Điện gió – Ì ạch khai phá tiềm năng

Dù được đánh giá nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có nghiên cứu chi tiết và quy hoạch phát triển, nên vẫn còn rất mù mờ về lĩnh vực này.

Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm

Sau 4 năm thi công, tháng 4-2012 Nhà máy Điện gió Tuy Phong 1 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam do CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, tổng công suất 30MW, được kết nối vào lưới điện quốc gia (cấp 110kV), hàng năm cung cấp khoảng 85 triệu kWh điện và giảm phát thải 58.000 tấn CO2/năm.

Hiện nay Việt Nam mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất 190MW được đưa vào vận hành. Những khó khăn, rảo cản về việc sử dụng đất, vốn, đấu nối và giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, về nguồn dự phòng hay về cơ chế chính sách… luôn đặt ra cho nhà quản lý trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Đặc biệt, nhà máy sử dụng 20 turbin gió loại 1,5MW, công nghệ của Đức – quốc gia từ lâu đã phát triển mạnh năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió. Theo Hiệp hội Năng lượng gió Đức (BWE), nước này có thể lưu trữ 45.000 MW trên bờ và 10.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2020, tạo ra khoảng 150TWh/năm, cung cấp khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ
của Đức.

Khả năng công nghệ và năng lực sản xuất điện gió của Đức thuộc loại hàng đầu thế giới, có thể cung cấp thiết bị cho nhiều nước. Và Việt Nam là một trong những thị trường đầy tiềm năng về điện gió, bên cạnh đầu tư vốn, việc xuất khẩu công nghệ điện gió được phía Đức xem là mục tiêu chính.

Sau nhiều năm thăm dò và khảo sát đánh giá về thị trường cũng như triển vọng phát triển điện gió tại Việt Nam, đặc biệt sau khi những chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ đã được ban hành, giờ đây các nhà đầu tư Đức đã sẵn sàng đầu tư vào các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó chủ yếu nhắm đến xuất khẩu công nghệ.

Mới đây, trả lời ĐTTC về vấn đề này, ông Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, khẳng định điện gió là một trong những nội dung quan trọng nằm trong đầu tư kinh tế của khuôn khổ hợp tác song phương Việt – Đức.

“Chúng tôi đánh giá Việt Nam có nhiều triển vọng để phát triển điện gió nói riêng và năng lượng sạch nói chung. Đây cũng là xu thế Việt Nam đang hướng đến để xây dựng một nền kinh tế xanh phát triển bền vững. Phía Đức có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đó. Các nhà đầu tư Đức cũng rất quan tâm đến lĩnh vực điện gió tại Việt Nam. Thời gian tới, các nhà đầu tư Đức sẽ đẩy mạnh hơn việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm cả vốn, công nghệ cũng như những chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của Đức” – ông Christian Berger nói.

Dự án điện gió tại Tuy Phong, Bình Thuận.

Cần có quy hoạch, dự báo 

Một xu hướng mới đang phát triển hiện nay trên thế giới là xây dựng các nhà máy điện gió trên biển. Mặc dù lắp đặt điện gió trên đất liền là chủ yếu, nhưng nhiều nước đã bắt đầu phát triển điện gió trên biển. Công suất tổ máy điện gió lớn nhất trên biển hiện nay đạt 7,5MW/tổ máy. Tổng công suất điện gió xa bờ tính đến cuối năm 2007 đạt mức 1.170MW. Tại Anh, năm 2012 đã khánh thành trang trại gió ven biển với công suất gần 400MW. Tại nhiều nước, hiện đã hình thành chiến lược khung phát triển điện gió biển, tạo cơ sở khoa học và pháp lý phát triển điện gió biển.

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, chi phí điện gió trên đất liền đã giảm đi rất đáng kể. Tính từ năm 1980 cho đến nay, chi phí cho điện gió giảm khoảng 80%, tại những vị trí thuận lợi, giá điện gió đạt mức 7 cent/kWh. Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Gió thế giới, gió sẽ trở thành nguồn năng lượng có thị trường toàn cầu và trở thành nguồn năng lượng chính ở nhiều nước trên thế giới.

Bà Vũ Chi Mai, cán bộ cao cấp của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đơn vị tham gia tư vấn về xây dựng giá điện cạnh tranh cho Chính phủ, cho biết tiềm năng năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng của Việt Nam rất lớn. Theo số liệu của GIZ, tại Việt Nam, tiềm năng lượng gió ở độ cao trên 80m sẽ cho sản lượng 27.000MW. “Nhưng để phát triển 1000 MW điện gió mức đầu tư ở thời điểm đầu tiên vẫn luôn cao nhất. Do chi phí đắt nên các dự án này đều cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Cụ thể, để bù được mức chênh lệch giữa mức giá điện từ năng lượng tái tạo và điện truyền thống hiện nay Nhà nước hoàn toàn có thể dựa vào chính sách để điều chỉnh. Mới đây, Chính phủ đã quyết định tăng giá điện gió trên đất liền lên mức 8,5 cent/kWh thay vì 7,8 cent/kWh là hoàn toàn phù hợp. Bởi với sự hỗ trợ chính sách này,  nhà đầu tư sẽ mặn mà và yên tâm khi đầu tư không sợ lỗ vì giá bán điện thấp” – bà Mai nhận xét.

Theo TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên – Môi trường), Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển khai thác điện gió, trong đó có hệ thống gió mùa trong khu vực. Trong các nghiên cứu gần đây, tiềm năng điện gió trên đất liền quy mô lớn được đánh giá có công suất lý thuyết lên đến 120-160GW, với phần lớn các tiềm năng khai thác nằm dọc ở khu vực ven biển Đông – Đông Nam.

Nguồn: