Tháng 7, mùa hạ nắng đổ lửa khiến lòng hồ thủy điện Khe Diên (Quảng Nam) cạn khô, phơi bày một nghĩa địa khổng lồ của hàng ngàn gốc cổ thụ bị “chôn sống” trong đám bùn sình lầy đen như mực…
Tội ác dưới những tán rừng xanh…
Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá
Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ
Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa
Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược
Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”
Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”
“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ
Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng
Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài
Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4
Tội ác dưới những tán rừng xanh…
“Oan hồn đại ngàn mỗi mùa khô hiện về tố cáo kẻ sát nhân”
Có mặt tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vào những ngày đầu tháng 7/2018, nhóm phóng viên VietnamPlus không khỏi xót xa khi phải chứng kiến khu rừng tự nhiên rộng tới gần trăm hécta đã bị chặt hạ ngổn ngang. Hiện trường còn lại là hàng ngàn gốc cây cổ thụ đen như mực ở dưới đáy lòng hồ thủy điện Khe Diên.
Sở dĩ chúng tôi có thể tận mắt nhìn thấy được dấu tích khu rừng cổ thụ dưới đáy hồ thủy điện Khe Diên là bởi thời điểm này lòng hồ đang cạn nước. Và thế là kết quả của cuộc “đại phẫu rừng” đổi dự án thủy điện đã hiện ra một cách tàn nhẫn nhất. Đại ngàn xanh ngút ngát đã bị thủy điện “nuốt chửng,” hàng ngàn cây cổ thụ đốn hạ và chôn vùi vào đáy nước vô tình…
Thậm chí, “có công trình thủy điện chưa được cấp phép đã phá rừng.” Thực trạng này đã khiến hàng loạt khoảnh rừng bạt ngàn cây xanh bị “biến mất” khỏi bản đồ, do bị nhấn chìm thành những hồ nước mênh mông, trở thành “thung lũng chết.”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Thủy điện Khe Diên hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2007. Trước khi xây dựng thủy điện, khu vực lòng hồ là những cánh rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý, có giá trị kinh tế. Có những cây đường kính tới vài người ôm. Thế nhưng, khi thủy điện được quy hoạch, những cây cổ thụ đó đã bị thẳng tay đốn hạ để nhường chỗ cho hồ nước mênh mông.
Và kể từ đó đến nay mỗi khi mùa khô đến lòng hồ hạ mực nước, người dân đi qua đường Trường Sơn Đông ven hồ thủy điện lại chứng kiến cảnh hàng ngàn gốc cây, thân cây nằm ngổn ngang dưới đáy lòng hồ-như những gì chúng tôi đang chứng kiến. Theo người dân, đó là lúc “oan hồn của đại ngàn hiện về để vạch mặt kẻ sát nhân”.
“Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn có hơn 2.000ha rừng tự nhiên bị mất do thủy điện và các công trình, dự án khai thác khoáng sản. Riêng diện tích rừng bị mất do thủy điện chiếm khoảng 1.700 hécta…” ông Lê Minh Hưng-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam nói.
Và kể từ đó đến nay mỗi khi mùa khô đến lòng hồ hạ mực nước, người dân đi qua đường Trường Sơn Đông ven hồ thủy điện lại chứng kiến cảnh hàng ngàn gốc cây, thân cây nằm ngổn ngang dưới đáy lòng hồ
Cách thủy điện Khe Diên không xa, là thủy điện Sông Bung 4. Để có công trình này, cả một khu rừng rộng tới gần trăm hécta tại huyện Nam Giang cũng bị nhấn chìm, hàng ngàn cây cổ thụ đã bị chết, bị chặt hạ nửa phần thân vẫn nhô lên trên mặt nước như những cột chông “khổng lồ.” Khắp mặt hồ, xác cây nổi lên đen cháy như thể “nghĩa địa cây.” Để khỏi ‘lãng phí” Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam được sự ủy quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngày 14/8/2014 đã ban quyết định cho phép một doanh nghiệp khai thác gỗ tại 65 hécta vùng lòng hồ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Về việc tận thu gỗ khi lòng hồ thủy điện “nuốt” rừng, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam là: “Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, các công trình thủy điện phải dọn hết cây vùng lòng hồ nhưng họ làm không kịp, kể cả hồ Thủy điện Khe Diên họ làm cũng không hết, nên lòng hồ mới sót lại nhiều cây như vậy. Đây cũng là điều đáng tiếc..!?”
Thủy điện Sông Bung 4 chính thức tích nước từ ngày 1/8/2014, trong thời gian này đã làm ngập hơn 65 hécta rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong phạm vi lòng hồ. Và, để tận dụng tài nguyên rừng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã cho phép cơ quan chức năng tận thu gỗ trong lòng hồ, với khối lượng được cấp phép khai thác lên tới hơn 1.000m3!
Đọc bệnh: Thủy điện – Virus ung thư giết hại rừng
Quảng Nam được xem là “xứ sở thủy điện” ở khu vực miền Trung, với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch “phủ sóng” trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.500MW.
Thực tế, việc xây dựng thủy điện là bổ sung thêm nguồn điện cho quốc gia, nhưng đi kèm với đó là hàng ngàn hécta đất rừng bị biến mất, hàng ngàn ngôi nhà của người dân phải di dời. Chưa dừng lại ở đó, hằng năm đến mùa mưa, lũ, người dân vùng hạ du lại phải gồng mình chống chịu với “lũ thủy điện” từ trên thượng nguồn ùn ùn đổ về gây ngập nhà cửa, cuốn trôi hoa màu của người dân.
Cùng với nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, việc các dự án thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ “mọc” lên ồ ạt như nấm sau mưa và dễ dàng được đưa vào quy hoạch tại các tỉnh miền núi trong thời gian qua, được các nhà quản lý và giới chuyên gia nhận định là nguyên nhân khiến diện tích rừng tự nhiên trên cả nước ngày một suy giảm.
Thực tế, việc xây dựng thủy điện là bổ sung thêm nguồn điện cho quốc gia, nhưng đi kèm với đó là hàng ngàn hécta đất rừng bị biến mất, hàng ngàn ngôi nhà của người dân phải di dời.
Hậu quả đã rõ, vậy nhưng số lượng thủy điện trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa dừng lại? Gần đây nhất, đầu tháng 7/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam lại đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh bổ sung thêm 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Nam Trà My. Số thủy điện này chiếm khoảng 144 hécta, trong đó qũy đất từ lâm nghiệp chiếm hơn 60 hécta thuộc đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Không riêng gì Quảng Nam, tại khu vực Tây Nguyên, hiện tượng “sốt thủy điện” cũng đã trở thành mối nguy hại đối với rừng tự nhiên. Không thể phủ nhận các dự án thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã đem lại điện năng cho vùng và cho quốc gia, góp phần điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, cải thiện môi trường và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc ồ ạt phát triển thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt là, những tác động của thủy điện tới mất rừng đầu nguồn và rừng nguyên sinh. Một hồ thủy điện cỡ 10MW chạy vào khoảng 60% công suất trong các tháng mùa khô có thể xóa sổ hàng trăm hecta rừng. Trung bình 1MW thủy điện chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời.
Trung bình 1MW thủy điện chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời.
Chỉ với 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã và đang xây dựng, đã chiếm dụng hơn 68.000 hécta đất, làm ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân. Các tỉnh ở khu vực này đã chuyển đổi 80.000 hécta đất các loại cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế chưa đủ so với diện tích rừng phục vụ thủy điện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn Tây Nguyên hiện tại mới chỉ trồng lại được khoảng 3,3% diện tích rừng phải chuyển đổi. Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk, các dự án thủy điện phải trồng mới hơn 845 ha, nhưng hiện chỉ trồng được 63 hécta. Tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các thủy điện chưa được bố trí đất để trồng rừng thay thế.
Điều đáng nói hơn cả là, những thủy điện hoạt động kém hiệu quả, gây nguy hiểm cho người dân thì ai cũng thấy. Số lượng rừng bị tàn sát quá lớn, vậy số tiền thu được đã vào tay ai? Ai phải chịu trách nhiệm trước người dân và đất nước về những thảm họa, thiên tai đã và đang xảy ra từng ngày gây lũ lụt, chết người?
Kê đơn: Kiên quyết loại bỏ mối hiểm họa
Nhận thức được các rủi ro, hiểm họa tiềm ẩn từ các dự án thủy điện, gần đây, nhiều tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã mạnh tay loại khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện nhỏ có ảnh hưởng tiêu cực đến rừng và đất rừng, ảnh hưởng đến đời sống của dân.
Đơn cử như tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch có 74 công trình thủy điện. Qua rà soát, tỉnh này đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng. Trong số này, nhiều dự án có công suất rất nhỏ, chỉ từ 0,25 MW đến 0,6 MW.
Tương tự, tính đến cuối năm 2017, tỉnh Đắk Lắk cũng đã loại bỏ 13/22 công trình và 71/79 điểm tiềm năng thủy điện đã được quy hoạch trước đó. Đây là các dự án thủy điện tác động đến rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và kém hiệu quả kinh tế của địa phương.
Trong vòng 5 năm (2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Trữ lượng rừng giảm mạnh hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%; trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21% – thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Khu vực Tây Nguyên, theo đánh giá của giới chuyên gia nghiên cứu về rừng, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa bàn có rất nhiều công trình thủy điện. Bình quân 1 MW thủy điện sẽ xóa sổ trên dưới 10 ha rừng, nghĩa là khu vực này đã và đang mất đi hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên do ra đời các công trình thủy điện.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ngày 14/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ lo lắng trước thực tế diện tích rừng trên cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên liên tiếp bị suy giảm do tình trạng phá rừng trái phép. Thậm chí, có công trình thủy điện chưa được cấp phép đã phá rừng, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận thấy, tình trạng diện tích rừng một số nơi suy giảm là do chủ rừng buông lỏng, địa phương thiếu cương quyết trong xử lý.
“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Từ thực tế nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ, bởi lý do: “Những nơi có thể làm thủy điện lớn, hiệu quả thì đã làm hết. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.”
Trước đó, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng nhấn mạnh phải tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác. Thế nhưng thực tế việc thực thi, quản lý lại rất khác biệt.
Thực tế việc thực thi, quản lý lại rất khác biệt.
Tại Lào Cai, mặc dù đã có 75 công trình thủy điện vừa và nhỏ được cấp phép đầu tư, trong đó có 40 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Thế nhưng, gần đây tỉnh này vẫn đề xuất quy hoạch thêm 19 thủy điện. Hệ lụy đi kèm là một diện tích lớn diện tích rừng tự nhiên sẽ bị xâm hại.
“Không phải Chính phủ không thấy, Quốc hội không thấy nhưng mình chưa mạnh mẽ để bảo vệ rừng của mình cho tốt. Vì lợi ích trước mắt để cho người ta cơ hội phá rừng. Phá rừng để thu lợi bất chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là trong làm thủy điện. Mọi thiệt hại ở vùng hạ du thủy điện nhỏ và vừa do việc khai thác rừng bừa bãi, khó kiểm soát đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân,” – Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng, không thể phủ nhận thủy điện đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhưng thủy điện nhất là các dự án thủy điện nhỏ cũng đã, đang và tiếp tục là một trong những nguyên nhân gây mất rừng, tác động xấu đối với môi trường và hệ sinh thái rừng.
“Phải khẳng định, thủy điện là mối đe dọa rất lớn đối với rừng. Vì thế mà 2/3 số dự án thủy điện từng được các doanh nghiệp và các địa phương đã xin triển khai thực hiện đã bị ngăn chặn, do dự án lấy rừng một cách quá đáng,” ông Lung thông tin.
Bức xúc trước việc đổi rừng tự nhiên lấy dự án thủy điện nhỏ tại ngay chính địa phương của mình, bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng thêm thủy điện (đề xuất xây thêm 4 thủy điện tại huyện Nam Trà My) là không cần thiết và không tính đến những hệ lụy sâu xa.
Theo bà Thủy, diện tích đất rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái; đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của người đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.
“Việc phá rừng làm thủy điện giống như mảng da trên người sẽ mất dần, giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau sẽ nói chúng ta là tội đồ,” – Bà Lê Thị Thủy- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam.
“Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác gỗ chỗ đó.”
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong hai nguyên nhân cơ bản khiến rừng Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng rừng là chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư…
Tại phiên thảo luận ở các tổ về dự thảo Luật Bảo vệ, phát triển rừng chiều 7/6/2017, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ: “Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác gỗ chỗ đó.”
Theo lời bà Lan, người ta phá rừng, rồi sau này trồng thay thế bằng rừng cao su, mà dưới rừng cao su thì không một con nào sống được nên cũng chỉ mang tính thương mại hoá chứ không thể trồng lại được rừng tư nhiên.
Cũng đánh giá hiện tượng khai thác rừng hiện nay rất đáng lo ngại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị dự án Luật Bảo vệ, phát triển rừng cần phải đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng.