Hàng trăm chuyên gia quốc tế sẽ đến Việt Nam để cùng thảo luận về hiện trạng, giải pháp, đào tạo nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Chiều 7/11, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tổ chức thông tin về Diễn đàn Hà Nội 2018. Có chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”, Diễn đàn được tổ chức từ 8-10/11 tại Hà Nội. Diễn đàn do ĐHQG Hà Nội phối hợp với Quỹ giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Đây là một sáng kiến của ĐHQG Hà Nội nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế. Lựa chọn “Ứng phó với Biến đổi khí hậu”, nội dung thứ 13 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận, với tên gọi: “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”, Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học-công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu.
Diễn đàn có sự tham gia của gần 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Trong đó có bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; ông Stephen P. Groff, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); ông Chey-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); ông Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Diễn đàn còn có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng đến từ các đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà hoạch địch chính sách, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững với 5 mục tiêu cốt lõi là: Xác định và phân tích các bằng chứng và tác động của BĐKH, thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó BĐKH. Hỗ trợ, tư vấn các cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với BĐKH. Đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải carbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh BĐKH. Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó BĐKH. Tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với BĐKH ở cấp độ quốc tế và khu vực.
Việc tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018 thể hiện vị thế của ĐHQG Hà Nội trên trường quốc tế, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Bên cạnh phiên toàn thể, Diễn đàn Hà Nội gồm 5 tiểu ban chuyên môn bao gồm: (1) Bằng chứng về biến đối khí hậu và an ninh; (2) Tác động của con người lên biến đổi khí hậu; (3) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) Chính sách và quản trị về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; (5) Khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ trì mỗi tiểu ban chuyên môn là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà lập chính sách đến từ Việt Nam và quốc tế.Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng TS. Micheal Ellis từ Cục Địa chất Hoàng gia Anh sẽ chủ trì phiên đối thoại chính sách về đồng bằng sông Hồng. Phiên đối thoại chính sách về đồng bằng sông Cửu Long được chủ trì bởi TS. Trương Đức Trí, phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường và GS.TS. Alex Smajgl từ ĐH Deakin (Australia).
Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Với vị trí một đại học lớn hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN có sứ mệnh đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia và luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi cho rằng các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan: chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp… cho đến từng người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững và sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau”
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế…
Thông qua hàng loạt Kế hoạch hành động quốc gia (NAP), kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu.