Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng!

Lời tòa soạn

Với vai trò “lá phổi” của trái đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học bởi vậy, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng không thể trì hoãn của tất cả các quốc gia. Đặc biệt tại các quốc gia đang phải đối mặt với những cuộc “khủng hoảng trong lâm nghiệp” do hoạt động khai thác rừng ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến thiếu hiệu quả, thậm chí gây nhiều tác động xấu thì việc bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên rừng càng đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Tại Việt Nam từ cách đây ¼ thế kỷ, vào năm 1993, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành lệnh cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên thông qua Chỉ thị 462-TTg về quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ.

Thời kỳ này, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc suy giảm nghiêm trọng và chỉ thị 462 chuyển tải mệnh lệnh: “đóng ngay cửa rừng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trên núi đá, rừng nghèo phải khoanh nuôi để xúc tiến tái sinh.”

Tuy nhiên, đến năm 2003 trước tình trạng chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã đã có biểu hiện ngày càng lan rộng, đặc biệt nghiêm trọng là vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn… cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tiếp tục ban hành Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ phát triển rừng, nhằm chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót, yếu kém và lập lại trật tự kỷ cương trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng.

 

 

Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá

Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa

Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”

Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ

Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng

Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài

Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4

 

Độ che phủ rừng (%) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 31/12/2016

Hơn một thập kỷ sau, năm 2014, quyết tâm bảo vệ rừng, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên tại các lâm trường, công ty lâm nghiệp với mục tiêu sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2015 với tuyên bố “Tôi yêu cầu dứt khoát đóng cửa rừng.”

Tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, ngày 20/6/2016, một hội nghị quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì với nội dung bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững, tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “đóng cửa rừng tự nhiên, đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên” và đề nghị nhân dân cùng cơ quan chức năng giám sát nhằm ngăn chặn bằng được đầu ra của nạn phá rừng, khai thác gỗ tự nhiên…

Có thể thấy, trải qua quá trình lịch sử tròn ¼ thế kỷ việc “đóng cửa rừng tự nhiên” đã được nhìn nhận một cách thấu đáo, không dừng lại ở các chỉ thị mang tính chất định hướng mà đã tiến tới luật hóa trong văn bản có hiệu lực cao nhất của ngành lâm nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam mong muốn chấm dứt nạn phá rừng và bảo vệ vốn rừng tự nhiên còn lại.

Vậy nhưng, bất chấp những quyết tâm và mệnh lệnh của Chính phủ, tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng “phá sơn lâm,” chuyển đổi rừng làm thủy điện, khai thác khoáng sản, khai thác gỗ trái phép…vẫn tiếp diễn phức tạp và gia tăng.

Thậm chí nhiều nơi, rừng tự nhiên còn bị “bốc hơi” nhanh đến ngỡ ngàng, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cùng với việc hàng loạt rừng cây cổ thụ bị xâm hại bởi tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật đã được người dân tố giác hoặc qua sự phanh phui của báo chí….thì những hình ảnh từ vệ tinh qua phần mềm Google Earth cũng cho thấy rừng Việt Nam đã và đang bị tàn phá rất nghiêm trọng. Nhiều khoảnh rừng đã bị mất trắng, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên như các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk…

Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tổng diện tích rừng hiện có trên toàn quốc là khoảng 14,5 triệu hécta, trong đó có hơn 10,2 hécta rừng tự nhiên và gần 4,2 triệu hécta rừng trồng với độ che phủ toàn quốc 41,45%.

Theo con số này, tổng diện tích rừng có tăng nhẹ so với con số gần 14,4 triệu hécta với độ che phủ 41,19% (năm 2016). Tuy nhiên, xét riêng từng loại rừng, rừng tự nhiên đã giảm 5.726 hécta so với năm 2016.

Các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, diện tích rừng nguyên sinh đang giảm trầm trọng. Hiện nay, phần lớn rừng tự nhiên còn lại chỉ là rừng nghèo (đối với gỗ, trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha). Nói cách khác, mặc dù diện tích rừng hiện nay có tăng nhưng chất lượng rừng vẫn đang suy giảm.

Hiện nay, phần lớn rừng tự nhiên còn lại chỉ là rừng nghèo (đối với gỗ, trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha). Nói cách khác, mặc dù diện tích rừng hiện nay có tăng nhưng chất lượng rừng vẫn đang suy giảm.

