Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ô nhiễm khói bụi có thể khiến hơn 1 triệu người dân Ấn Độ tử vong mỗi năm và thủ đô New Delhi của nước này có chất lượng không khí tồi tệ nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.
Cứ đến tháng 11 hằng năm, các bệnh viện ở New Delhi lại chật cứng bệnh nhân nhập viện do các triệu chứng về hô hấp. Thậm chí, hành lang bệnh viện cũng được trưng dụng làm chỗ nằm cho bệnh nhân do tình trạng quá tải.
Thời tiết mùa Thu mát mẻ hơn có thể “giữ” các chất gây ô nhiễm ở gần mặt đất, khiến nồng độ bụi siêu vi PM 2.5 trong những ngày này tăng gấp 30 lần so giới hạn an toàn.
Một trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất là lúc diễn ra lễ hội Diwali của các tín đồ đạo Hindu, lễ hội truyền thống lớn nhất ở Ấn Độ.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, khói bụi từ việc đốt hàng triệu quả pháo hòa cùng khói xe, khí thải nhà máy, bụi từ công trường xây dựng và khói đốt rơm rạ tạo ra một đám mây khói bụi khổng lồ bao trùm thành phố 20 triệu dân.
Các chỉ số ô nhiễm lúc này thậm chí có thể nhảy vọt lên mức cao không có trên các thiết bị đo đạc khoa học.
Trẻ em, người già và những người mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ tình trạng ô nhiễm khói bụi ở New Delhi, vốn được dự báo sẽ không thuyên giảm cho đến khoảng cuối tháng 2/2019.
Theo báo cáo của WHO công bố cuối tháng 10 vừa qua, tiếp xúc với không khí độc hại là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn trẻ em tử vong mỗi năm.
Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm hơn người lớn vì nhịp thở của các em nhanh hơn, nhiễm các chất độc ở mức gấp 2 lần so với người lớn.
Bác sỹ phẫu thuật phổi ở New Delhi Arvind Kumar cảnh báo một đứa trẻ sinh ra ở New Delhi hít thở không khí ô nhiễm ở mức tương đương hút 20-25 điếu thuốc lá trong ngày đầu tiên ra đời.
Trong nhiều năm qua, bác sỹ Kumar đã không ngừng vận động để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí.
Mới đây, bác sỹ Kumar đã yêu cầu lắp đặt các lá phổi nhân tạo khổng lồ có gắn các bộ lọc để chứng minh tác hại của khói bụi đối với phổi con người.
Theo ông Kumar, nhiều bệnh nhân của ông đã xuất hiện những tổn thương trên phổi do thường xuyên sống trong bầu không khí ô nhiễm ở New Delhi. Thậm chí, những người không hút thuốc lá cũng có lá phổi đen kịt.
Nhiều biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng nhằm cải thiện chất lượng không khí như cấm các hoạt động xây dựng, cắt giảm lưu lượng giao thông và cấm sử dụng dầu dielsel. Tuy nhiên, các biện pháp này không thực sự phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, các chính quyền bang ở Ấn Độ đã từ chối hợp tác giải quyết các vấn đề gốc rễ của cuộc khủng hoảng khói bụi.