Nghiên cứu do Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) Việt Nam và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hiện cho thấy trong 5 năm, từ năm 2013 đến 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, thu giữ 41.328kg cá thể và sản phẩm, 1.461 đối tượng vi phạm, đưa ra xét xử 432 bị cáo (96,43% vi phạm hình sự về động vật hoang dã) và tổng mức xử phạt 16 tỷ đồng.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, một số điểm nóng vi phạm về động vật hoang dã là các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) và các địa bàn sát biên giới như Móng Cái (Quảng Ninh), Quế Phong (Nghệ An), Đắkrông (Quảng Trị), An Giang, Tây Ninh…
Đáng chú ý là các loài nguy cấp, quý hiếm, bị đe dọa như tê tê, rắn rùa, chim các loại chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép bị phát hiện, thu giữ và xử lý. Một số loài không có nguồn gốc từ Việt Nam như tê giác, voi… cũng thường xuyên bị vi phạm, chiếm 13,5% tổng số vụ và 44,64% tổng khối lượng bị tịch thu. Đặc biệt, sự tham gia của các đối tượng trẻ tuổi (30-35 tuổi) trong các vụ vi phạm về động vật hoang dã khá cao, chiếm 26,63% tổng số đối tượng và xấp xỉ 50% đối tượng vi phạm là nữ (độ tuổi chủ yếu từ 54 đến 59).
Chia sẻ tại Hội thảo “Đánh giá tình hình vi phạm về động vật hoang dã trong 5 năm (2013-2017) thông qua thống kê, phân tích các vụ việc bắt giữ, xử lý” do WCS phối hợp tổ chức ngày 16/11, bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng đại diện WCS Việt Nam cho hay dữ liệu thông tin về động vật hoang dã của 63 tỉnh, thành và các cơ quan thực thi pháp luật hiện chưa đầy đủ, thiếu nhiều thông tin về các vi phạm đang trong quá trình điều tra hoặc chưa có kết quả xử lý, thậm chí thiếu nhất quán khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc đề ra chính sách và thực thi hiệu quả.
Nếu làm tốt công tác thống kê, tổng hợp dữ liệu thì sẽ giúp các cơ quan chức năng có được cái nhìn đầy đủ và đề ra giải pháp hữu hiệu, giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống vi phạm và tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam – bà Thủy nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm về động vật hoang dã, ông Trần Văn Trung, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cho rằng cần tăng cường thực thi pháp luật dựa trên kết quả thống kê, phân tích để xác định phương thức, quy luật hoạt động (điểm nóng, tuyến đường) của các đối tượng, đường dây, từ đó xây dựng kế hoạch hành động thực thi pháp luật một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chỉ định cơ quan đầu mối và thiết lập cơ sở dữ liệu chung về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã nhằm tổng hợp đầy đủ, chi tiết, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khi cần truy xuất thông tin.