Gần như 100% các dự án cho thuê rừng mà các tỉnh Tây Nguyên đã ký cho các doanh nghiệp đều tồn tại lỗ hổng dẫn đến mất rừng nghiêm trọng.
Các tỉnh đã thu hồi hơn 200 dự án nhưng không mang lại ý nghĩa đáng kể vì những lỗ hổng khác cùng sự buông bỏ trách nhiệm vẫn tiếp diễn, nạn mất rừng tiếp tục kéo dài.
Cho thuê rừng đang tạo ra những vòng luẩn quẩn, mà sau mỗi vòng như thế, rừng lại mất với diện tích rất lớn, Nhà nước tốn tiền kiểm kê thiệt hại, việc quản lý-bảo vệ rừng gặp bế tắc, các hệ lụy xã hội gia tăng.
Ác mộng sau thu hồi dự án
293 là tên của một tiểu khu rừng ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là tiểu khu ác mộng của huyện vì nó đang đem tới gánh nặng quản lý chưa từng có.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện, Bí Thư huyện ủy, đều mòn gót chân ở đây.
Còn UBND xã, suốt 2 năm nay phải cắt ra 4 cán bộ, ngày hai buổi tuần tra. Thế nhưng tất cả cán bộ từng tham gia tuần tra ở đây đều lắc đầu ngán ngẩm khi nói về tiểu khu 293: “Không thể bảo vệ được, chỉ có một câu như vậy thôi”.
Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan cho biết, xã phải chịu trách nhiệm bảo vệ tiểu khu 293 từ đầu 2017, khi UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi dự án thuê rừng-trồng cao su của Công ty TNHH Anh Quốc, và khu vực này biến thành bãi bùng nhùng bởi nạn phá rừng, chiếm đất diễn ra liên miên.
Gần 2 năm xã thực hiện nhiệm vụ trên giao, nhưng không biết làm thế nào cho hiệu quả, cũng không thể đánh giá hiệu quả.
“Đó là vì số liệu thực tế về rừng, đất rừng ở dự án này vẫn chưa được xác định”, ông Hà nói và cho biết thêm: “Anh em cũng rất cố gắng. 4 người, ngày đi tuần tra 2 buổi, chế độ rất eo hẹp. Thêm nữa, chúng tôi là cơ quan quản lý Nhà nước nên không có kinh nghiệm chuyên môn về bảo vệ rừng. Trong khi đó, các đối tượng thường phá rừng, lấn chiếm đất vào buổi đêm hoặc ngày nghỉ hoặc trời mưa”…
Cách không xa dự án phải thu hồi của Công ty TNHH Anh Quốc là một dự án phải thu hồi của Công ty Phú Riềng Kratie.
Nếu như dự án Anh Quốc đang nóng bỏng bởi tình trạng phá rừng, hôi của đất rừng, thì mọi thứ ở dự án Phú Riềng Kratie đã được định đoạt.
269 ha rừng giao cho doanh nghiệp đã bị phá gần hết, chỉ còn hơn 32 ha. Việc bảo vệ rừng ở đây đã không còn ý nghĩa.
Trách nhiệm của xã, của huyện ở phần đất của dự án này là kiểm soát dân di cư tự do đến lấn chiếm. Thế nhưng, kiểm soát dân di cư chiếm đất ở đây là điều bất khả thi.
Theo ông Phạm Thủy Tiên, Chánh văn phòng huyện ủy Ea Súp, cả hệ thống chính trị ở huyện đã vào cuộc, nhưng việc quản lý dân di cư mới đạt kết quả ở việc nắm số lượng, còn việc ngăn chặn-cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. “Mới đây, đoàn của trung ương vào kiểm tra, chúng tôi cũng đã báo cáo hết. Tỉnh, huyện đã chịu rồi đấy, bây giờ nhờ Trung ương xem có cách nào không”, ông Phạm Thủy Tiên cho biết.
Ngàn tỷ bị mất, ai chịu trách nhiệm?
Tình trạng đã thu hồi dự án cho thuê rừng mà chậm trễ không thống kê thiệt hại chắc chắn sẽ khiến việc truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc làm mất rừng, rơi vào khoảng không vô căn cứ. Đây cũng là lỗ hổng kiểm kê thứ hai Đăk Lăk tạo ra, khiến tỉnh khó ràng buộc doanh nghiệp.
Bởi trước đó, theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn: “Từ khi xác định hiện trạng rừng, với hiện trạng, trữ lượng cụ thể, đến khi tỉnh quyết định cho thuê đất thuê rừng thì đất và rừng đã bị dân xâm canh, xâm chiếm, biến động khá lớn”.
Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất là không có một quy định nào của Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường khi để mất rừng, nhưng các tỉnh vẫn giao cả trăm dự án, với khoảng 160.000 ha rừng.
Hậu quả xảy ra, khi các dự án đổ vỡ, Nhà nước bị mất cả chì lẫn chài: vừa mất tài sản cho thuê, vừa mất chi phí kiểm kê thiệt hại…
Tính ở 3 tỉnh cho thuê rừng nhiều nhất Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với con số thiệt hại nhiều nghìn ha rừng, trị giá thiệt hại có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời điểm này, Đắk Lắk vẫn gặp khó khi tìm căn cứ pháp lý để đòi doanh nghiệp bồi thường.
Ở Đắk Nông, tốc độ mất rừng nhiều nhất nước, nhưng tỉnh chỉ đòi được hơn 300 triệu. Lâm Đồng đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường 219 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp phải bồi thường tới 70 tỷ đồng, nhưng văn bản lại không có giá trị pháp lý.
Theo ông Nguyễn Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tỉnh phải chờ hướng dẫn từ Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Bộ Tư pháp để giải quyết tồn tại này.
Về trục trặc pháp lý trong văn bản đòi bồi thường của tỉnh, ông Tuyên phân tích: “Đây chỉ là một văn bản thông thường, không phải một quyết định xử lý vi phạm hành chính. Nếu là quyết định xử lý vi phạm hành chính thì nếu doanh nghiệp không tuân thủ, tỉnh có thể cưỡng chế. Còn là một văn bản thông thường, doanh nghiệp không trả, tỉnh cũng không thể làm gì”.
Ký dự án giao rừng để rồi không thể làm gì với các chủ dự án yếu kém, vô trách nhiệm để mất rừng, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã tự tạo ra gánh nặng cho bộ máy quản lý, cho môi trường sinh thái và cho cả ngân sách.
Điều đáng lo, trong hàng trăm dự án còn lại, không có dự án nào là điển hình thành công. Ngược lại, danh sách các dự án bị thu hồi do mất quá nhiều rừng, mỗi năm lại thêm nối dài, tạo thêm những vòng luẩn quẩn mới. Các tỉnh không biết xử lý các dự án này như thế nào cho ổn thỏa; không tìm được cá nhân, tổ chức nào có thể bảo vệ, phát triển được rừng ở những dự án đã tan hoang.
Chấm dứt vòng nghịch lý và luẩn quẩn đang gặp phải, trở thành thách thức lớn khi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khu vực Tây Nguyên phải nâng cao vai trò của mình trong công tác bảo vệ-phát triển rừng, theo Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư.