Liên tiếp những năm gần đây, hàng loạt cơn lũ, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều địa phương bị phá rừng trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, khiến hàng trăm người chết và mất tích; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, hàng vạn hécta lúa, hoa màu bị ngập úng, mất trắng, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Thực trạng trên khiến bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video clip hay đã tận mắt chứng kiến những khu rừng bị tàn phá tan hoang, thiên tai nổi loạn, lũ quét hoành hành, cũng có chung một nỗi hoang mang rằng: Lẽ nào lời nguyền của rừng xanh-“phá sơn lâm, đâm hà bá” đã hiển hiện qua những hậu quả nặng nề như đã thấy?
Tội ác dưới những tán rừng xanh…
Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá
Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ
Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa
Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược
Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”
Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”
“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ
Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng
Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài
Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4
Lời nguyền đại ngàn ứng hiện qua thiên tai
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có gần 100 người chết và mất tích; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng vạn hécta lúa, hoa màu bị úng ngập; gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề. Thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Chỉ tính riêng vụ sạt lở đất tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xảy ra vào cuối tháng Bảy, đầu tháng 8/2018, đã làm ít nhất 15 người thương vong, trong đó có 6 người chết. Cùng thời điểm này, năm 2017, trận lũ quét kinh hoàng, quét qua thị trấn Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái cũng đã làm 14 người chết và mất tích…
Gần đây nhất, đợt mưa lũ sau bão số 4 xảy ra giữa tháng 8/2018 tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đã làm 8 người chết và mất tích. Trong đó, tại Nghệ An, lũ dữ đã khiến 5 người chết; 37 ngôi nhà bị sập và tốc mái, hơn 2.300 nhà bị ngập; hơn 4.100 hécta lúa cùng nhiều diện tích hoa màu khác bị ngập; 16.953 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi…
“Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu nguyên sinh như vậy phải mất tới hàng chục năm.”- ông Trần Quang Hoài-Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung căng mình chống chọi với sạt lở, lũ quét, lũ ống thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở nghiêm trọng cũng đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân.
Sau hàng loạt tai họa đã xảy ra, cũng đã có những lý giải ban đầu về nguyên nhân dẫn tới những hậu quả nặng nề. Có thông tin cho rằng tai họa của lũ là do biến đổi khí hậu; do phong tục tập quán của người dân miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, ven sông, nên khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Nhưng xét về tổng thể, có vẻ những lý giải này chưa đủ căn cứ thuyết phục.
Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng những hình ảnh về hàng trăm người dân đã bị tử nạn do lũ, lũ quét xảy ra trong thời gian qua có khiến những kẻ phá rừng “rửa tay, gác cưa” hay không? Có lẽ là không, bởi chừng nào còn lợi ích quá lớn sẽ vẫn còn những kẻ nhẫn tâm tàn phá. Vấn đề là Nhà nước quyết tâm và có giải pháp mạnh đến đâu với “quốc nạn” này, để bảo vệ rừng, cũng như hạn chế những tai họa…
Môi trường sống của con người bị tàn phá chính là hệ lụy từ việc con người đã tàn phá môi trường. Phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm thủy điện, đồi núi bị mất đi “lá chắn” thì tất lẽ chỉ cần một trận mưa lớn là nước chảy thẳng về xuôi, thành lũ quét, lũ ống “hỏi thăm” các bản, làng.
Điều này đã được minh chứng khi những nơi bị “giặc lũ” tàn phá nặng nề như Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Nghệ An…cũng là những địa phương mà nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng nhất.
“Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí, có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định như vậy tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ngày 14/10/2017.
Hậu quả của nạn phá rừng đã quá rõ và chắc chắn với mức độ tàn phá rừng quá nhanh như hiện tại, những cơn thịnh nộ, lũ quét gây ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản là điều khó có thể tránh khỏi đối với các tỉnh miền núi.
Nhất phá sơn lâm… có nên đổi rừng lấy điện?
Cho đến nay, sau nhiều năm hứng chịu tai họa từ thiên tai, câu nói “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá”-phương ngôn được đúc kết ngàn đời qua, để cảnh báo những hậu quả to lớn nhất của vấn nạn phá rừng, phá quy luật dòng chảy đến nay vẫn nguyên giá trị, như một lời nguyền để lại cho hậu thế. Tiếc rằng, đến khi người ta thấy rõ những tai quả khủng khiếp trên thì đã có quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra.
Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng lũ quét xảy ra bắt nguồn từ rất nhiều lý do, nhưng mẫu chốt là do chính sách chuyển đổi rừng để phát triển các dự án thủy điện một cách ồ ạt, làm vỡ quy luật tự nhiên.
Nói về mức độ gây họa của lũ, ông Hồng khẳng định, những trận lũ, lũ quét xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian qua là quá khủng khiếp. Vấn đề cần lưu ý là, lũ và sạt lở đất kéo theo bùn đá ở các tỉnh miền núi đã xảy ra nhiều năm rồi, Nhà nước cũng đã nhắc nhở nhiều, nhưng vì sao vẫn còn hiện tượng đó?
“Bản thân thủy điện không phải là nguyên nhân chính gây mất rừng, mà chính là cách quản lý khiến cho nhiều dự án “núp bóng” thủy điện để phá rừng.”
Việc mất rừng do làm thủy điện chỉ khoanh vùng ở khu quy hoạch làm hồ chứa nước, xây đập và đường đi lên, nhưng lại “góp phần” rất lớn trong việc phá hoại rừng và thay đổi dòng chảy…”- ông Phan Đình Nhã-Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển CODE.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu của mình, ông Hồng phân tích: Trước tiên về mặt kỹ thuật, về mặt thời tiết thì có mưa mới có lũ. Có lũ mới gây sạt lở đất. Rõ ràng biến đổi khí hậu đã có sự thay đổi rõ rệt. Đó là lượng mưa có cường độ cao hơn, mưa cục bộ ở một số thung lũng chứ không phải dàn trải khắp cả vùng.
“Nhưng có phải chỉ vì biến đổi khí hậu, thiên nhiên hay không? Tại sao những khu những khu rừng trước đây vẫn ổn định, những căn nhà trước đây vẫn ổn định thì nay lại dễ dàng bị đánh sập, sạt lở xuống, bị lũ lớn-lũ bé cuốn trôi? Rõ ràng nguyên nhân ở đây là do tác động từ chính các hoạt động của con người,” ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, nguyên nhân đầu tiên là việc phát triển thủy điện nhỏ quá ồ ạt đã khiến một phần không nhỏ diện tích rừng tự nhiên bị mất đi, bị chuyển đổi thành lòng hồ thủy điện… Thực tế này là có căn cứ, bởi năm 2012, Quốc hội đã yêu cầu xóa bỏ hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, vì lý do “gây hậu quả lũ cho hạ du.”
Việc phát triển thủy điện nhỏ quá ồ ạt đã khiến một phần không nhỏ diện tích rừng tự nhiên bị mất đi, bị chuyển đổi thành lòng hồ thủy điện…
“Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng xuống thì nay thủy điện nhỏ lại ‘bùng’ ra. Điển hình như tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang…, gần đây chính quyền vẫn tiếp tục duyệt cho hàng chục thủy điện nhỏ ‘mọc lên.’ Đây là thông tin cần phải nói, đừng để thủy điện phá rừng, lũ lụt gây tai họa trở thành kiếp nạn,” ông Hồng nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, chuyên gia lâm nghiệp Phan Đình Nhã-Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển CODE cho biết, bấy lâu nay, thủy điện đang bị đặt trước mũi dùi chỉ trích làm mất rừng, hủy hoại môi trường, khiến lũ lụt gia tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, bản chất vấn đề nằm ở đâu?
Không chỉ riêng miền Bắc, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, “cơn sốt thủy điện” cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Đơn cử như Tây Nguyên, hiện có khoảng 190 công trình thủy điện, một số dự án thủy điện khác cũng đang tiếp tục được quay hoach, khiến rất nhiều diện tích rừng (chủ yếu là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và ừng nguyên sinh) phải nhường đất chỗ cho những hồ nước mênh mông.
Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Dù rằng thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện lại làm mất rừng, khiến lũ lụt, lũ quét xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn, nhất là khi thủy điện buộc phải xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.
Thực trạng diễn biến môi trường thời gian qua cho thấy, được điện thì mất rừng và mất nhiều hơn thế. Rừng mất khiến lũ lụt gia tăng, đất đá sạt lở, môi trường sống bị thay đổi, gây chết người, cuốn trôi đi nhà cửa, tài sản…
Các trận lũ từ năm 2010 trở lại đây đã chứng minh cho tai họa do thủy điện gây ra. Đơn cư như cơn bão lũ xảy ra hồi tháng 11/2013 tại tỉnh Quảng Nam, đã khiến huyện Đại Lộc phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong “biển” nước…
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiêm) cho rằng, nguyên nhân gây ra lũ quét là do biến đổi khí hậu, nhưng biến đổi khí hậu cũng xuất phát từ việc phá rừng, “phá sơn lâm.”
“Rõ ràng phá rừng tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến biến đổi khí hậu, dẫn đến thiên tai. Đương nhiên, có rừng thì sẽ hạn chế sự thay đổi bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai cũng sẽ ít và bớt dữ dội hơn. Dù rằng lũ quét xưa nay vẫn xảy ra, nhưng hiện nay ngày một lớn hơn, đó là do mất rừng,” ông Tùng nhấn mạnh.
Về nguyên nhân mất rừng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm khẳng định: “Tác động lớn nhất là do chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt là triển khai các dự án phát triển như thủy điện (theo thống kê từ năm 2012 đến 2017, rừng mất do thủy điện chiếm khoảng 68,2%). Nếu người dân vào chặt thì rừng vẫn còn chức năng của nó, còn khi san cả một cánh rừng rồi cho ngập nước thì mới tác động lớn.”
“Hiện nay chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và còn phải tiếp tục nữa. Vì để trồng được những cánh rừng nguyên sinh, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể đáp ứng được. Cùng với đó việc điều hành, vận hành các hồ thủy điện vừa qua cũng đang có vấn đề bất cập, cần sớm phải thay đổi,” ông Tùng nói.