Bắc Cạn có ba khu bảo tồn thiên nhiên với hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm, tuy nhiên, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ðể giải quyết tình trạng này, thời gian qua tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ các thôn, bản vùng rừng đặc dụng, tạo công ăn, việc làm ổn định, giúp người dân thoát nghèo, giảm áp lực khai thác rừng trái phép.
Hỗ trợ hiệu quả
Thôn Kéo Nàng, xã Bản Thi, huyện Chợ Ðồn nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc gồm 50 hộ đồng bào dân tộc Dao, Nùng. Những năm trước, thôn gần như tách biệt với trung tâm xã do đường vào phải bốn lần vượt suối, mùa mưa lũ là “đứt” đường. Giao thông cách trở người dân có nông sản, vật nuôi muốn tiêu thụ rất khó khăn, vì thế, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Từ năm 2015, thôn Kéo Nàng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 24/2012/QÐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 24). Ðược hỗ trợ 40 triệu đồng/năm, thôn tiến hành xây cầu qua suối, mở lối thông thương. Trưởng thôn Triệu Tài Thành cho biết, thôn đã xây dựng được ba cây cầu bằng bê-tông, cốt thép, bảo đảm đi lại tốt trong cả mùa mưa lũ và đang xây tiếp cây cầu còn lại. Có cầu, trẻ em đi học thuận lợi, người dân trong bản dễ dàng vận chuyển nông sản, vật nuôi ra bán ở chợ trung tâm xã. Trước đây, đi lại khó khăn, người dân không mở rộng được chăn nuôi, giờ hầu hết các hộ đã đầu tư nuôi lợn, dê, trâu, bò và đào ao thả cá.
Hỗ trợ linh hoạt tạo công ăn, việc làm ổn định, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc bàn bạc, thống nhất với từng thôn lựa chọn đầu tư vốn phù hợp, hiệu quả. Tại thôn Phja Khao, vốn dành để mua giống ngô, vật nuôi cho nhân dân. Kiểm lâm viên Trạm Phja Khao Lý Hồng Quân cho biết, thôn tham khảo ý kiến ngành chuyên môn, chọn giống ngô phù hợp với địa hình núi cao, khí hậu lạnh, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật, nhờ vậy năng suất tăng gấp ba đến bốn lần.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Ban quản lý ký cam kết bảo vệ rừng và lựa chọn hạng mục thực hiện đối với 42 thôn. Từ nguồn vốn đầu tư, người dân xây dựng 453 m đường bê-tông nông thôn; 115 m kè đường; làm mặt cầu qua suối. Ban Quản lý hỗ trợ gần 140 con lợn giống, 3.425 con gà giống cho bốn thôn với 151 hộ hưởng lợi; hỗ trợ 278 kg giống ngô, 198 kg giống lúa cho 74 hộ dân ở thôn Vằng Khít. Ðược tạo công ăn, việc làm ổn định, thuận lợi về thông thương hàng hóa, đời sống người dân đã nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.
Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn Quyết định 24, Bắc Cạn đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ 99 thôn, bản vùng rừng đặc dụng với hơn 8.377 lượt hộ hưởng lợi. Qua đó, đã cấp hơn 1.000 con lợn giống, hơn 21.757 con gà giống; hơn 900 kg lúa giống, hơn 830 kg ngô giống; hỗ trợ vật liệu xây dựng tám nhà họp thôn, hơn 4,9 km đường bê-tông nội thôn, sáu bể nước sạch, hơn 3 km ống dẫn nước, tám cầu bê-tông qua suối, năm lò đốt rác, 70 m kè đá bảo vệ đất sản xuất… Hoạt động hỗ trợ nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng, cải thiện thu nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Gắn với bảo vệ rừng
Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc Nguyễn Hữu Kết cho biết, từ khi triển khai chính sách theo Quyết định 24, số vụ, quy mô phá rừng đặc dụng trái phép đã giảm hẳn. Việc giao nộp súng săn, quản lý cưa xăng theo quy định được người dân thực hiện đầy đủ. Ban quản lý ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với sáu cộng đồng dân cư thôn, bản giáp ranh khu bảo tồn với tổng diện tích giao khoán 1.737 ha, mức giao khoán 150 nghìn đồng/ha/năm. Các thôn thành lập 30 tổ tuần rừng, tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên.
Ngoài ra, Bắc Cạn phối hợp tổ chức Traffic (Mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam) triển khai mô hình thu hái, chế biến dược liệu bền vững tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Các loài mục tiêu của dự án gồm giảo cổ lam, sa nhân, thảo đậu khấu, cẩu tích. Dự án thành lập nhóm sở thích với hơn 40 hộ dân tham gia; hướng dẫn cách nhận biết cây dược liệu, cách thức, thời gian thu hái để có chất lượng tốt nhất và bảo đảm cây tái sinh tự nhiên. Ðồng thời, hỗ trợ nhà sơ chế, giàn phơi, guồng sao chạy điện… để các hộ chế biến, có thu nhập trung bình từ 400 đến 500 nghìn đồng/hộ/tháng. Từ hiệu quả này, Bắc Cạn tiếp tục nhân rộng ra Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Vườn Quốc gia Ba Bể và một số huyện có rừng tự nhiên lớn.
Bên cạnh đó, Kiểm lâm Bắc Cạn tuyên truyền, thống nhất với người dân, chính quyền xã, đối với thôn, bản để xảy ra phá rừng trái phép sẽ xem xét không được hưởng chính sách theo Quyết định 24. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng cũng như mục tiêu hỗ trợ theo Quyết định 24 cho nên đồng tình ủng hộ, cả 99 thôn được hưởng lợi đã thành lập tổ tuần rừng. Năm 2015, thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể nằm ở vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể. Nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 134 ha rừng đặc dụng. Thôn huy động 76 hộ dân tham gia, thành lập ba tổ tuần rừng, mỗi tổ 20 người, tuần rừng ba lần/tháng tại khu vực được giao quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, tình trạng phá rừng trái phép tại khu vực thôn đã giảm hẳn. Ngược lại, thôn được nhận hỗ trợ 40 triệu đồng/năm, qua đó đã đầu tư xây dựng được nhà họp thôn, đường đi lại, mua cây, con giống cải thiện đời sống cho người dân.
Ðể hỗ trợ người dân từng bước có công ăn, việc làm ổn định, từ năm 2018, Kiểm lâm Bắc Cạn trồng thử nghiệm một số loài dược liệu dưới tán rừng đặc dụng. Bước đầu, loài cây hương thảo phát triển tốt được định hướng nhân rộng trong thời gian tới. Tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ gạo, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Theo đó, tập trung hỗ trợ 607 thôn vùng II, vùng III của 100 xã, thị trấn với 23.465 hộ tham gia, gồm 103.819 nhân khẩu, trong đó có các thôn thuộc vùng rừng đặc dụng. Mức trợ cấp gạo được xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ không quá 720 kg/hộ/năm, mỗi nhân khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng.
Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, từ khi được hỗ trợ, người dân có công ăn việc làm ổn định thì tình trạng phá rừng đặc dụng đã giảm hẳn, không còn điểm nóng hay những vụ chặt phá lớn. Nhiều vụ việc chặt phá, vận chuyển trái phép lâm sản được chính người dân tố giác, giúp ngành xử lý kịp thời, cho thấy việc cải thiện đời sống cho người dân đã góp phần bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, đời sống người dân vùng rừng đặc dụng còn rất khó khăn, thiếu đất sản xuất, do vậy để nâng cao đời sống thì cần lồng ghép tốt các nguồn lực, đồng thời nâng mức chi trả khoán bảo vệ rừng cho nhân dân.