Loại gần 500 thuỷ điện khỏi quy hoạch: Năng lượng vì dân sinh, bảo vệ môi trường

Bộ Công Thương đã đưa ra khỏi quy hoạch là 474 dự án thủy điệnnhỏ và vừa do không đáp ứng được các tiêu chí để phát triển thủy lợi nhỏ và vừa, gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh.

1km 3 nhà máy thủy điện

Báo cáo được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gửi Quốc hội cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 474 dự án thủy điện và 213 địa điểm tiềm năng có ảnh hưởng lớn đến môi trường – xã hội. Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đang xem xét kỹ các chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường – xã hội đối với các dự án thủy điện để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện.

Hàng trăm dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số tỉnh thường xuyên đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch thuần tuý dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thuỷ điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.

Tại phiên chất vấn ngày 30/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đã đặt ra câu hỏi hiện nay trên lưu vực sông Cả của địa bàn Nghệ An đi qua 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông có đến 20 nhà máy thủy điện. Cá biệt, 1 km có 3 nhà máy thủy điện và có những đập trữ nước thủy điện ngay bên đất của bản.

Từ đó, đại biểu Cầu cho biết, cử tri Nghệ An kiến nghị dừng 6 nhà máy đang quy hoạch, nếu không hậu quả sẽ rất lớn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương cho hay: Ngay trong năm 2014 tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát và đưa ra khỏi danh sách các thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn của tỉnh căn cứ theo nội dung thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương có 23 dự án, như vậy tổng số hiện nay trên địa bàn của tỉnh Nghệ An còn 42 dự án. Trong đó có 6 dự án trên sông Cả, đó là Nậm Pu, Nậm Hạt, Môn Sơn, v.v… cũng đã được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ vừa ở Nghệ An.

“Trên toàn quốc chúng ta đã đưa ra khỏi những quy hoạch này là 474 dự án thủy điện nhỏ và vừa do không đáp ứng được các tiêu chí để phát triển thủy lợi nhỏ và vừa, gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh của chúng ta”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Nhiều dự án thủy điện đóng vai trò giảm lũ.

Băn khoăn thủy điện xả lũ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hầu hết các đơn vị quản lý vận hành đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. Trong đợt lũ năm 2016 ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, với các biện pháp điều hành của địa phương các nhà máy thủy điện xả lũ tuy không cắt được lũ nhưng đã tạo điều kiện để giảm đỉnh lũ, thậm chí thay đổi thời điểm đạt đỉnh lũ ở hạ du ở lưu vực sông Ba.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại trong thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện. Chẳng hạn việc quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ trong quy trình vận hành phải linh hoạt và khả thi, quy định thời gian thông báo trước quá dài sẽ không chính xác, gây hoang mang, mất niềm tin và tốn kém cho nhân dân vùng hạ du nếu lũ không xảy ra như dự báo; ngược lại, nếu quá ngắn sẽ mất an toàn cho vùng hạ du…

Thủy điện xả lũ cũng là một kiến nghị khác của cử tri Nghệ An cũng được ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu gửi đến Bộ trưởng Công Thương. Đó là hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại cho dân, cử tri yêu cầu phải đền cho dân.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho biết: Mùa mưa lũ năm 2018 là một mùa có thể nói là lịch sử với liên tục 4 cơn lũ xảy ra liên tiếp, trong đó có 2 trận lũ tương đương tần suất của 2%, tức là trung bình cứ 50 năm mới xảy ra một lần. Lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ là tương đối cao, rất cao và có thể nói là lịch sử bởi vì nó đạt đến tới 1.321 m3/s. Bình thường, tháng 8 tần suất thường chỉ có 594 m3/s. Việc xảy ra 4 trận lũ liên tiếp, 3 trận lũ đầu thủy điện Bản Vẽ cũng đã thực hiện tốt hoạt động xả lũ theo quy trình của 2025, tức là quy trình về xả lũ. Nhưng khả năng cắt lũ thì không thể kéo dài được nữa và đến trận lũ thứ 4 gần như là trận lũ nguy hiểm, nó bổ sung dẫn đến khả năng cắt lũ của thủy điện Bản Vẽ không còn nữa. Trận lũ này làm cho mức 3 tỷ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ Bản Vẽ.

“Vì vậy, việc thủy điện Bản Vẽ không còn khả năng cắt giảm lũ cho hạ du trong trận lũ cuối cùng là điều không thể tránh được”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Ông Trần Tuấn Anh cho hay thủy điện Bản Vẽ đã hỗ trợ nhân dân của những vùng ảnh hưởng lũ lụt thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An là 100 triệu đồng, tập đoàn điện lực đã hỗ trợ xây dựng hơn 500 triệu đồng trong các đợt khác nhau cũng như hỗ trợ cho từng người dân trong mùa lũ.

Tranh luận lại, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho rằng có những lúc xả lũ cao trình đã vượt mức đền bù đến 11m thì thiệt hại vô cùng. Dân miền núi nói họ gắn bó với rừng, mất rừng thì rừng vẫn còn tái sinh được, xả lũ mất đất là mất vĩnh viễn cho nên ông Cầu đề nghị Bộ trưởng Công Thương quan tâm thêm vấn đề này.

Nguồn: