Kết thúc phiên chất vấn kéo dài ba ngày, trả lời các đại biểu Quốc hội về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đã có chương trình hành động, các dự án cụ thể, đã bố trí kinh phí thực hiện hơn 12 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Chính phủ sẽ quan tâm mạnh mẽ hơn, ưu tiên phát triển hạ tầng và một số vùng có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người dân, với diện tích khoảng bốn triệu héc-ta, sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một vấn đề lớn, được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Chúng ta cũng đã ban hành các nghị quyết có liên quan về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị tập hợp ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, và đã ban hành “Nghị quyết 120”.
Đã có chính sách nhưng tiến độ triển khai thực hiện còn chậm
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ hằng năm, được bố trí hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, nhưng tình hình nước biển dâng, sạt lở bờ sông, suối, sói lở bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trước tình hình đó, cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), trong đó huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư các dự án mang tính cấp bách ở khu vực này. Ðồng thời yêu cầu việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu sản xuất của vùng cần xác định tính hiệu quả, thị trường để phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.
Qua một năm triển khai thực hiện, mặc dù đã đạt được một số những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về tiến độ triển khai thực hiện còn chậm, trong khi những hệ quả do tác động của BĐKH diễn ra ngày một nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của Quốc hội ngày 26-10, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) thay mặt cử tri bày tỏ mong muốn được thấy những hành động quyết liệt hơn, để kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, trong việc thích ứng với BĐKH tại khu vực ĐBSCL.
Chung quan điểm với đại biểu Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) về tác động tiêu cực của BĐKH tại ĐBSCL, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) dẫn số liệu cho biết, chỉ trong chín tháng đầu năm nay, đã có 64 người chết và mất tích, 42 người bị thương, hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và mất trắng, thiệt hại về vật chất ước tính hơn 8.800 tỷ đồng.
Cũng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, thay mặt cử tri tỉnh Cà Mau, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Chính phủ ưu tiên dành toàn bộ nguồn vốn ODA cho ứng phó với BĐKH. Đồng thời cần bảo đảm sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đầu tư cho xây dựng đê biển, xây dựng kè, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ, chống sạt lở ven biển… để ứng phó với BĐKH.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) cũng đề nghị cần phải giải ngân kịp thời nguồn vốn này để thực hiện ứng phó với BĐKH.
Chủ động huy động các nguồn lực
Tại phiên chất vấn ngày 1-11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) đã nêu lên câu hỏi về tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 120 còn chậm, đồng thời đề nghị đưa ra giải pháp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, vì “sạt lở ở ĐBSCL không chờ khi nào ta có đầy đủ các điều kiện rồi nó mới tác động vào”.
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, trên thực tế, Nghị quyết 120 đang được triển khai, và đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng một chương trình kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, hiện nay, các bộ ngành và các địa phương cũng đã đề xuất các nhiệm vụ, dự án rất cụ thể, trên tinh thần tiếp cận quản lý tổng hợp vùng đối với ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà, dự kiến nguồn vốn có khoảng 12 nghìn tỷ đồng để triển khai kế hoạch này, và đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Song song với quá trình xây dựng chương trình hành động với các dự án, chúng ta hiện đang triển khai dự án của Ngân hàng Thế giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối chủ trì, tập trung vào thí điểm các mô hình sinh kế cho người dân thích ứng với BĐKH. Mặt khác, các dự án liên quan đến các vấn đề về hoàn thiện, các cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản, xây dựng trung tâm tích hợp vùng ĐBSCL về dữ liệu cũng đang được triển khai.
Bộ trưởng TNMT cho biết: Gần đây, Chính phủ đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để giải quyết khắc phục các vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển. Hơn nữa, Quốc hội cũng đã quan tâm và dự kiến sẽ bố trí khoảng 10 nghìn tỷ đồng trong nguồn kinh phí dự trữ để chi cho các hoạt động này. Đối với các cách tiếp cận của chương trình này, cần phải xuất phát từ việc đưa ra quy hoạch tích hợp tổng thể không gian, và từ đó lựa chọn các vấn đề liên vùng để ưu tiên làm trước, sau đó sẽ bố trí kinh phí theo lộ trình được đưa ra trên cơ sở các việc ưu tiên làm trước và làm sau. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng quy hoạch để đưa ra một danh mục rõ ràng những công việc cần làm đối với khu vực ĐBSCL.
Trong phát biểu giải trình trước Quốc hội tại cuối phiên chất vấn ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bên cạnh việc đã ban hành Nghị quyết 120 và tích cực chỉ đạo thực hiện, Chính phủ đã có chương trình hành động cụ thể để phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với BĐKH. Trước mắt, đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết quả cho thấy các sản phẩm như lúa, cá của đồng bằng sông Cửu Long được mùa hơn hẳn mấy năm trước.
Thủ tướng cũng cho biết, đã bố trí nguồn lực để thực hiện. Cụ thể, đã có hơn 12 nghìn tỷ đồng dành cho các chương trình dự án, và mới đây đã bổ sung thêm 2.500 tỷ đồng; đã có 20 dự án tăng trưởng xanh với tổng mức đầu tư hơn 307.000 tỷ đồng tại khu vực ĐBSCL.
Chính phủ sẽ chủ động huy động các nguồn lực khác, chủ động kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện kế hoạch. “Tuy nhiên, do tác động của thiên tai, của BĐKH rất lớn, cho nên trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm mạnh mẽ hơn và tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là những hạ tầng ưu tiên và một số vùng có liên quan để phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với BĐKH” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.