Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Trước thực trạng rừng tự nhiên liên tiếp bị lấn chiếm, tàn phá không thương tiếc, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép.

Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ lo lắng về công tác quản lý, bảo vệ rừng trước “làn sóng” tàn phá rừng tự nhiên, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại ở nhiều địa phương có rừng. Vì sao vậy?

***

Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá

Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa

Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”

Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ

Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng

Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài

Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4

Lỗi do lực lượng quá mỏng

Một trong những vụ việc được báo chí nhắc tới nhiều nhất gần đây chính là vụ phá rừng lim xanh cổ thụ tại tiểu khu 335 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tỉnh Quảng Nam, với 34 cây gỗ, khối lượng khoảng 235m3. Số lượng gỗ còn tại hiện trường khi cơ quan chức năng phát hiện, kiểm đếm còn 125 m3.

Khu rừng lim xanh cổ thụ này nằm sâu trong vùng lõi, và để tới được tận điểm nóng phá rừng phải tiếp cận bằng đường bộ và đường thủy. Nhóm phóng viên VietnamPlus đã mất một giờ di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Bung và hơn hai giờ đi bộ luồn rừng mới đến được nơi rừng lim bị đốn hệ.

Một trong những vụ việc được báo chí nhắc tới nhiều nhất gần đây chính là vụ phá rừng lim xanh cổ thụ tại tiểu khu 335 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tỉnh Quảng Nam, với 34 cây gỗ, khối lượng khoảng 235m3. Số lượng gỗ còn tại hiện trường khi cơ quan chức năng phát hiện, kiểm đếm còn 125 m3.

Khu rừng lim xanh cổ thụ này nằm sâu trong vùng lõi, và để tới được tận điểm nóng phá rừng phải tiếp cận bằng đường bộ và đường thủy. Nhóm phóng viên VietnamPlus đã mất một giờ di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Bung và hơn hai giờ đi bộ luồn rừng mới đến được nơi rừng lim bị đốn hạ.

Một gốc cây cổ thụ bị “lâm tặc” chặt hạ trong tháng 7/2018, tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Vietnam+)

Tại hiện trường, những gốc cây lim xanh đường kính hơn 1m đã bị lâm tặc cưa đổ, cắt khúc, xẻ thành từng hộp gỗ vuông rồi vận chuyển ra khỏi rừng bằng nhiều cách khác nhau như dùng tời, người hợp sức kéo, thậm chí dùng trâu để kéo những khúc gỗ lớn, khiến hàng chục lối mòn vận chuyển gỗ bị cày ải càng được mở rộng.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện 6.651 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, có 963 vụ phá rừng và 530 vụ vi phạm khai thác lâm sản (trong đó một số vụ khai thác có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài), với diện tích rừng bị thiệt hại là 453 hécta. (Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp).

Với 34 cây lim xanh cổ thụ bị chặt hạ, rõ ràng không chỉ có vài người tham gia, càng không thể diễn ra trong thời gian ngày một, ngày hai, mà phải có sự huy động nhiều lực lượng và phương tiện tham gia. Thực tế rõ hơn khi lâm tặc ngang nhiên mở đường, dựng lán trại ăn, ở cả một thời gian dài, vậy mà điều đáng nói là chính quyền và các cơ quan chức năng lại không phát hiện được, cho tới khi có thông tin phản ánh của báo chí.

Một bãi tập kết gỗ nằm ngổn ngang ngay dưới tấm biển nghiêm cấm khai thác rừng trái phép ở tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng thời điểm, tại Tiểu khu 41, thuộc địa bàn xã Tà Lu, Tiểu khu 140, xã Zà Hung, thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, 33 gốc cây rừng (bao gồm chò, chuồn, xoan đào… Thuộc nhóm III và nhóm IV) cũng bị các đối tượng khai thác gỗ trái phép đốn hạ nằm ngổn ngang, khối lượng ước tính trên 72 m3.

Theo lời ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, để mất rừng tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang là do lỗi của nhiều phía, khách quan có, chủ quan có. Lỗi chính ở đây là sự quản lý có phần chưa chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm, nhưng điều này cũng dễ hiểu vì lực lượng phụ trách quá mỏng (!)

“Chính phủ quy định 1.000 hécta là một kiểm lâm, tỉnh có khoảng 680.000 hécta, nhưng chỉ có 285 kiểm lâm, thiếu đến gần 400 kiểm lâm. Ở cấp xã, quy định ít nhất mỗi xã có một kiểm lâm địa bàn (tỉnh có tới 170 xã có rừng) nhưng chỉ bố trí được 70 người, nhiều nơi một kiểm lâm vài xã, nên không thể đảm đương được,” ông Hưng bộc bạch.

Lâm tặc ngang nhiên tẩu tán những khúc gỗ lớn ra khỏi rừng tại khu vực huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trong tháng 8/2018. (Ảnh: Vietnam+)

***

Nhu cầu thiết yếu của bà con gây áp lực lên rừng

Không kém phần nhức nhối, tại tỉnh Quảng Bình, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép cũng diễn ra với tần suất liên tục. Ngay từ những tháng đầu năm 2018, lâm tặc đã đưa máy móc vào rừng đốn hạ hàng loạt cây gỗ lớn tại Tiểu khu 19, Tiểu khu 35 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa.

Tại hiện trường, nhóm lâm tặc để lại 429 hộp gỗ với khối lượng gần 100 m3. Các loại gỗ thuộc nhóm II đến nhóm VII, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị như táu, dổi… Các đối tượng phá rừng đã tập kết gỗ tại khu vực khe Hà Vầy với ý định thả trôi số lượng gỗ dọc theo dòng sông Gianh để đưa về xuôi tiêu thụ.

Nói về “điểm nóng” phá rừng này, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thừa nhận, đơn vị chưa kiểm soát được hết tình trạng phá rừng. Khu vực bị phá chủ yếu là rừng phòng hộ, và bản thân ông cũng đã chỉ đạo Hạt tăng dày kiểm tra, nhưng khổ nỗi “đợt đó ông Hạt trưởng lại ốm đau” nên việc kiểm tra cũng chưa sâu sát.

“Nói thẳng, ở đâu có rừng thì ở đó còn một số đối tương trục lợi, cái đó không thể tránh khỏi, chưa kể bà con khi chết đi cũng cần cái hòm, ra ở riêng cho con cái cũng cần có cái nhà, hoặc nhà bị hỏng thì bà con sửa chữa cũng cần gỗ, đó là nhu cầu thiết yếu nên họ lại vào rừng kiếm gỗ,” quan điểm “khá thoáng” của Chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm Quảng Bình làm chúng tôi ngỡ ngàng!

Vị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định, mặc dù vẫn nghiêm túc với nạn khai thác rừng, nhưng đây là nhu cầu thiết yếu của bà con nên cũng gây áp lực đến rừng. Tất nhiên cũng có một số bà con tiếp tay cho “lâm tặc.” Trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng nên có lúc cũng chưa làm “tròn vai.”


Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, sáu tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện 6.651 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 963 vụ phá rừng và 530 vụ vi phạm khai thác lâm sản. (Ảnh: Vietnam+)

Tại vùng núi phía Bắc, tình trạng phá rừng nguyên sinh cũng đang trở nên đáng báo động hơn khi những cánh rừng tự nhiên cuối cùng của xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đang bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Ghi nhận của nhóm phóng viên vào những ngày cuối tháng 6/2018 cho thấy, những cây cổ thụ bị chặt hạ có đường kính hơn 1,5m, chiều dài hàng chục mét vừa bị lâm tặc chặt hạ. Phần thân cây bị cưa xẻ thành nhiều khối gỗ chờ đưa đi tiêu thụ vẫn còn tươi. Xung quanh, vỏ cây, mùn cưa vương vãi khắp nơi.

Tại khu vực này, mỗi ngày có hàng chục lượt xe máy, ô tô chở gỗ từ trong rừng ra trung tâm xã Liên Hiệp để tiêu thụ. Hoạt động vận chuyển gỗ diễn ra công khai. Thậm chí, lâm tặc còn ngang nhiên chở gỗ rừng tự nhiên đi qua trước cổng Ủy ban Nhân dân xã xã Đức Xuân mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Một số đối tượng ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng xe máy chế độ và xe máy chuyên dùng. (Ảnh: Vietnam+)Điều đáng quan tâm là, Đức Xuân là xã duy nhất của cả huyện Bắc Quang còn lại 4.370 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, với tốc độ phá, khai thác gỗ trái phép diễn ra công khai như hiện nay, thì có lẽ chẳng mấy chốc mà khu rừng này sẽ bị “xóa sổ!”

