Bảo vệ đa dạng sinh học chưa muộn nhưng rất cấp bách

Thế giới phải đạt được một thỏa thuận mới về tự nhiên trong hai năm tới hoặc nhân loại sẽ ghi nhận sự tuyệt chủng đầu tiên của chính chúng ta.

Người dân ở các quốc gia cần phải gây áp lực lên chính phủ nước mình để đưa ra các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng vào năm 2020 trong việc bảo vệ côn trùng, chim, thực vật và động vật có vú, sản xuất lương thực toàn cầu, nước sạch và hấp thụ các-bon.

Mất đa dạng sinh học chính là kẻ giết người thầm lặng. Nó khác với biến đổi khí hậu, mọi người đều cảm thấy tác động của biến đổi khí hậu hàng ngày. Với đa dạng sinh học, tác động của nó không quá rõ ràng nhưng nếu để tới khi bạn cảm thấy những gì đang diễn ra thì có thể đã quá muộn.

Trên đây là những dòng chia sẻ kèm cảnh báo của bà Cristiana Pașca Palmer, Thư ký điều hành Công ước về đa dạng sinh học trước thềm Hội nghị Đa dạng sinh học quốc tế diễn ra từ 13 – 29/11 tại Sharm el Sheikh, Ai Cập.

Dự kiến sẽ có 195 tiểu bang và EU đại diện cho các quốc gia thành viên Công ước tham dự Hội nghị để bàn về một khuôn khổ mới giúp quản lý tốt hơn các hệ sinh thái và động vật hoang dã trên thế giới. Sự kiện này cũng sẽ khởi động hai năm đàm phán tích cực mà bà mà Pașca Palmer hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị tiếp theo diễn ra tai Bắc Kinh vào năm 2020.

Phá rừng ở Indonesia để nhường đường cho việc nhượng quyền khai thác dầu cọ (Ảnh: Ulet Ifansasti /Greenpeace)

Các nhà bảo tồn đang rất mong mỏi về một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu có trọng lượng tương tự như Thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đề này nhận được rất ít sự chú ý, đặc biệt hai thỏa thuận đa dạng sinh học được đề xuất từ năm 2002 và 2010 đều đã thất bại.

Tám năm trước, theo các Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi, các quốc gia cam kết giảm một nửa tình trạng mất môi trường sống tự nhiên, đảm bảo đánh bắt bền vững ở tất cả các vùng biển và mở rộng khu bảo tồn thiên nhiên từ 10% đến 17% diện tích đất của thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia đã tụt lại phía sau, thậm chí các quốc gia tạo ra nhiều khu vực bảo tồn không có người trông nom. “Khu bảo tồn trên giấy” có thể được tìm thấy từ Brazil đến Trung Quốc.

Điều đáng buồn là đa dạng sinh học chưa được đề cao trong các chương trình nghị sự chính trị. So với Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu thì chỉ có vài người đứng đầu nhà nước tham dự các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học. Ngay cả trước thời kỳ Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ cũng từ chối phê chuẩn Công ước đa dạng sinh học và chỉ cử tới một người quan sát. Cùng với Vatican, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất của Liên hợp quốc không tham gia Công ước.

Dù vậy, bà Pașca Palmer cho rằng vẫn còn tia hy vọng. Một số loài ở châu Phi và châu Á đã có dấu hiệu phục hồi (mặc dù phần lớn là suy giảm) và độ che phủ rừng ở châu Á đã tăng 2,5% (dù  những nơi khác đang giảm với tốc độ nhanh hơn). Các khu bảo tồn biển cũng được mở rộng.

Tuy nhiên, theo Pașca Palmer, bức tranh chung rất đáng quan ngại. Tỷ lệ mất đa dạng sinh học vốn đã cao do phá hủy môi trường sống, do ô nhiễm hóa chất và các loài xâm lấn sẽ còn tăng tốc hơn trong 30 năm tới do hậu quả của biến đổi khí hậu cùng sự gia tăng dân số toàn cầu, song đến năm 2050, châu Phi dự kiến còn mất 50% các loài chim và động vật có vú và ngành thủy sản châu Á sẽ hoàn toàn sụp đổ. Sự biến mất của thực vật và sinh vật biển sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các-bon của trái đất, gây ra một chu kỳ luẩn quẩn.

Bất chấp phản ứng yếu kém của các chính phủ đối với mối đe dọa hiện tại, Pașca Palmer vẫn có một chút lạc quan vì cái bà gọi là “cơ sở hạ tầng cuộc sống” vẫn chưa được được khai thác.

Niềm hy vọng đó là sự hội tụ mối quan tâm chung của giới khoa học và sự quan tâm ngày càng tăng từ cộng đồng doanh nghiệp. Tháng trước, các cơ quan đa dạng sinh học và khí hậu hàng đầu của Liên hợp quốc và các nhà khoa học đã có cuộc họp chung đầu tiên. Họ nhận thấy các giải pháp dựa trên tự nhiên như bảo vệ rừng, trồng cây, phục hồi đất và quản lý đất có thể cung cấp tới 1/3 lượng hấp thụ các-bon cần thiết để giữ nhiệt độ toàn cầu theo thông số của Thỏa thuận Paris.

Trong tương lai, hai cánh tay của Liên hợp quốc về khí hậu và đa dạng sinh học sẽ đưa ra các đánh giá chung. Bà cũng lưu ý mặc dù chính trị ở một số nước đang đi sai hướng nhưng cũng có những dấu hiệu tích cực như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên lưu ý vấn đề khí hậu không thể giải quyết được nếu không ngừng mất đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp theo diễn ra tại Pháp.

“Mọi thứ đang tiến triển. Có rất nhiều dấu hiệu tích cực. Chúng ta nên nhận thức được sự nguy hiểm nhưng không vì thế mà bị tê liệt và không hành động. Nó vẫn nằm trong tay chúng ta nhưng cánh cửa cho hành động đang thu hẹp lại. Chúng ta cần nâng cao nhận thức chính trị và vai trò công dân để hỗ trợ tự nhiên” – Pașca Palmer nhấn mạnh.

Bích Ngọc (Theo The Guardian)

Nguồn: