Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, với thời gian kéo dài trong 3 ngày liên tiếp. Trong đó, các ĐBQH cũng đã thẳng thắn hỏi Bộ trưởng TN&MT về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
Từ ngày 30/10-1/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Trong khuôn khổ phiên chất vấn sáng nay, nhiều ĐBQH quan tâm đặc biệt đến vấn đề xử lý môi trường.
Theo đó, ĐBQH Trần Tất Thế (Hà Nam) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà về ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy. Theo đó, vấn đề này từ kỳ họp thứ 3 ĐBQH Trần Tất Thế đã chất vấn. Trong kỳ họp này, ĐBQH lại nêu Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý thế nào? Có khắc phục được không? Bao giờ thì khắc phục? Bộ trưởng từng trả lời sau 5 năm sẽ khắc phục nhưng đến nay chưa khắc phục được, lý do vì sao?
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Trần Tất Thế, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Thời gian sau 5 năm mà tôi nói là có những điều kiện kèm theo. Để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt là sông liên tỉnh, quan điểm của Bộ là phải xử lý tại nguồn”.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Nội đã có đề án tổng thể về xử lý các dòng sông như ĐBQH nêu, nhưng cơ chế phối hợp chưa được tốt, chưa bố trí được nguồn lực, công nghệ cũng chưa tốt. Chưa bố trí được nguồn lực và xác định dùng công nghệ nào để xử lý với nước thải sinh hoạt.
Cùng với đó, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra: “Thực tế, hiện nay có vướng mắc như nhiều doanh nghiệp muốn tham gia nhưng gặp trở ngại bởi quy trình, thủ tục.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong đầu tư hạ tầng và xem xét cơ chế tính chi phí xử lý, trong đó có Nhà nước, người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, bên cạnh mô hình đang có là Ban chỉ đạo về bảo vệ môi trường lưu vực, các địa phương cần xử lý, bố trí nguồn thải cần gắn với trách nhiệm cụ thể của địa phương và tiến hành xã hội hoá”.
Tiếp đó, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đặt câu hỏi Bộ trưởng TN&MT về vấn đề giải quyết làng nghề ô nhiễm?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Đến nay đã nhận diện được làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề ô nhiễm này gây bức xúc nhiều trong nhân dân.
Đối với các khu công nghiệp, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu về xử lý nước thải tập trung. Trên 80% khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống hạ tầng và trên 10% các khu đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Các khu công nghiệp đã có bước tiến đáng kể về cải thiện môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải ở khu công nghiệp có những bước tiến đáng kể, còn cụm công nghiệp là vấn đề hết sức nan giải.
Do nguồn nhân lực và đầu tư còn hạn chế, tỷ lệ đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải tập trung đang đặt ra nhiều vấn đề”.
Cùng với đó, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng nêu việc Chính phủ ban hành 4 nghị định, quy định quyền hạn, trách nhiệm, nội dung kiểm soát vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp và làng nghề. Tất cả các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều phải tuân thủ quy định về môi trường và gắn trách nhiệm bộ, ngành với địa phương để chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường.
Từ đó, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà hứa, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ, vấn đề ô nhiễm các khu công nghiệp cũ hoặc mới đều được giải quyết.