Theo một báo cáo mới công bố của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) mang tên “Hành tinh sống,” từ năm 1970 đến năm 2014, khu vực Mỹ Latinh đã mất tới 89% các loài động vật có xương sống tại khu vực này do các hoạt động của con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Tiến sỹ María José Villanueva của WWF cho biết Mỹ Latinh là khu vực chịu tổn thất đa dạng sinh học do hoạt động của con người nặng nề nhất thế giới, nhưng cũng nhấn mạnh đây là một vấn đề toàn cầu.
Nghiên cứu của WWF cho thấy mức độ tổn thất đa dạng sinh học do con người trên toàn cầu hiện đã ở mức 70%, và con số này có thể lên tới 90% trong 10 năm tới nếu xu hướng này tiếp tục.
Bà Villanueva cảnh báo “tình trạng này sẽ dẫn tới một thế giới không thể nhận ra và không thể sinh sống” và rằng “chúng ta đang thua cuộc chiến này và trên thực tế đang phải gánh chịu các hậu quả.”
Nhà nữ hải dương học nổi tiếng người Mexico này đưa ra ví dụ rằng tại đất nước quê hương của bà, đứng thứ 4 thế giới về đa dạng sinh học, 2.500 loài sinh vật bị đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động của con người, từ các loài thực vật cho tới cá, bò sát, thú có vú và chim, trong đó có nhiều loài đặc chủng như báo Jaguar, một số loài chim thảo nguyên, cá mập, rùa biển và bò biển.