Đất lúa năng suất thấp làm sân golf: Lo bị lợi dụng

Sân golf ở Việt Nam không hề ít, vấn đề là hiệu quả của chúng ra sao? Tác động đến môi trường, xã hội như thế nào?

Theo dự thảo Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, đất lúa một vụ năng suất thấp có thể được làm sân golf nếu như đáp ứng điều kiện về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.

Bày tỏ quan điểm trước đề xuất nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần phải thận trọng khi chuyển đất lúa một vụ năng suất thấp sang làm sân golf bởi Việt Nam đã có quá nhiều sân golf, cùng với đó là những nỗi lo về diện tích đất lúa bị suy giảm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của sân golf.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Việt Nam đang hội nhập kinh tế-xã hội sâu rộng, đặc biệt là khi Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là điều kiện để Việt Nam kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

Việc phát triển sân golf cũng sẽ góp phần thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hòa, sân golf ở Việt Nam hiện nay không phải là ít. Dự thảo nghị định Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến có quy định đất lúa 1 vụ năng suất thấp có thể làm sân golf phải đáp ứng các điều kiện theo đúng quy định, tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, dù Việt Nam hiện nay đã đảm bảo được an ninh lương thực, dư thừa để xuất khẩu nhưng nhu cầu của người dân là hướng tới những loại lương thực chất lượng cao, do đó, việc sản xuất lúa vẫn phải xem xét, đảm bảo.

ĐBQH tỏ ra thận trọng trước đề xuất lấy đất lúa 1 vụ năng suất thấp làm sân golf của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh minh họa)

“Sân golf chiếm diện tích đất rất lớn nên phải hết sức thận trọng. Nếu đất lúa một vụ năng suất thấp thì trước hết phải xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đó, chẳng hạn không trồng lúa thì chuyển sang trồng màu, trồng cây ăn trái, cây lâu năm, hay nuôi trồng thủy sản… xem có phù hợp thực tiễn hay không.

Xây dựng sân golf là cần nhưng không phải chỗ nào cũng có, tỉnh nào cũng đua làm sân golf, không phải nhà đầu tư thích làm sân golf chỗ nào thì đòi chuyển đổi đất lúa một vụ năng suất thấp.

Sợ nhất là người ta lại lợi dụng, cứ viện cớ vì đất lúa năng suất thấp, không hiệu quả để lấy đất làm sân golf. Tất cả phải tuân theo quy hoạch”, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của sân golf, vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về khái niệm “đất lúa một vụ năng suất thấp”.

Theo ông, đất lúa năng suất thấp nhưng giá trị có thấp hay không? Thực tế cho thấy có những diện tích đất lúa chỉ trồng 1 vụ, năng suất thấp nhưng lại là loại lúa chất lượng cao, mang lại giá trị cao.

“Yêu cầu trước tiên vẫn phải đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân. Nếu đất trồng lúa không hiệu quả thì chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng. Nếu việc chuyển đổi ấy tiếp tục không mang lại hiệu quả thì lúc ấy mới tính toán, cân nhắc đến chuyện làm sân golf”, vị đại biểu đặt điều kiện.

Cũng chia sẻ quan điểm về đề xuất lấy đất lúa một vụ năng suất thấp làm sân golf của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lưu ý, việc lấy đất lúa làm sân golf trước hết phải tuân thủ quy hoạch về nông nghiệp, đồng thời cơ quan soạn thảo phải có định lượng thế nào là “năng suất thấp”.

Đặc biệt, bà An đề nghị rà soát lại xem đất nước này cần bao nhiêu sân golf.

“Sân golf là cần thiết để thu hút đầu tư, phát triển du lịch nhưng tràn lan sân golf thì không thể chấp nhận được.

Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải rà soát lại những sân golf đã khai thác, đang xây dựng và sắp xây dựng, xem chúng đã đủ với người dân chưa, đủ thu hút đầu tư chưa; bao nhiêu sân golf hoạt động hiệu quả, bao nhiêu sân golf không hiệu quả.

Cuối cùng, phải tính đến tác động của sân golf đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.