Kè chống sạt lở đê biển theo công nghệ mới

Tỉnh Cà Mau đang triển khai ứng dụng công nghệ mới vào xây kè phòng chống sạt lở đê biển nhằm giảm giá thành đến mức thấp nhất. Ngoài ra, tỉnh còn thí điểm cơ chế xã hội hóa xây kè tạo bãi trồng rừng.

Cà Mau áp dụng công nghệ mới vào xây kè phòng chống sạt lở bờ biển

Tình hình sạt lở đê biển ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung ngày càng phức tạp, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp khiến việc kè chống sạt lở gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, tỉnh Cà Mau đang triển khai ứng dụng công nghệ mới vào xây kè phòng chống sạt lở đê biển nhằm giảm giá thành đến mức thấp nhất. Ngoài ra, tỉnh còn thí điểm cơ chế xã hội hóa xây kè tạo bãi trồng rừng.

Tìm loại kè phù hợp với “túi tiền”

Khu vực Vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã khác nhiều so với những năm trước. Đây từng được xem là điểm nóng sạt lở ở vùng biển Tây tỉnh Cà Mau, khiến cư dân nơm nớp lo âu khi đến mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện tại khu vực này được phủ xanh bởi cây mắm. Những cây mắm mọc tái sinh ken dày từ trong ra đến kè (loại kè ngầm tạo bãi) và chúng như lá chắn bảo vệ đê biển. Cây rừng phát triển trở lại đúng như quy luật tự nhiên vốn có của rừng phòng hộ dọc theo các bãi bồi biển Tây là cây mắm đi trước, cây đước theo sau…

Khi đai rừng phủ xanh, những cư dân sống ven biển an tâm hơn. Dân không còn lo sợ vỡ đê, nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng cũng hồi sinh… Để cây rừng tái sinh và phủ xanh lại như ngày nay không phải là chuyện tự nhiên mà có. Vì khu vực này xung yếu, gần cửa biển nên bị sạt lở nhanh, cường độ sóng lớn, do đó cây mắm không thể tái sinh tự nhiên được. Thực tế, sau khi thất bại với nhiều loại kè như kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè gọ đá…, Chi cục Thủy lợi Cà Mau bỏ công nhiều năm nghiên cứu và đưa ra giải pháp “kè ngầm tạo bãi”.

Qua triển khai thí điểm cho thấy, kè ngầm tạo bãi khắc phục được tình trạng sạt lở bờ biển Tây lẫn biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Phù sa được giữ lại gây bồi lắng, tạo bãi cho cây mắm tái sinh lấn biển, tạo được mặt bằng để trồng khôi phục lại đai rừng phòng hộ ven biển… Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, chia sẻ: “Loại kè mềm rất thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, vì loại kè này vừa cứng vừa mềm. Cứng là cũng có bê tông cốt thép, mềm là cho nước tràn qua những kẽ hở thân kè, nên giảm năng lượng sóng, không chống lại sóng; cho phép nước biển mang phù sa vào bên trong kè gây bồi tự nhiên; sau đó, cây mọc tái sinh và chính nó sẽ bảo vệ đê. Vì vậy, chúng góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Hiện tỉnh đang cải tiến để hạ thấp giá thành hơn nữa”.

Bên cạnh công trình kè ngầm tạo bãi đang mang lại hiệu quả, tỉnh Cà Mau tiếp tục áp dụng công nghệ mới ứng phó sạt lở bờ biển. Hiện tỉnh đang cho triển khai loại kè “cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”. Loại kè này được triển khai tại các đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m khu vực ven biển Kinh Mới – Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời), do Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện.

Đề xuất cơ chế xã hội hóa

Đánh giá về loại kè “cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nói: “Sở dĩ tỉnh chọn giải pháp công nghệ của Busadco bởi vì đơn vị này sử dụng công nghệ làm kè bằng vật liệu bê tông cốt phi kim chống ăn mòn. Công nghệ này phù hợp trong môi trường nước mặn, không sợ bị ăn mòn. Cấu kiện đúc sẵn sẽ khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết trong quá trình thi công. Công nghệ kè này với hệ liên kết lắp ghép đồng bộ, bảo đảm chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn… và thời gian thi công được rút ngắn”. Ông Nam cho biết, khi chọn loại kè này cũng đảm bảo được yếu tố quan trọng là gây bồi, tạo bãi. Vì vậy, khi đê biển được bảo vệ và gây bồi, tạo bãi thì cây rừng sẽ tái sinh, tương đồng với loại kè ngầm tạo bãi mà tỉnh triển khai xây dựng rộng rãi thời gian qua.

Hiện Cà Mau cần nhiều vốn để xây dựng kè bảo vệ. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách của tỉnh khó khăn, sự hỗ trợ từ Trung ương chưa đủ, nên không thể đáp ứng được nhu cầu. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện tỉnh đang áp dụng một số công nghệ kè phù hợp nhằm bảo vệ được bờ biển, gây bồi tạo bãi, trồng lại rừng. Vấn đề quan trọng là giá thành tối ưu nhất…”. Ông Lê Văn Sử cho biết thêm, đã đề xuất Trung ương cơ chế “xã hội hóa” trong việc xây dựng kè đê biển, kè tạo bãi trồng rừng ven biển. Hiện đề xuất của tỉnh đang được bộ, ngành thẩm định để trình Chính phủ…

Nguồn: