Trên nền cát trắng, theo nhịp lên xuống của thủy triều, dấu chân của người và rùa biển xuất hiện rồi biến mất sau vài tiếng đồng hồ. Đó không phải là kết thúc, mà chỉ đơn giản là sự lặp lại của một hành trình miệt mài, với bao la yêu thương dành cho rùa biển.
Mấy hôm ở Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), theo chân và lắng nghe những câu chuyện mà anh em kiểm lâm viên ở đây kể, mới cảm nhận được phần nào công việc của những người đàn ông chuyên… đỡ đẻ cho rùa.
Đêm, theo dấu chân rùa
Những khuya của gần giữa tháng Năm âm lịch, dù chưa tròn trịa lắm, nhưng ánh trăng đủ để soi sáng dặm dài bãi cát trắng ở Bảy Cạnh. Những kiểm lâm viên, theo lịch phân công của mình, lặng lẽ đi dọc bãi biển để tìm kiếm dấu vết rùa mẹ lên bờ đẻ. Tôi theo chân anh Nguyễn Duy Thành, rất nhẹ nhàng, cả nhịp bước chân và thanh âm của những lời chúng tôi hỏi han nhau. Thành bảo rùa mẹ rất “ngại” ánh sáng và sự ồn ào, nên chiếc đèn pin anh cầm trên tay rất ít khi được bật, tất nhiên là phần nào nhờ ánh sáng mà trăng khuya đang tỏ. Được một đoạn, anh quay sang nói nhỏ: “Có rùa mẹ lên bờ làm tổ đẻ”. Rồi anh chỉ tay về phía trước, tôi nhìn theo, dấu vết ấy mất hút ở gần một bụi cây. Anh Thành nhẹ nhàng tiến đến. Tôi im lặng theo sau, nhưng chưa đến nơi thì anh ra dấu hiệu cho tôi trở ngược xuống mép biển, cả hai đi tiếp về phía trước.
Lý giải việc tại sao phải di chuyển trứng rùa vừa đẻ từ dưới bãi lên hồ ấp, ông Nguyễn Đình Lý – Trưởng trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh cho hay, di chuyển trứng rùa là nhằm phòng ngừa ổ trứng bị ngập nước sẽ hỏng, kế đến là phòng tránh các loài động vật địch hại tấn công, và lý do cần thiết nhất chính là phòng chống tình trạng có người đào trộm trứng. Đây chính là lý do vì sao mà công việc tuần tra luôn diễn ra thường xuyên và vô cùng cẩn thận. Năm trước có người trộm trứng rùa bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù giam, nhưng hiện phải đối mặt với bản án nặng hơn của tòa phúc thẩm. “Hành lang pháp lý và sự nghiêm khắc như thế của pháp luật mới dẹp được tình trạng trộm trứng rùa, điều mà lực lượng kiểm lâm chúng tôi phải thường xuyên đau đầu đối mặt suốt nhiều năm trước đó” – ông Lý nói. |
“Rùa mẹ đang trong quá trình làm tổ, không nên làm kinh động” – anh Thành giải thích. “Thế khoảng bao lâu nữa thì rùa đẻ trứng”- tôi thắc mắc. “Hơi lâu đấy” – anh đáp lời, rồi giải thích cho tôi hiểu thêm: “Không phải rùa lên đào tổ là đẻ liền đâu, mà phải mất vài chục phút, hoặc thậm chí là không đẻ mà chỉ thăm dò để đêm sau lên đẻ. Nếu mọi việc suôn sẻ, từ lúc rùa mẹ lên bờ đến khi đẻ xong thường kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ”. Anh em ở đây có người tài đến mức, chỉ cần nghe tiếng phát ra trong lúc rùa dùng vây gạt cát là biết rùa đang trong quá trình đào tổ hay đã đẻ xong và lấp tổ lại. Còn cách đơn giản khác dành cho những người chưa có hoặc ít kinh nghiệm: nếu rùa dùng vây trước để gạt cát, là rùa đã đẻ xong và đang lấp tổ cũng như xóa dấu vết, còn dùng vây sau, là rùa mẹ đang đào tổ để chuẩn bị đẻ.
Lang thang một hồi, chúng tôi phát hiện có hai rùa mẹ đang trong quá trình làm tổ. Chọn khoảnh cát cách xa hai nơi ấy, chúng tôi ngồi nói chuyện, như một phương thức giết dần thời gian để đợi đến lúc rùa đẻ. Lúc này thì tôi mới biết, hóa ra anh Thành không phải là kiểm lâm viên của trạm Bảy Cạnh, mà anh là nhân viên của Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước (thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo) ra tăng cường cùng với anh em ở Bảy Cạnh trong thời gian 1 tháng. Ông nội Thành là dân Quảng Nam, còn anh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, ra công tác ở Côn Đảo đã mấy chục năm rồi.
Dõi theo rùa đẻ
Chúng tôi nói chuyện với nhau, cứ độ nửa tiếng lại đi kiểm tra một lần. Đến khi xác định rùa đang đẻ, anh Thành cắm một cành cách vị trí rùa đẻ không xa để làm dấu. “Trong lúc mình đi tuần tra tổ rùa khác, có thể con rùa này đã đẻ xong và theo đặc tính, rùa mẹ sẽ xóa dấu vết để tránh kẻ thù làm nguy hại đến trứng. Nên khi quay trở lại, nhìn nhánh cây vừa cắm xuống đó, mình sẽ đoán được vị trí rùa đẻ trứng mà không phải mất quá nhiều công sức để dò tìm” – anh Thành giải thích, rồi rút bộ đàm thông báo cho kiểm lâm viên Lê Đức Du, khi ấy, anh Du cũng đang đi tuần ở một hướng khác. Nhiều năm làm công tác đỡ đẻ cho rùa, ngón nghề của anh Du rất nhuần nhuyễn. Vài phút sau, anh Du đến, cầm một giỏ nhựa và đeo túi vải nhỏ.
Trong lúc rùa đẻ, anh Du làm “bà mụ” ở kề bên im lặng theo dõi. Sau này nghe anh chia sẻ, khi đỡ đẻ cho rùa phải thật tĩnh tâm quan sát nhằm nhận ra rùa mẹ đang gặp khó khăn gì để có thể giúp đỡ đẻ trứng an toàn. Một tổ như thế, rùa đẻ rất nhiều, thường là một trăm mấy chục trứng. Đợi đến lúc rùa mẹ đẻ gần xong, anh Du lấy thước đo bề ngang cùng chiều rộng của mai rùa, đồng thời kiểm tra hai vây trước của rùa mẹ xem có gắn thẻ theo dõi chưa, nếu chưa thì tiến hành gắn thẻ. “Những thông số này được ghi chép cẩn thận vào báo cáo đều đặn về cơ quan, nhờ cơ sở dữ liệu này, sẽ biết được tình trạng rùa lên đẻ hàng năm. Đối với rùa đã được đeo thẻ, đồng nghĩa với việc trước đó rùa đã lên đây đẻ và nó cảm thấy an toàn đối với sự xuất hiện của chúng ta. Nhưng với rùa chưa đeo thẻ, nghĩa là rùa lên đẻ lần đầu, nếu sơ ý, chúng ta có thể làm rùa sợ mà bỏ đi, không đẻ” – anh Du giải thích. Trong đêm hôm ấy, có đến 4 rùa mẹ lần đầu lên đẻ ở bãi biển Bảy Cạnh.
Đẻ xong, rùa mẹ lấp ổ, đồng thời dùng vây trước quạt đất để xóa dấu vết trong quá trình trở lại với biển. Quãng thời gian rùa lên bờ đẻ rồi trở lại biển là lúc mực thủy triều đang lớn. Đây cũng là cách mà lực lượng kiểm lâm nhìn biển để đi tuần tra rùa lên đẻ. Khi rùa mẹ rời tổ và nhằm hướng biển đi xuống, anh Du nhẹ nhàng bới từng lớp cát nơi tổ rùa vừa đẻ trứng, tầm 50 – 60cm thì chạm trứng. Rồi anh nhẹ nhàng đưa số trứng đó lên, đếm số lượng và cho vào giỏ để mang về hồ ấp. “Các hoạt động này phải hoàn thành trước 6 tiếng đồng hồ sau khi rùa mẹ đẻ trứng” – anh Du chia sẻ thêm.
Chăm rùa như… chăm con
Về đến hồ ấp, các kiểm lâm viên đào một hố nhỏ giống như rùa mẹ đào lúc đẻ ở dưới bãi biển. Trong quá trình cho trứng xuống chôn ấp, số lượng trứng được đếm kỹ lưỡng thêm lần nữa nhằm đối chiếu với số lượng đếm được ban đầu ở dưới bãi. Nếu số lượng không khớp, phải đếm lại thêm lần nữa để có con số chính xác sau cùng trước khi lưu vào sổ. Sai số được chấp nhận, nhưng chỉ dao động từ 1 – 2 trứng. “Còn vượt quá định mức sai số ấy thì sao?” – tôi hỏi. Anh Du hài hước trả lời: “Thì… “dính” tờ giấy A4 chớ sao”. Chúng tôi ngớ người, tù mù chưa hiểu. Anh Du giải thích: “Là làm bản kiểm điểm, giải trình ấy mà”. Hiểu ra, chúng tôi được một phen cười thả ga.
Chôn trứng rùa xong, anh Du cẩn thận cắm một thanh tre vát dẹt ngay tổ vừa lấp. Trên thanh tre có ghi đầy đủ thông số về thứ tự tổ, ngày tháng, số lượng trứng rùa. Mọi dữ liệu đều được ghi chép tỉ mẩn, lưu giữ cẩn thận để phục vụ công tác theo dõi, bảo tồn… Ông Nguyễn Đình Lý – Trưởng trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh cho biết, ngoài quy trình thông thường là đi tuần phát hiện rùa đẻ, đo đạc, bấm thẻ, lấy trứng đem lên hồ ấp, thỉnh thoảng kiểm lâm viên phải đào tổ giúp rùa mẹ đẻ. Đó là những trường hợp rùa mẹ bị khuyết tật vây sau, không thể tự đào hố đẻ được. Cũng theo ông Lý, ngoài được trang bị kỹ năng đỡ đẻ cho rùa, kiểm lâm viên còn có kỹ năng xử lý những tình huống rùa gặp nạn như mắc câu, quấn dây… Những khi ấy, rùa được chăm sóc khá đặc biệt, mà anh em ở đây hay đùa, là chăm rùa còn hơn cả chăm con của mình.
Bài 3: Từ Côn Đảo nghĩ về Cù Lao Chàm