Liên quan đến nghi vấn “phù phép” động vật hoang dã thành thú nuôi, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết đã thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Tấn Thành – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp khẳng định với báo Lao Động: “Lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật hiện hành. Chúng tôi cũng đã có văn bản chính thức khẳng định điều này với lãnh đạo Sở NNPTNT Đồng Tháp làm cơ sở báo cáo với lãnh đạo tỉnh, Bộ NNPTNT”.
Cụ thể, những nghi vấn xung quanh vụ “rùa đầu to”, ông Thành cho biết, rùa đầu to có tên khoa học là Platysternum megacephalum, thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Hoàn toàn không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ.
Cũng theo ông Thành, hộ ông Trần Chí Đại đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi số 12/GCN/2017, ngày 23.8.2017. Vì vậy, việc cấp Giấy chứng nhận này tuân thủ đúng trình tự thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10.8.2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26.10.2011 của Chính phủ).
Hơn nữa, theo ông Thành, trong trường hợp này, rùa đầu to được nhập hợp pháp từ TPHCM.
“Thủ tục nhập về trại đều có xác nhận nguồn gốc hợp pháp của kiểm lâm sở tại nơi có động vật hoang dã gây nuôi xuất đi. Chi cục Kiểm lâm cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi các loài động vật hoang dã thuộc nhóm IIB là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, tức gây nuôi trong nước không mục đích xuất khẩu” – ông Thành nhấn mạnh.
Vì vậy, nó không phụ thuộc vào Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp, gọi tắt là Cites như một số thông tin đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Cụ thể, ngày 31.5.2017, ông Trần Chí Đại nhập từ trại Thái Dương (Hóc Môn, TP HCM) 159 cá thể rùa, trong đó có 33 rùa đầu to, trọng lượng 1 – 2,6kg/con.
Giao dịch này được Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM Lâm Tùng Quế xác nhận với nội dung rất cụ thể: “Căn cứ biên bản kiểm tra lâm sản số 0025112 ngày 26.5.2017 của Trạm Cứu hộ động vật hoang dã, xác nhận ông Trương Văn Tuấn có 33 rùa đầu to… xuất bán đến ông Trần Chí Đại (ấp 3, xã An Hòa, huyện Tam Nông, Đồng Tháp)”.
“Phần lớn đất đã được chuyển sang sản xuất nông nghiệp, hiện diện tích rừng ở Đồng Tháp còn không nhiều nên các loài động vật như rắn, rùa… ngoài tự nhiên không còn nhiều, hơn nữa rùa đầu to không phải là loài bản địa của tỉnh Đồng Tháp cho nên thông tin cho rằng “Rùa đầu to được phù phép có nguồn gốc hợp pháp từ trang trại” là không đúng với thực tế và thực trạng gây nuôi động vật hoang dã của các hộ dân trên địa bàn tỉnh” – ông Thành bức xúc.
Trước đó, vào hồi 18h30 ngày 4.11, khi kiểm tra phương tiện tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum phát hiện một khối lượng lớn động vật hoang dã trên xe khách biển kiểm soát 36B-022.32, gồm rắn và nhiều loài rùa. Trong đó, có 26 cá thể (14,5kg) được xác định là rùa đầu to (Platysternon megacephalum).
Sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát đi thông điệp cho rằng rùa đầu to là loài đặc biệt nguy cấp, quý, hiếm được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Qua đó, ENV nhận định: Việc cơ quan kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho cơ sở của ông Trần Chí Đại gây nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to và sau đó cấp phép vận chuyển loài này là trái quy định hiện hành của pháp luật cũng như có dấu hiệu tắc trách của cơ quan chức năng trong quá trình quản lý. |