Hệ quả của việc “phá sơn lâm,” khai thác lâm sản trái phép trong thời gian qua không chỉ phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và điều tiết dòng chảy, mà còn gây ra các mối hiểm họa chết người, thiệt hại kinh tế nặng nề do sạt lở đất, lũ quét ngày càng nghiêm trọng hơn, điển hình là khu vực các tỉnh miền núi cao như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái…

Vậy lý do gì mà thời gian qua “rừng vàng, biển bạc” trên toàn quốc liên tiếp bị lấn chiếm, tàn phá không thương tiếc, khiến nhiều khoảnh rừng bị mất trắng không còn màu xanh trên bản đồ, rồi hàng loạt vụ khai thác lâm sản (cây gỗ cổ thụ, quý hiếm) trái pháp luật vẫn diễn ra với mức độ ngày càng khủng khiếp như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi trên, nhóm phóng viên VietnamPlus đã dành nhiều tháng đi thực địa, tiếp cận các “điểm nóng” phá rừng để điều tra, làm việc với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng từ địa phương đến Trung ương để tìm ra những “lỗ hổng” của Luật, cũng như bất cập trong việc thực thi quản lý đã tạo ra kẽ hở cho “tội ác” dễ dàng tồn tại ngay dưới những tán rừng xanh trong suốt thời gian dài…

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2012 đến 2017, diện tích rừng mất do chuyển đổi đất rừng làm thủy điện chiếm khoảng 68,2%.(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đột kích sào huyệt các ‘điểm nóng’ phá rừng tự nhiên

“Tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ an ninh của vùng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương này, mà là an ninh của cả nước.” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định quyết tâm bảo vệ đại ngàn sau lệnh đóng cửa rừng vào năm 2014, kiên quyết xử lý “tội ác phá rừng,” tại cuộc họp với các tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 3/2017, vậy nhưng thời gian qua, hàng loạt cánh rừng trên cả nước vẫn tiếp tục bị lấn chiếm, tàn phá nghiêm trọng.

Điều đáng nói là, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên không chỉ diễn ra ở các khu vực vùng lõi, mà còn diễn ra phổ biến ở cả nơi được mệnh danh là “giữ rừng tốt nhất của Tây Nguyên” tại tỉnh Kon Tum-khu vực đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam.

Hành trình gian nguy để tiếp cận những điểm nóng phá “rừng cây sách Đỏ”

Đầu tháng 4/2018, phóng viên VietnamPlus nhận được thông tin từ một tổ chức nghiên cứu về rừng rằng, hiện nay tình trạng phá rừng đang diễn ra rất khủng khiếp. Nổi bật nhất là các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Bình, Bình Định, khu vực Tây Nguyên, và đặc biệt là tỉnh Quảng Nam-khi lãnh đạo tỉnh này đã phải kêu gọi người dân đứng ra tố giác những kẻ phá rừng…để quyết tâm giữ lấy đại ngàn.

Hành trình tiệm cận điểm nóng phá rừng vô cùng gian nguy của phóng viên. (Ảnh: Vietnam+)

Giữa hàng loạt “điểm nóng” được nhắc đến, chúng tôi đã quyết định chọn Quảng Nam là điểm đến đầu tiên cho hành trình tiệm cận sào huyệt phá rừng tự nhiên. Trong chuyến đi thực tế dài ngày tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, chúng tôi đã thực sự vô cùng đau xót khi phải chứng kiến cảnh rừng cây cổ thụ nơi đây tan hoang do bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc.

Để có thể tiếp cận được sào huyệt phá rừng này, nhóm phóng viên mất nhiều ngày dò hỏi, nắm bắt tình hình. Đường vào “điểm nóng triệt hạ rừng lim cổ thụ” vô cùng gian nan, nhất là trong sự “bảo vệ” trùng trùng lớp lớp bởi sự phân bổ dày đặc các tai mắt của lâm tặc.

Phải mất hơn hai ngày dò la, tìm kiếm sự trợ giúp, chúng tôi mới gặp được ông T., một người dân có kinh nghiệm đi rừng. Nhưng ngay khi nghe chúng tôi đề cập đến việc dẫn đường vào rừng, ông T., liền từ chối với lý do sợ bị lâm tặc tìm cách trả thù.

Bản thân ông T., trước đây cũng từng là một “lâm tặc,” chuyên vào rừng khai thác lâm sản, nhưng rồi nhìn những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ ngày càng cạn kiệt, nên nhiều năm nay ông T., đã quyết tâm giải nghệ, hoàn lương bằng nghề hái nấm. Sau nhiều lần thuyết phục và nhờ sự tác động của một số người quen trên địa bàn, cuối cùng ông T., mới chịu đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng sau khi đưa ra một loạt các yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt để nhóm phóng viên “tuân theo.”

