Các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động và đang được xây dựng tại châu Á đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của trái đất.
Đây là khẳng định của Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol trong cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính ngày 31/10 về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Ông Fatih Birol cho biết năm ngoái, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát ra từ các nhà máy nhiệt điện, chiếm khoảng 3/4 tổng lượng khí thải, đã tăng trở lại sau 3 năm duy trì mức ổn định.
IEA dự đoán lượng khí thải này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Báo cáo của IEA cho biết năm ngoái, sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện tăng 4% tại Trung Quốc và 13% tại Ấn Độ.
Đầu tháng 10 này, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã báo động về tình trạng trái đất ấm dần lên, theo đó cho rằng cần phải duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu không muốn xảy ra những biến đổi khí hậu gây hậu quả thảm khốc.
Để có được có hội 50/50 duy trì mức tăng nhiệt độ không quá 1,5% so với mức đặt ra, đến năm 2050, thế giới phải “trung hòa carbon.”
Điều này có nghĩa là khí thải từ các nhà máy nhiệt điện phải được bù lại bằng cách đưa một lượng khí carbon tương đương ra khỏi khí quyển.
Trong khi việc sản xuất điện từ năng lượng gió và Mặt Trời hiện nay trở nên rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện thông thường.
Theo ông Fatih Birol, giải pháp cho vấn đề này sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của IEA trong những cuộc thảo luận sắp tới.