 XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt kỷ lục 7,7 tỷ USD). XK các lâm sản khác ngoài gỗ ước đạt khoảng vài trăm triệu USD. Bởi vậy, đến giờ này, đã có thể khẳng định chắc chắn rằng XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong năm nay sẽ cầm chắc 9 tỷ USD.

Dự báo nói trên của Bộ Công Thương là có cơ sở. Trước hết, đó là cơ sở thực tế từ việc XK gỗ và nhóm mây, tre, cói và thảm trong năm nay luôn giữ được đà tăng trưởng tốt ở 2 con số. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, nhu cầu NK đồ nội thất, nhất là ở thị trường Mỹ, thường tăng mạnh để phục vụ cho nhu cầu xây cất, sửa sang nhà cửa. Mỹ là thị trường lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam, đạt 3,119 tỷ USD trong 10 tháng qua (chiếm 43,2% tổng giá trị XK đồ gỗ Việt Nam). Việt Nam lại đang chiếm 20% giá trị NK đồ nội thất của Mỹ (trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị NK đồ nội thất của Mỹ lên tới 14,4 tỷ USD). Do đó, việc Mỹ tăng mạnh NK đồ nội thất trong những tháng cuối năm sẽ có những tác động rất tích cực tới tăng trưởng XK đồ gỗ của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, 3 tháng cuối năm luôn là thời điểm XK mạnh nhất, là thời vụ chính của ngành gỗ và lâm sản. Hiện nay, hầu hết các DN đều đã có đủ đơn hàng XK trong những tháng còn lại của năm, tập trung vào 5 thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Với giá trị XK đã đạt được trong 10 tháng và căn cứ vào các đơn hàng XK, con số 9 tỷ USD XK của ngành lâm nghiệp chắc chắn sẽ đạt được.

Nhiều cơ hội cho 2019

Theo Bộ Công Thương, XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trước hết, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang được nhiều thị trường NK lớn chú ý tới.

Lâu nay, khi NK đồ nội thất bằng gỗ từ các nước ngoài EU, nguồn cung chủ yếu cho EU đến từ Trung Quốc (chiếm khoảng 50% giá trị NK đồ nội thất bằng gỗ ngoài EU). Việt Nam là nguồn cung đứng hàng thứ 2. Trong 8 tháng đầu năm 2018, NK đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam vào EU, chiếm 12,3% tổng trị giá NK đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài EU. Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (ITTO), trong thời gian gần đây, khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường đồ nội thất bằng gỗ của EU gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng và các luật mới về kiểm soát ô nhiễm ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ngành công nghiệp đồ nội thất của Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu EU quan tâm, do sự phát triển về mặt kỹ thuật hơn so với các nước ở châu Á và ngày càng có khả năng cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cho châu Âu, với nguồn nguyên liệu được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và châu Âu. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp XK đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang EU trong thời gian tới.

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU đã được ký kết, sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy gỗ của Việt Nam XK sang EU, mở rộng thị phần XK gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội đối với gỗ và sản phẩm gỗ XK của Việt Nam, đặc biệt là đồ nội thất. Hồi tháng 9, việc Chính phủ Mỹ tuyên bố áp mức thuế 10% lên nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, chưa có tác động tiêu cực tới việc NK đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc vào Mỹ.

Cụ thể, NK đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đạt 6,66 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ 2017. Gần đây, khi Mỹ tuyên bố đánh thuế 25% lên nhiều hàng hóa NK từ Trung Quốc, trong đó có đồ nội thất bằng gỗ, với thời hạn bắt đầu áp dụng là 1/1/2019, các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng NK đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc nhằm tránh mức thuế nói trên. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất từ các công ty sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc, trong tháng 9/2018, số đơn hàng mới xuống thấp nhất trong vòng hai năm qua. Vì vậy, nhiều hãng sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc đã ngừng kế hoạch mở rộng và hạn chế đầu tư mới. Đây chính là cơ hội tốt cho các công ty sản xuất đồ gỗ nội thất của Việt Nam.

XK mây, tre cói và thảm có khả năng lần đầu tiên vượt mốc 300 triệu USD

Nhóm hàng mây, tre, cói và thảm năm nay tăng trưởng mạnh

Sau 8 năm luôn đạt giá trị XK ở mức trên 200 triệu USD, đến năm nay, nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc XK 300 triệu USD. Cụ thể, vào năm 2010, với mức tăng trưởng vượt trội (tăng 84,6% so với năm 2009), lần đầu tiên, XK mây, tre, cói và thảm vượt mốc 200 triệu USD và đạt 203,109 triệu USD. Nhưng trong 7 năm liên tiếp sau đó, từ 2011-2017, tăng trưởng XK của nhóm hàng này qua từng năm lại chỉ rất khiêm tốn, chưa bao giờ đạt 2 con số, thậm chí có năm còn tăng trưởng âm. Trong 3 năm gần nhất, tăng trưởng nhóm hàng mây, tre, cói và thảm rất thấp: Năm 2017 đạt 271,916 triệu USD, tăng 3,5%; 2016 đạt 262,795 triệu USD, tăng 1,1%; 2015 đạt 259,831 triệu USD, tăng 3,8%.

Chính vì vậy, mức tăng trưởng 26,7% trong 10 tháng đầu năm nay của nhóm hàng mây, tre, cói và thảm là rất ấn tượng. Với đà tăng trưởng tốt, nhiều khả năng khi kết thúc năm nay, lần đầu tiên nhóm hàng mây, tre, cói và thảm vượt mốc XK 300 triệu USD, qua đó, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu 9 tỷ USD của ngành lâm nghiệp.

EU là thị trường lớn nhất của mây, tre, cói và thảm Việt Nam khi đạt 79,13 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm 32,2% tổng giá trị XK nhóm hàng này. Tiếp đó là Mỹ với 48,4 triệu USD; Nhật Bản đạt 45,862 triệu USD; Hàn Quốc 13 triệu USD, Úc 11 triệu USD…

Ngành gỗ xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD

10 tháng đầu năm nay, trong khi XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,221 tỷ USD, thì giá trị NK gỗ và sản phẩm gỗ là 1,871 tỷ USD. Như vậy, trong 10 tháng qua, ngành gỗ đã xuất siêu 5,359 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất siêu của ngành gỗ đã tăng gần 1 tỷ USD (10 tháng đầu năm 2017, ngành gỗ xuất siêu 4,453 tỷ USD). Trong các mặt hàng nông sản XK chủ lực, giá trị xuất siêu của gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đứng sau thủy sản (hơn 5,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay).

Nguồn: