Greenpeace kiện một Bộ trưởng Ba Lan cho dùng thuốc trừ sâu bị cấm

Ngày 15/11, nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace (Hòa bình Xanh) đã khởi kiện Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Jan Ardanowski vì cho phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu có chứa chất neonicotinoid, vốn bị Liên minh châu Âu (EU) cấm do lo ngại gây nguy hiểm cho loài ong.

Trong đơn kiện, Greenpeace cho rằng Bộ trưởng Ardanowski đã “vi phạm” quy định khi hai lần cho phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu bị cấm.

Theo tổ chức trên, hồi tháng 7, ông Ardanowski đã cho phép người nông dân trồng cải dầu tạm thời sử dụng neonicotinoid, nhưng lại gây hại cho 60.000 hộ nuôi ong ở Ba Lan.

Lần thứ hai là vào tháng 10, Bộ trưởng Ardanowski đã cấp phép khẩn cấp cho việc sử dụng loại thuốc trừ sâu chứa neonicotinoid trong vụ gieo trồng củ cải đường. Greenpeace mô tả hành động này là “hoàn toàn đáng hổ thẹn.”

Greenpeace phối hợp với hãng luật Frank Bold chuyên về các vụ kiện môi trường, nhân quyền và chống tham nhũng trong vụ kiện này.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: thealternativedaily.com)

Theo Frank Bold, Bộ trưởng Ardanowski đã ra quyết định quá nhanh, không tham vấn người nuôi ong, không tính đến các kết quả nghiên cứu khoa học, cũng như những ý kiến phản đối của Bộ Môi trường.

Tuần trước, đại diện các hộ nuôi ong ở Ba Lan đã gửi một bức thư lên Bộ trưởng Ardanowski, phản đối các quyết định của ông “có hại cho cả người nuôi ong và môi trường.”

Năm 2013, EU đã ban hành lệnh cấm một phần đối với 3 loại thuốc bảo vệ thực vật có chất neonicotinoid. Lệnh cấm này đã được siết chặt hơn sau một báo cáo quan trọng của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu về tác hại của các loại hóa chất.

Tháng 4 vừa qua, các nước EU đã bỏ phiếu ủng hộ cấm hoàn toàn việc sử dụng trong môi trường tự nhiên 3 loại thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid, gồm clothianidin, imidacloprid và thiamethoxam.

Các loại thuốc này chỉ được phép dùng đối với cây trồng trong nhà kính. Tháng 5, một tòa án EU đã giữ nguyên lệnh cấm này.

Các loại thuốc trừ sâu dựa trên cấu trúc hóa học của chất nicotine để tấn công vào hệ thần kinh của côn trùng. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện chất neonicotinoid có thể khiến loài ong bị mất phương hướng và không thể tìm đường về tổ, và giảm khả năng chống chọi bệnh tật của loài vật đóng vai trò rất quan trọng trong ngành trồng trọt này.

Ong giúp thụ phấn cho 90% cây trồng quan trọng trên thế giới, nhưng gần đây số lượng ong đã giảm vì một tai họa bí ẩn được cho là một phần do thuốc trừ sâu gây ra.

Ba Lan sẽ là nước đăng cai các cuộc thảo luận về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 12 tới.

Dự kiến, tại hội nghị này, các quốc gia tham dự sẽ ký kết một khung pháp lý mới để thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.