Từ góc độ ngành, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, việc rừng vẫn bị xâm lấn, tàn phá có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do nhu cầu về sử dụng gỗ và đất rất lớn, trong khi chủ trương đóng cửa rừng không cho chuyển đổi bất cứ diện tích rừng nào, hay cấm không cho lấy một cây gỗ nào thì rất khó.

“Giờ tôi tính nhu cầu phát triển xã hội không có cách nào, sắp tới tôi dự kiến vẫn xảy ra chuyện đó (xâm lấn rừng, khai thác gỗ),” ông Tùng cũng khẳng định thời gian qua đã có nhiều giải pháp, từ chỉ đạo tổ chức thưc hiện ở cả Trung ương và địa phương, nhưng thực trạng trên chỉ giảm, còn triệt để chắc chắn không có.

Ngay sau khi phát hiện bị ghi hình, nhóm người vận chuyển gỗ đã bỏ chạy để lại những khúc gỗ như thế này ở ven đường, tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Vietnam+)

***

Rừng mất tích, kéo theo hàng loạt lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm mất chức

Trước “làn sóng” phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ngày càng “nóng,” thời gian qua, cùng với đơn thư tố giác của người dân, sự vào cuộc điều tra của báo chí, nhiều vụ vi phạm lâm luật đã bị phanh phui. Và, đi kèm đó là hàng loạt lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, biên phòng…đã bị cách chức, kỷ luật.

Đơn cử như vụ việc phá rừng lim xanh cổ thụ tại huyện Nam Giang, ngày 4/5/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cách chức đối với ông Trần Lanh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành, để xảy ra hậu quả phá rừng nghiêm trọng.

Về phía huyện Nam Giang, Ban Thường vụ huyện ủy cũng thống nhất kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Đảng đối với ông A Viết Sơn, Bí thư xã La Ê; ông Đặng Đình Xuân Huấn, Phó Bí thư thường trực xã La Ê; ông Hiên Dơnh, Bí thư xã Chà Vàl; ông Blup Nghê, Phó bí thư thường trực xã Chà Vàl; Kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Tơ Đêl Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chà Vàl do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, để xảy tình trạng lâm tặc chặt hạ 34 cây gỗ lim xanh cổ thụ.

Một khúc gỗ nghiến có đường kính rất lớn còn sót lại tại hiện trường một vụ chặt phá rừng nghiến cổ thụ Phong Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Vietnam+)

Trước đó, ngày 4/4/2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng đã ký quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 6 cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Nam Sông Bung huyện Nam Giang vì không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, để xảy ra khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, lâm phận mình quản lý.

Tại Quảng Bình, liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn xảy ra ở huyện Tuyên Hóa, đầu tháng 5/2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật 5 cán bộ do có những sai phạm trong công tác bảo vệ rừng.

Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình xử lý kỷ luật cách chức đối với ông Cao Huy Lương, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ka Tang; Hạ bậc lương đối với ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ka Tang và ông Cao Thanh Biên, Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa.

Nhóm lâm tặc bỏ chạy, để lại khúc gỗ này ngay sau khi phát hiện bị phóng viên ghi hình. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cũng quyết định cảnh cáo đối với ông Hồ Ngọc Danh, Phó Hạt trưởng, phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa; Khiển trách đối với ông Trương Khánh Bằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa.

Không chỉ lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm bị cách chức, kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình còn thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuyên Hóa. Ông Tín là người được Ủy ban Nhân dân huyện phân công phụ trách lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn nhưng nhưng đã thiếu kiểm tra, đôn đốc các cơ quan đơn vị nên để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép tại địa bàn 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa.

Cùng với các tỉnh Quang Nam, Quảng Bình, ngày 6/7/2018, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cũng ra thông báo về việc thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ là lãnh đạo Sở và huyện đã mắc sai phạm nghiêm trọng do buông lỏng quản lý khiến rừng bị mất và xâm hại nghiêm trọng.

