UBND tỉnh Cà Mau khẳng định không chấp nhận cho Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau đóng cửa thêm 3 tháng.
Doanh nghiệp cho rằng, không thể mở cửa vì thiết bị chưa nhập về kịp. Xem ra bài toán rác thải tại Cà Mau vẫn chưa giải được. Đại diện nhà máy cho biết, qua thời gian bảo trì 3 tháng, các thiết bị cơ bản đã được nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, hiện còn 2 thiết bị lò đốt rác nhập từ Đức vẫn chưa về kịp nên xin gia hạn thêm 90 ngày nữa để tiếp tục bảo trì.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2014, đến nay, nhà máy thua lỗ gần 130 tỉ đồng. Hiện 30 căn nhà trọ cho công nhân ở và nhiều công trình phụ trợ khác đang xuống cấp nghiêm trọng. Do liên tục thua lỗ, thu không đủ chi nên nhà máy nhiều lần xin UBND tỉnh hỗ trợ đơn giá xử lý từ 350.000 đồng/tấn rác lên 450.000 đồng nhưng chưa được UBND tỉnh đồng ý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Lâm Văn Bi khẳng định, quan điểm của tỉnh không đồng ý cho nhà máy xin gia hạn thêm 3 tháng. Hiện các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý rác. Những chậm trễ trong việc đặt mua thiết bị, DN tự chịu trách nhiệm. Đối với đơn giá hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh đang trình Bộ Xây dựng để điều chỉnh tăng giá từ khung 360.000 – 390.000 đồng/tấn. Trong điều kiện nguồn ngân sách của địa phương hạn chế, chủ đầu tư phải chia sẻ với những khó khăn của tỉnh như đã cam kết.
Sở dĩ Cà Mau không đồng ý cho gia hạn bởi cả tỉnh có duy nhất một nhà máy xử lý rác cho toàn tỉnh. Trước đó, rác được tập kết từ các huyện vào thành phố để đưa đến nhà máy. Nhà máy rác do Cty tư nhân quản lý nên việc đóng cửa bảo trì, báo lỗ là bình thường. Bởi rất khó để ép DN càng hoạt động càng lỗ. Tuy nhiên, nếu không ép thì rác dồn ứ, nhiều nơi đã tràn ra đường, gây bức xúc trong nhân dân. Giải pháp tình thế của Cà Mau là kiểm tra công tác thu gom, xử lý triệt để, không để nước thải, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân. Nói thì dễ, nhưng không đổ rác vào bãi tập trung thì để đâu. Rác ngập ngụa tại bãi rác tạm làm sao không ô nhiễm cho được.
Có một nguyên nhân sâu xa mà ai cũng thấy đó là Cà Mau chỉ có một nhà máy xử lý rác cho nên trở thành “độc quyền”. Đến khi DN kêu khó và đề nghị đóng cửa chính quyền không cho. Mà cửa bây giờ là của doanh nghiệp nên đóng hay mở là quyền của họ. Liệu mở cửa mà không vận hành máy móc, thì rác có được xử lý?