Việt Nam có thể tận hưởng nguồn giấy giá rẻ trên thế giới nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến môi trường.
Một tấn giấy tái chế có thể cứu sống 17 cây gỗ trưởng thành, tiết kiệm 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất để chôn lấp, theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đắn đo trong việc nhập khẩu loại nguyên liệu này.
Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 2017, khi Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu 24 loại nguyên liệu tái chế. Hành động này ngay lập tức khiến thị trường xuất khẩu phế liệu hoảng loạn vì Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa lượng phế liệu trên toàn thế giới. Lo sợ rác nhập khẩu sẽ tràn về các nước khác để giải phóng hàng tồn, Chính phủ Việt Nam đã siết nhập khẩu phế liệu. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp ngành giấy trong nước điêu đứng, vì giấy phế liệu, một trong những thành phần không thể thiếu để sản xuất bột giấy, cũng nằm trong diện nguyên liệu tái chế bị cấm.
Doanh nghiệp trong nước điêu đứng
Để hiểu rõ hơn, có 2 loại bột được sử dụng trong sản xuất giấy là bột nguyên sinh và bột tái chế. Tính đến hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất được 200.000 tấn mỗi năm và số lượng này là không đủ. Năm 2017 Việt Nam phải nhập thêm 1,5 triệu tấn giấy tái chế để làm nguyên liệu sản xuất. Thực tế, ngay trên thế giới, các doanh nghiệp ngành giấy cũng thiên về xu hướng sử dụng bột giấy tái chế hơn là nguyên sinh vì lý do môi trường và chi phí rẻ hơn. Thống kê năm 2017 của RISI và VPPA cho thấy nhu cầu tiêu thụ bột giấy tái chế trên thế giới chiếm đến 59%, khoảng 251 triệu tấn.
Các doanh nghiệp càng điêu đứng hơn khi số lượng tiêu thụ giấy trong nước tăng qua từng năm. Theo ước tính của ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, năm 2018 dự kiến nhu cầu tiêu thụ cả nước đạt hơn 4,7 triệu tấn, cao hơn so với các năm trước đó. Việc khan hiếm bột giấy có thể làm giá thành sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam tăng cao. Trong khi đó, lượng nguyên liệu tái chế toàn cầu, trong đó có giấy tái chế đang thừa thải từ sau khi Trung Quốc ngưng nhập làm giá thành rẻ đi và là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại.
Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Phó Chủ tịch VPPA, ngành công nghiệp giấy của Ấn Độ 2 năm gần đây, đặc biệt năm 2018 đang hưởng lợi rất nhiều. Thứ 2 là Indonesia và hiện doanh nghiệp nước này đã xuất giấy sang Việt Nam với giá rất cạnh tranh. “Họ bán thấp hơn giá các doanh nghiệp Việt Nam từ 10-20% nhờ nguồn nguyên liệu giá rẻ”, ông Sơn nói.
Kinh nghiệm của nước ngoài
Để hạn chế nhập khẩu giấy tái chế, các quốc gia trên thế giới đã có chính sách tiến hành phân loại giấy để không chỉ tái chế hiệu quả hơn mà còn phục vụ xuất khẩu. Điển hình như châu Âu, năm 2017 họ thu hồi được 57 triệu tấn, sử dụng tái chế tại chỗ 48,6 triệu tấn, số còn lại là xuất khẩu. Tại châu Á, tổng thu hồi được 106,7 triệu nhưng sử dụng lên đến 137 triệu tấn vì nhu cầu sử dụng giấy cao. Trong đó, Nhật là nước có tỉ lệ thu hồi giấy cao nhất với hơn 80%.
Theo ông Sơn, tỉ lệ thu hồi giấy tái chế ở Việt Nam hiện chưa đến 40%, trong khi chuẩn trung bình thế giới là 56%. Và để nâng cao tỉ lệ thu hồi cần có các chính sách của Chính phủ và điều này cần thời gian vì ngay cả quốc gia nổi tiếng kỷ luật như Nhật để đạt được ngưỡng thu hồi như hiện nay cần mất tới 20 năm.
Việt Nam khá giống với Trung Quốc giai đoạn 1995-2005 khi ngành giấy có nhu cầu nhảy vọt. Trung Quốc không còn cách nào khác là nhập khẩu giấy thải. Nếu năm 2004-2005 quốc gia này nhập 2,6 triệu tấn giấy thì đến năm 2016-2017, con số này là 30 triệu tấn.
Đề giải quyết, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực phát triển nguồn nguyên liệu từ 3 nguồn. Thứ nhất là bột giấy từ gỗ bằng chương trình phát triển về trồng rừng cũng như nhập khẩu mảnh từ nước ngoài. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mảnh sang Trung Quốc lớn nhất.
Thứ 2 là phát triển nguồn bột giấy từ nguyên liệu phi gỗ, từ rơm rạ. Trung Quốc từng có giai đoạn phát triển mạnh, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu bột giấy sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng nguồn này bây giờ đã hết ngưỡng phát triển và chất lượng xơ sợi không đáp ứng được dòng giấy cao cấp. Nguồn thứ 3, cũng là nguồn lớn nhất, là thu gom giấy trong nước và nhập khẩu. Hiện nay, dù hạn chế nhập nhưng Trung Quốc vẫn cấp hạn ngạch cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện. Theo ông Sơn, Việt Nam cần cân nhắc chính sách để tận hưởng nguồn giấy giá rẻ trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến môi trường.