Trong khi rừng tự nhiên đang bị tàn phá tan hoang khắp chốn, khiến hàng ngàn hécta rừng trên cả nước bị “bốc hơi” khó hiểu vì lơ lửng trách nhiệm, thì tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, những khu rừng cây pơmu và cây đỗ quyên cổ thụ tới ngàn năm tuổi vẫn còn được gìn giữ vẹn nguyên như người ruột thịt thân yêu.
Tội ác dưới những tán rừng xanh…
Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá
Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ
Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa
Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược
Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”
Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”
“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ
Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng
Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài
Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4
Thành quả của việc giữ “kho báu” cho Tây Giang là nhờ sự “chung tay” của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng cùng bảo vệ sơn lâm, từ đó được hưởng lợi từ rừng, con cháu “sống” được nhờ rừng, mà không phải phá rừng trái phép.
Mục sở thị “vương quốc pơ mu” cổ thụ
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến huyện vùng núi Tây Giang là tấm bảng hiệu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong” đặt ngay chỗ cổng vào trung tâm huyện. Câu khẩu hiệu cho thấy Tây Giang xem rừng là “vốn liếng” vô cùng quan trọng, vì thế họ dồn hết sức lực để gìn giữ.
Thực tế, Tây Giang không hô khẩu hiệu suông, bởi nhiều năm qua, các cấp chính quyền cùng cộng đồng dân cư của huyện đã luôn “chung tay” bảo vệ lá phổi xanh nơi đại ngàn. Để giờ đây, khu rừng tự nhiên này đã được “hóa phép” trở thành “vương quốc” pơmu cổ thụ hơn ngàn năm tuổi, được xem là tấm gương sáng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng cho các địa phương trên cả nước học tập.
Để tận mục sở thị được khu rừng pơ mu ngàn tuổi quý giá trên, chúng tôi đã phải di chuyển khoảng 40km đường mòn bằng xe máy, sau đó đi bộ thêm 3-4km “đường chỉ” (lối mòn) dẫn vào rừng, chúng tối mới tiếp cận được khu vực “kho báu” của Tây Giang, với hàng ngàn hình thù tự nhiên của các con vật kỳ lạ.
Sau khoảng 30 phút đi bộ dưới tán rừng xanh, chúng tôi đã đến tận gốc những cây pơmu cổ thụ, nhiều cây với những dáng hình khác nhau. Rất nhiều cây đã được lãnh đạo huyện Tây Giang đặt tên theo hình thù như cây ngũ hổ, cây voi, cây rồng, cây ếch…Phía dưới tán rừng, những cây pơmu nhỏ đang vươn mình phát triển.
Quần thể cây pơmu ở huyện Tây Giang thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450ha nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển. Trong đó, nhiều cây pơmu cổ thụ có tuổi thọ đo được là hơn 1.800 năm. |
Năm 2016, qua khảo sát, tổng số cây pơmu đo, đếm được là 1.396 cây, trong đó 725 cây có đường kính 1,5m trở lên đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, pơmu là một chi trong họ cây hoàng đàn. Tại Việt Nam, pơmu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Vì thế, gỗ pơmu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây còn là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào “sách đỏ.”
Việc công nhận di sản đối với quần thể 725 cây pơmu sẽ là biện pháp cấp thiết để làm cơ sở bảo tồn loài cây quý này. Rừng pơmu Tây Giang cũng được đánh giá là một trong những quần thể pơmu có tuổi đời lớn nhất và số lượng tập trung dày đặc nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bling Nghị ở thôn Arâng 1, xã A Xan (người dẫn đường) cho hay: “Từ khi cấp trên yêu cầu đánh số cây, không cho người vào khai thác, công tác bảo vệ rừng tại đây đã tốt hơn rất nhiều. Ở khu vực này có 5 người trông coi cả ngày lẫn đêm, nhờ đó quần thể rừng cây pơmu vẫn còn nguyên vẹn.”
Sau nửa ngày ở trong rừng, chúng tôi trở về Ganil-ngôi làng nằm ở ngay đầu cửa rừng cây pơmu. Chia sẻ với chúng tôi, già làng Alăng Đưm cho biết, từ đời xưa, đồng bào Cơ Tu ở xã A Xan, huyện Tây Giang đã biết bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là cánh rừng già, rừng đầu nguồn, con sông, khe suối.
“Ở đây người dân sống dựa vào rừng và được chính rừng che chở, nuôi sống. Vì thế, để giữ được rừng, người Cơ Tu đã làm lễ tạ ơn thần rừng, cảm ơn mẹ thiên nhiên đã che chở cho dân làng,” già làng Alăng Đưm nói.
Từ góc độ chính quyền địa phương, ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang cho biết, sở dĩ địa phương còn lưu giữ được “vương quốc pơmu” cổ thủ gần 2.000 năm tuổi là nhờ ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, trong đó có “văn hóa kiêng cữ, giữ rừng.”
Tất nhiên, ngoài tinh thần gìn giữ và bảo vệ rừng của chính người dân thì chính quyền huyện Tây Giang cũng đã có những cách làm hay như tuyên truyền vận động người dân tự giác giao nộp cưa máy về cho xã quản lý, rồi lập ra tổ tự quản bảo vệ rừng, ai phá rừng sẽ bị xử phạt theo luật tục và pháp luật. Đó là một trong những lý do khiến các khu rừng già, rừng đầu nguồn nơi đây vẫn còn vẹn nguyên.
Rừng là máu thịt, người thân
Từ năm 2011, khi Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu lâu dài để người dân gắn bó với rừng và “sống” được nhờ rừng, bằng cách giao khoán rừng cho hộ dân, cộng đồng bảo vệ. Đến nay, toàn bộ 10 xã trên toàn huyện Tây Giang đã triển khai chương trình này.
Theo đó, huyện Tây Giang đã thành lập và duy trì được 73 tổ quản lý bảo vệ rừng tại 73 thôn, làng trên toàn địa bàn. Đồng thời giao khoán cho 244 nhóm hộ dân với 3.622 hộ, trên diện tích hơn 46.000 ha rừng nguyên sinh để bảo vệ, quản lý.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Axan cho biết, từ khi có Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân nơi đây đã có ý thức và tự giác hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Trước đây, bà con hay chặt phá cây cối, xâm lấn rừng già làm nương rẫy, thì bây giờ nhờ chính sách chi trả tiền cho việc bảo vệ rừng đã khuyến khích người dân có trách nhiệm hơn.
“Nếu hộ không làm tốt, để xảy ra tình trạng xâm lấn rừng già, rừng đầu nguồn thì sẽ bị cắt không chi trả tiền và còn bị phạt nữa,” vị lãnh đạo xã Axan nói.
Không chỉ góp phần bảo vệ loài cây “sách đỏ,” thành quả của việc gìn giữ rừng cây pơmu cổ thụ ngàn năm tuổi được xem là “báu vật” của Tây Giang còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, giúp đồng bào người Cơ Tu nơi đây “sống” được nhờ nguồn thu từ việc bảo vệ rừng. Đồng thời, mở ra những dịch vụ phát triển “ăn theo” như chăn nuôi, ươm trồng các loại cây, đặc sản của vùng này.
“Tôi sinh ra từ rừng, chắc chắn sau này chết cũng về với rừng, cho nên tâm niệm lớn nhất của tôi trong những năm còn học tập và công tác là làm sao cùng với người dân đóng góp được cái gì cho rừng, cho quê hương, đó là trách nhiệm của mình.
“Tôi sinh ra từ rừng, chắc chắn sau này chết cũng về với rừng, cho nên tâm niệm lớn nhất của tôi trong những năm còn học tập và công tác là làm sao cùng với người dân đóng góp được cái gì cho rừng, cho quê hương, đó là trách nhiệm của mình.
Riêng với rừng pơmu, tôi tha thiết đề nghị Trung ương, tỉnh, xem công nhận rừng pơmu là “báu vật quốc gia” còn sót lại ở Việt Nam, bởi các cây pơmu cổ thụ ở đây có “tuổi thọ” trên ngàn năm, có cây lên tới 1.832 năm là rất hiếm…” -Bí thư Huyện Ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Bríu Liếc.
Trên phương diện là người quản lý ngành du lịch cho huyện Tây Giang, ông Phạm Quốc Hường, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch cho hay, trong ý thức, người dân Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để khai thác, mua bán kiếm chác, mà họ xem rừng như người ruột thịt thân yêu của mình.
“Đó cũng lý do mà ngươi dân Cơ Tu luôn trân trọng rừng, tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng có nghĩa địa và rừng có nhiều gỗ quý hiếm, nhiều cây thuốc chữa bệnh cho dân làng,” ông Hường nói.
Về hướng phát triển du lịch sinh thái tại “vương quốc pơmu,” ông Hường cho biết: “Chúng tôi luôn luôn lấy văn hóa làng của người Cơ Tu để bảo vệ rừng, để phát triển du lịch. Sử dụng văn hóa làng đó là sử dụng con người, già làng để bảo vệ rừng, trong đó có du lịch sinh thái pơmu.”
Ông Hường cũng cho biết, từ khi “vương quốc pơmu” được công nhận cây di sản, chính quyền huyện Tây Giang đã có một quyết định thành lập một ngôi làng mới với 16 căn nhà sàn theo phong cách truyền thống của người Cơ Tu, ở giữa lõi rừng, đưa người dân vào sinh sống để bảo vệ rừng. Tổ công tác bảo vệ rừng di sản cũng được thành lập chủ yếu là người dân địa phương.
Còn rừng là nhờ dân, để mất rừng là tội ác
Ông Bríu Liếc-Bí thư Huyện Ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, một người tâm huyết và quyết tâm bảo vệ rừng pơmu của đồng bào dân tộc mình (dân tộc Cơ Tu), chia sẻ: “Trước đây, có một thời gian do chủ trương của mình không quản lý thì bị phá. Khi nghe báo cáo, tôi đã dẫn cán bộ trực tiếp vào tiến hành khảo sát và sau đó giao cho dân bảo vệ thì nạn phá rừng mới chấm dứt. Như vậy, để bảo vệ được rừng cây pơmu di sản này, thì trách nhiệm lớn và nặng nề nhất chính là người dân.”
Vậy trước khi thực hiện công tác bảo tồn thì tình trạng phá rừng tại đây diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Bríu Liếc: Phá rừng ở toàn quốc không chỗ nào tránh khỏi, và ở Tây Giang cũng không ngoại lệ. Vì thế, khi phát hiện ra thì việc cần làm là kịp thời tuyên truyền động viên nhân dân có những giải pháp thiết thực, người dân thấy rừng đó chính là của họ thì chúng ta còn giữ được rừng, vì vậy rừng chính là của dân, dân quản lý, dân bảo vệ, dân phải hưởng lợi từ rừng, thì rừng chúng ta sẽ giữ mãi được.
Trước đây, Tây Giang phá rừng nhiều nhất là để làm rẫy, làm nương, chặt những cây to để khai thác, phá rừng buôn bán cũng có nhưng không nhiều. Tuy nhiên, sau này khi chúng tôi phát hiện và xử lý hình sự, đặc biệt là khi đưa ra tòa xử lý lưu động ngay tại các làng thì người dân rất sợ, nên không còn tình trạng phá rừng.
Theo ông, để quản lý rừng hiệu quả và mang lại lợi ích cho người dân thì việc giao rừng cần triển khai như thế nào?
Ông Bríu Liếc: Hiện nay Quốc hội đã thông qua Luật lập nghiệp và sắp tới có hiệu lực, tôi cho rằng tương đối kịp thời, mặc dù hơi chậm so với thực tế phá rừng của Việt Nam. Mong rằng Luật Lâm nghiệp cần triển khai sớm, đồng thời xem rừng là của dân; các ngành chức năng như kiểm lâm, huyện, xã đứng bên ngoài giúp dân, còn người giữ rừng, quản lý rừng, tổ chức khai thác những lâm sản phụ trong đó chính là người dân, làm được cái đó chắc chắn rừng chúng ta sẽ giữ được.
Như ông nói thì hiện nay công tác quản lý và bảo vệ rừng đang xảy ra nhiều bất cập và chồng chéo?
Ông Bríu Liếc: Thực tại việc quản lý rừng hiện nay ở Quảng Nam là rất chồng chéo, như ở Tây Giang có 3 Ban quản lý, quản lý theo đầu nguồn của các dòng sông, không quản lý theo địa giới hành chính.
Theo tôi, để bảo vệ được rừng, chúng ta cần quản lý theo địa giới hành chính, huyện, xã, thôn, có như vậy chúng ta mới giao cho cộng đồng thôn giữ rừng được, cho xã quản lý. Nơi nào xa người dân không tới được thì đó các ngành chức năng quản lý. Làm như vậy thì có phân cấp rõ ràng, ai làm tốt thì hưởng được dịch vụ chi trả môi trường rừng, ai làm sai thì trách nhiệm nặng nề.
Còn như kiểu quản lý hiện nay, chồng lấn không biết, mà sai thì lúc nào cũng nói địa phương, trong khi địa phương không có chức năng này. Bởi vì chúng ta đã có Ban quản lý, trong Ban quản lý lại có lực lượng kiểm lâm, kiểm lâm huyện.
Điều này, tỉnh đã thấy là sai và việc thay đổi cách quản lý này đang được sửa đổi, thí điểm ở một huyện.
“Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát
Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo
Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở
Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở
Cho mùa màng ta luôn bội thu
Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn
Mất rừng chim không còn tiếng hót
Mất suối sông cá không còn hơi thở
Mất mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong…”
– Điệu ca của người Cơ Tu.
Quay trở lại với rừng cây pơmu di sản đã được chính quyền địa phương và người dân gìn giữ vẹn nguyên, theo ông giá trị của “vương quốc cây” này là gì?
Ông Bríu Liếc: Nói về rừng thì chỗ nào cũng có giá trị riêng của nó, riêng pơmu thì giá trị của nó một cách kỳ vỹ, bởi vì các cây cổ thụ trên ngàn năm, có cây đã khoan được và có tuổi thọ 1.832 năm, những cây cổ thụ như thế này chắc chắn rất là hiếm, chúng tôi đắn đo và suy nghĩ nếu không quản lý tốt một ngày nào đó mất vài cây đó là một tội ác.
Vì thế, chúng ta cần giữ và quản bá cho bạn bè khắp năm châu đến chiêm ngưỡng, có tới đây thì rõ ràng người dân tại chỗ có nguồn thu nhập, và quản lý bảo vệ rừng sẽ dễ hơn, vì nhiều người vào đó không thể nào lâm tặc phá được.
Với ý nghĩa như vậy, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi mong rằng Chính phủ và tỉnh Quảng Nam sẽ lưu tâm về cánh rừng pơmu cổ thụ còn lại này.
Bây giờ tất cả mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu, vậy chúng ta phải làm gì để phát triển du lịch ở vùng này?
Ông Bríu Liếc: Muốn thu hút đầu tư du lịch vào cánh rừng này trước mắt phải có một cơ chế ở cấp tỉnh, cấp Trung ương, thứ hai là phải đầu tư giao thông vào, thứ ba là phải thu hút doanh nghiệp người ta tới đầu tư trong lĩnh vực du lịch, có du lịch thì công ăn việc làm của người dân xung quanh đó mới giải quyết được.