Để có thể tiếp cận được sào huyệt phá rừng này, nhóm phóng viên mất nhiều ngày dò hỏi, nắm bắt tình hình. (Ảnh: Vietnam+)

Trong vai người dân đi hái nấm, những thiết bị ghi hình được giấu kín để đảm bảo an toàn, ngay khi mặt trời vừa “thức giấc,” chúng tôi cả vị dẫn đường là 4 người quyết định khởi hành cuộc thị sát vào sào huyệt phá rừng tự nhiên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, chấp nhận hiểm nguy đang rình rập trước mắt.

Trên đường đi, từ những câu chuyện của ông T., kể về khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và thực tế nhìn thấy, chúng tôi đã thực sự được nhìn thấy, sờ thấy sự tàn phá của lâm tặc nhiều năm qua. Những gốc lim, sến, kiền kiền …cổ thụ quý hiếm có độ tuổi trên trăm năm mà ông T., nói đến giờ trơ gốc chỉ còn đọng lại những vệt nhựa bầm như máu của cây đầy đau xót…

Nhịp độ phá rừng lại diễn ra đều đặn “như cơm bữa” tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, tại tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Vietnam+)

Ông T., cho biết khu vực này đã bị lâm tặc xâm hại cách đây đã khá lâu. Còn bây giờ muốn thấy “máu đại ngàn” thì phải đi sâu vào trong vùng lõi.

Sau hơn một giờ di chuyển bằng thuyền theo dòng sông Thanh, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vùng rìa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh với những gốc lim cổ thụ bị đốn hạ nay đã khô mục. Ông T., cho biết khu vực này đã bị lâm tặc xâm hại cách đây đã khá lâu. Còn bây giờ muốn thấy “máu đại ngàn” thì phải đi sâu vào trong vùng lõi.

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng vài tiếng vào sâu trong rừng. Trên đường đi, chúng tôi phát hiện một khu vực rộng lớn với những vạt rừng đã bị triệt hạ. Tại đây có hàng loạt gốc cây gỗ lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có đường kính từ 2-3 người ôm bị lâm tặc cưa xẻ lấy gỗ chỉ còn trơ lại phần gốc.

Một gốc cây lim xanh cổ thụ bị chặt hạ, phần gốc vẫn còn tươi. (Ảnh: Vietnam+)

Đi tiếp một đoạn, chúng tôi bắt gặp 2 cây lim bị đốn hạ từ lâu nhưng lâm tặc mới tiến hành cưa xẻ để lấy gỗ, vết cưa còn rất mới. Ngoài những đoạn gỗ lớn đã được vận chuyển ra khỏi rừng, hiện trường còn lại những khúc gỗ đường kính gần 1 mét, những bìa gỗ, các nhánh cây, vỏ gỗ cây bị lâm tặc vứt bỏ lại nằm ngổn ngang.

Trước đó, tại khu vực rừng phòng hộ ở sông Kôn nơi giáp ranh giữa 2 xã Jơ Ngây và xã Za Hung, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Na, khoảng 33 cây gỗ quý cũng đã bị lâm tặc chặt hạ, lượng gỗ thiệt hại hơn 45 m3 (từ nhóm III đến nhóm VII).

Nhận thấy “làn sóng” phá rừng quá nhức nhối trên địa bàn, mới đây, ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phải viết “tâm thư” gửi lượng kiểm lâm và ban quản lý rừng trên địa bàn, với những chỉ trích: “Gỗ to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai-người dân địa phương đều biết, mà các đồng chí lại không biết, hoặc biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc…”

Thống kê thiệt hại rừng từ năm 2006 tới tháng 5/2018

“Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó. Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại…”- Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh kêu gọi.

Không chỉ viết “tâm thư,” ông Thanh còn ký công văn yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh việc khẩn trương hoàn thành hồ sơ, khởi tố các vụ án phá rừng, hủy hoại rừng, khởi tố bị can, và đề nghị truy tố ở mức độ có tính răn đe cao, phù hợp với quy định pháp luật.

Một gốc cây cổ thị bị lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ chưa kịp tẩu tán ra khỏi rừng xanh.(Nguồn: Vietnam+)

“Quản lý như thể chỉ ăn tốn cơm nhà nước”

Trong khi rừng đại ngàn tại Quang Nam còn chưa yên, thì tại Tây Nguyên, nhịp độ phá rừng lại diễn ra đều đặn “như cơm bữa” ở cả nơi được đánh giá là giữ rừng tốt nhất tại tỉnh Kon Tum. Hàng ngày, lâm tặc cùng các phương tiện khai thác gỗ trái phép vẫn vô tư vào rừng chặt hạ cây cổ thụ rồi tẩu tán ra khỏi lâm trường, trước sự “bất lực” của chủ rừng và các cấp chính quyền, lực lượng chức năng.

Những ngày đầu tháng 7, bầu trời Tây Nguyên lúc nào cũng trực mưa ầm ào, vậy mà, những khu rừng nơi đây vẫn bị quấy phá liên hồi bởi tiếng cưa xăng và xe chế độ gầm rú. Nhức nhối nhất là sào huyệt phá rừng tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, nằm trên khu vực giáp ranh giữa ba huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.

Lâm tặc cùng các phương tiện khai thác gỗ trái phép tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô. (Ảnh: Vietnam+)

Điều đáng nói là, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô lại là đơn vị đầu tiên nhận được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, nơi được xem là giữ rừng tốt nhất Tây Nguyên này lại đang ngày đêm bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.

Bám theo con đường mòn trơn trượt và dốc thẳng đứng, nhóm phóng viên VietnamPlus được hai cán bộ của Đội Bảo vệ và Khai thác rừng tác động thấp thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, chở vào rừng bằng chính những chiếc xe chế độ tịch thu của lâm tặc.

Chỉ chừng 30 phút sau, ngay ven đường đã xuất hiện 2 cây dổi đường kính lên tới 1m, dài hàng chục mét vừa bị lâm tặc cưa đổ, lá còn tươi nguyên, những vết cắt mới đỏ au. Kế đó là rất nhiều cây dổi khác cũng đã bị xẻ thành phách, đang chờ được vận chuyển ra bìa rừng cùng ngổn ngang các ngọn, cành cây bị bỏ lại.

Hiện trường sót lại dưới một gốc cây cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô. (Ảnh: Vietnam+)

Tiếp tục đi vào trong rừng thêm 10km, dọc đường với hàng trăm lối mở chỉ đủ để xe máy đi được, người dẫn đường cho biết tất cả những lối mở này đều là những người phá rừng họ làm để tiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Xung quanh con đường độc đạo xuyên vào rừng tiếng cưa máy vang vọng như muốn xé toang cả núi rừng.

Càng đi sâu vao khu vực giáp ranh giữa các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi thì tình trạng rừng bị phá diễn ra rầm rộ hơn. Lâm tặc đã dùng trâu kéo gỗ qua những đoạn đường dễ, nơi khó khăn vực sâu thì dùng máy tời kéo lên. Xung quanh, rất nhiều cây thông nàng có đường kính từ 2-3 người ôm mới bị cưa đổ được ngụy trang bằng những cành cây khô để che mắt chủ rừng đã bị nhóm phóng viên phát hiện.

Một gốc cây cổ thụ bị đốn hạ từ lâu nhưng lâm tặc mới tiến hành cưa xẻ để lấy gỗ, vết cưa còn rất mới. (Ảnh: Vietnam+)

Chỉ trong một buổi sáng “đột kích” vào sào huyệt phá rừng thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô quản lý, chúng tôi đã phát hiện ra hàng chục gốc cây cổ thụ (đa phần là cây dổi, thông nàng, re…) đã bị chặt hạ không thương tiếc, nhiều cây vừa bị chặt, gốc còn “chảy máu.”

Sau nhiều giờ len lỏi trong rừng, chứng kiến cảnh tượng tan hoang ngay dưới tán rừng xanh, những cơn mưa chiều nặng hạt bắt đầu trút xuống cũng là lúc chúng tôi nhanh chóng rời khỏi rừng. Trên đường ra, tiếng máy cưa vẫn vang vẳng, tiếng xe máy chế độ gầm rú đã khiến đại ngàn không còn những tiếng chim kêu, vượn hót như vốn có của nó.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus ngay tại cửa rừng, ông Nguyễn Xuân Đường, Đội phó Đội Bảo vệ và Khai thác rừng tác động thấp thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô thừa nhận, tình trạng khai thác lâm sản trái phép ngay trong lâm phần do công ty quản lý bấy lâu nay đang diễn ra rất phức tạp, và phía công ty cũng đang gặp “bế tắc” trong việc ngăn chặn, xử lý.

“Hàng ngày, các đối tượng vận chuyển gỗ bằng xe máy độ chế và bằng nhiều con đường khác nhau nên việc kiểm soát rất khó khăn. Họ (lâm tặc) vào rừng vào ban ngày, nhưng mọi hoạt động lại diễn ra vào ban đêm nên rất khó bắt giữ họ. Khi gặp mình là họ bỏ gỗ chạy vào rừng ngay,” ông Đường giãi bày.

Ông Nguyễn Văn Tiến-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum: “Quản lý như thế chỉ ăn tốn cơm nhà nước”. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Đường cũng cho biết, từ khi thành lập vào tháng 8/2017 đến nay, đội đã phát hiện 7 vụ khai thác gỗ trái phép, trong đó từ đầu năm 2018 đến nay phát hiện 3 vụ. Thông thường đội chỉ kiểm soát tốt ở vị trí gần, còn ở xa đường khó đi nên rất khó.

Kiểm soát tốt ở vị trí gần, vậy tại sao nhiều cây gỗ ven đường liên tiếp bị chặt hạ, mà công ty này vẫn không hề phát hiện, cho đến khi phóng viên “khai quật”? Ông Đường lý giải: “Những cây không phát hiện được, một là chặt mới, hai là mùa mưa đi lại khó khăn nên anh em chưa đi tới. Chúng tôi đi tuần mỗi tuần hai lần, có thể những khoảng giữa ngắt quãng đó, lâm tặc nó tận dụng cơ hội vào rừng khai thác.”

Tiếp tục làm việc với ông Vũ Văn Cương, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô về thực trạng quản lý lâm phần, vị này lại viện dẫn cái khó của “người làm chủ” rằng: “Từ cuối năm 2017 đến nay, tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực lâm phần của công ty quản lý diễn ra rất phức tạp, phía công ty cũng đã làm nhiều biện pháp nhưng chỉ hạn chế thôi chứ không ngăn chặn được tuyệt đối.”

Bảo vệ rừng là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, nhưng thực tế là đây…(Ảnh: Vietnam+)

Khi được hỏi về đường đi của gỗ, vị Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, liền từ chối trả lời với lý do “vai trò của công ty không trả lời được.” Dù vậy, vị này cũng khẳng định “chúng tôi cam đoan không có chuyện mở cửa, tiếp tay cho lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép.”

“Để mất rừng trách nhiệm đầu tiên là bà con, vì công ty đã giao khoán cho 49 cộng đồng nhận khoán 11.600ha. Thứ hai là chủ rừng, mình không từ chối trách nhiệm, rồi đến các chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chức năng có hệ thống tổ chức như kiểm lâm, công an và các hệ thống chính trị khác. Còn riêng chúng tôi đã làm mọi biện pháp để ngăn chặn rồi,” Phó giám đốc phụ trách về bảo vệ rừng Vũ Văn Cương.

Trước làn sóng phá rừng, ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phải viết “tâm thư” gửi lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng trên để bàn để nhắc nhở, yêu cầu ngăn chặn vấn nạn “xẻ thịt đại ngàn”. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPlus về việc tại sao gỗ rừng do công ty quản lý lại dễ dàng tuồn ra ngoài như vậy, liệu có gì “bất thường”?

Ông Nguyễn Văn Tiến-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum: “Trong luật quy định chủ rừng như chủ nhà, gỗ ngay ven đường không phát hiện thì nói chung là có vấn đề, có vi phạm mà không báo cáo là sai.”

“Nếu thấy cưa máy mà về không có động thái gì thì ông ở đó làm gì, làm như thế chỉ ăn tốn cơm nhà nước, ông nằm trong tổ công tác liên ngành mà không có thông tin phản hồi gì là thiếu tinh thần trách nhiệm, chúng tôi sẽ làm việc rõ với đơn vị chủ rừng,” ông Tiến khẳng định.

Không chỉ quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ rừng, ông Tiến còn cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 257 vụ vi phạm lâm luật, đến nay đã khởi tố 6 vụ và xử lý vi phạm hành chính 251 vụ. Trong đó, Đắk Tô là một trong những huyện “điểm nóng” phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 257 vụ vi phạm lâm luật, đến nay đã khởi tố 6 vụ và xử lý vi phạm hành chính 251 vụ. (Ảnh: Vietnam+)

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần truy quét, đặc biệt đợt vừa rồi phía Công ty Đăk Tô đã kéo 84m3 gỗ không rõ nguồn gốc ra khỏi rừng, nhưng không hề báo cáo với cơ quan chức năng. Hiện tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo sở nông nghiệp thành lập đoàn kiểm tra tất cả các công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị này, công an cũng đang điều tra, xử lý,” ông Tiến nói thêm.