Rất nhiều tấm biển tuyên truyền bảo vệ rừng, nghiêm cấm khai thác lâm sản trái phép, nhưng thực tế tình trạng “phá sơn lâm” vẫn diễn ra rất phổ biến. (Ảnh: Vietnam+)

Trong đó, ông K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức bị khiển trách vì thiếu gương mẫu, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên trong việc cùng gia đình nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ không đúng đối tượng; thực hiện không đúng hợp đồng; quản lý, bảo vệ không tốt, để mất diện tích rừng được giao tại xã Đắk Ngo huyện Tuy Đức.

Không chỉ lãnh đạo huyện Tuy Đức để xảy ra sai phạm, mà việc giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 135 còn xuất hiện dấu hiệu tiêu cực ở nhiều ban, ngành tại Đắk Nông. Đơn cử là trường hợp ông Đoàn Văn Quỳnh-Giám đốc Sở Nội vụ, đã thực hiện chưa tốt nhiệm vụ cán bộ, đảng viên trong việc cùng gia đình nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng không đúng đối tượng; quản lý, bảo vệ không tốt, để mất diện tích rừng được giao tại xã Quảng trực, huyện Tuy Đức.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đề nghị kỷ luật đối với các ông: Hoàng Duy Chuyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk G’Long; ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức; ông Lê Văn Quang, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư… Những người này trong quá trình công tác để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Vẫn tại khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Gia Lai đã khởi tố 8 vụ việc, tổ chức kiểm điểm, xử lý 36 tập thể, 87 cá nhân có liên quan đã để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép diễn ra trên địa bàn. Trong đó các huyện, thị xã đã cảnh cáo 1 công chức xã; khiển trách 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch xã; kiểm điểm phê bình 25 tập thể, cá nhân của Ủy ban Nhân dân huyện, xã, thị trấn.

Đối với các Công ty Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã cách chức 2 lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai; buộc thôi việc 17 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; cảnh cáo, khiển trách 50 lãnh đạo và nhân viên bảo vệ rừng; kiểm điểm trách nhiệm 10 tập thể, cá nhân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tiến hành khiển trách 7 các nhân gồm 1 hạt trưởng và 6 kiểm lâm địa bàn…

Nổi cộm nhất có lẽ là vụ trùm gỗ lậu “Phượng râu.” Trong vụ việc này, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 5 bị can có hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” gồm: Phan Hữu Phượng (biệt danh Phượng “râu”); Nguyễn Hoàng Trang; Hồ Trọng Dũng; Trần Lưu Lân; Dương Quốc Bảo.

Bản đồ về diễn biến các loại rừng. (Nguồn: Cục Kiểm lâm)

Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã đình chỉ công tác 4 cán bộ, lãnh đạo 2 Đồn Biên phòng dọc Quốc lộ 14C cũng bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm do liên quan đến vụ Bộ Công an bắt gỗ lậu tại khu vực biên giới do các đồn này quản lý.

Ngoài ra, 9 cán bộ kiểm lâm, trong đó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cư Jút đã xin nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo do để “Phượng râu” vận chuyển, tàng trữ hàng trăm mét khối gỗ lậu.

Trước đó, ngày 20/9/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức cuộc họp để xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc lâm tặc tàn phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão. Theo đó, hàng loạt cán bộ kiểm lâm đã bị tạm đình chỉ công tác. Các chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, huyện nơi để xảy ra vụ phá rừng bị xử lý trách nhiệm…

Một khu rừng bị người dân chặt hạ, đốt cháy để làm nưỡng rẫy trồng sẵn tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Vietnam+)

Sau hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại các địa phương, hàng loạt cán bộ, kiểm lâm bị cách chức, kỷ luật, rõ ràng đã đặt ra những câu hỏi lớn về công tác quản lý tại lĩnh vực này. Tại sao lâm tặc dễ dàng vào rừng, vận chuyển gỗ ra khỏi những tán rừng xanh mà lực lượng kiểm lâm vẫn không hề hay biết? Liệu cán bộ giữ rừng có bị “mua chuộc” hay vì “cái lợi trước mắt” mà để mất rừng? Tại sao và Tại sao…?