Đến cuối thế kỷ 21 này, nhiều nơi trên thế giới có thể phải hứng chịu cùng lúc một loạt thảm họa thiên tai, từ những đợt nắng nóng, cháy rừng tới những cơn mưa phù sa và những trận bão lớn.
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu sinh vật biển, thuộc Đại học Hawaii đã đưa ra cảnh báo trên trong một nghiên cứu, nhằm gióng thêm hồi chuông cảnh báo về hậu quả tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu này, ông Erik Franklin – một trong những tác giả chính, nhấn mạnh nhiều thảm họa thiên tai đang xảy ra và sẽ tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Chính lượng khí thải CO2, khí mêtan và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác tràn ngập trong không khí là yếu tố kích thích sản sinh ra “các lực lượng đe dọa sự sống.”
Bắt đầu từ nhiệt độ tăng cao, hiện tượng này dẫn đến tình trạng khô hạn, nắng nóng và cháy rừng thảm khốc, như vụ cháy rừng hơn 10 ngày qua tại bang California, Mỹ. Trong khi đó, ở những khu vực ẩm ướt hơn, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu là mưa lớn và lũ lụt. Đối với thế giới đại dương, tình trạng biến đổi khí hậu tạo ra nhiều siêu bão lớn hơn mà sức hủy diệt của những cơn bão này gia tăng là do mực nước biển tăng cao.
Cụ thể, nghiên cứu khẳng định nếu tình trạng ô nhiễm không khí vẫn giữ ở mức hiện nay, thành phố New York (Mỹ) sẽ phải hứng chịu bốn thảm họa thiên tai cùng lúc, trong đó có mưa to, mực nước biển dâng và bão gia tăng.
Trong khi đó, thành phố Sydney (Australia) và Los Angeles (Mỹ) có thể phải ứng phó cùng lúc ba thảm họa thiên tai, còn thủ đô Mexico City của Mexico có thể ứng phó với bốn thảm họa, và Brazil có nguy cơ hứng chịu năm thảm họa thiên tai.
Nghiên cứu kết luận rằng những hậu quả nặng nề của thảm họa thiên tai chồng chất đối với những nước giàu và nghèo là như nhau và những khu vực nằm ở vùng biển nhiệt đới sẽ là “nạn nhân” hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa thiên tai.
Để đưa ra những nhận định trên, nhóm nghiên cứu của tác giả Mora và các cộng sự đã thu thập dữ liệu từ hàng nghìn nghiên cứu phân tích 10 tác động của tình trạng biến đổi khí hậu gồm cháy rừng, lũ lụt, mưa bão, mực nước biển dâng cao, biến đổi trong sử dụng đất, tình trạng axít hóa trong lòng đại dương, giông bão, tình trạng nóng lên, hạn hán và nguồn cung nước sạch.