Các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất phải chi trả chi phí xử lý chất thải.
Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần nhằm hạn chế rác thải đổ ra đại dương. Theo dự luật, 10 sản phẩm sẽ bị cấm vào năm 2021 và các nước Liên minh châu Âu (EU) buộc phải tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025.
Chiến thắng áp đảo
Danh sách sản phẩm bị cấm bao gồm bao bì đựng thức ăn nhanh làm bằng nhựa polystyrene, ống hút, tăm bông, dao nhựa… Hiện chiếm hơn 70% lượng rác thải hiện diện ở đại dương, những sản phẩm này vốn có thể thay thế bằng các mặt hàng có sẵn khác – theo trang The Independent (Anh).
Sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật hôm 24-10 với kết quả 571 phiếu thuận và 53 phiếu chống, bà Frederique Ries, thành viên Nghị viện châu Âu và cũng là người đề xuất dự luật nói trên, viết trên mạng Twitter rằng: “Đây là chiến thắng cho đại dương, môi trường của chúng ta và các thế hệ tương lai”. Bà Ries cho biết: “Điều quan trọng là bảo vệ môi trường biển và giảm chi phí thiệt hại do ô nhiễm nhựa gây ra ở châu Âu, ước tính ở mức 25 tỉ USD vào năm 2030”.
Dự luật được đưa ra lần đầu hồi tháng 5 sau khi làn sóng phản đối đồ nhựa dùng một lần lan rộng trên thế giới. Để được thông qua thành luật, dự luật này phải được các nước thành viên phê chuẩn – quá trình dự kiến bắt đầu vào tháng 11 tới.
Cũng trong một loạt đề xuất được đưa ra, Nghị viện châu Âu lên kế hoạch buộc các công ty có trách nhiệm với lượng rác thải nhựa của họ. Ngoài ra, các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất sẽ phải chi trả chi phí xử lý chất thải. Các nhà hoạt động về môi trường chỉ trích các công ty giải khát như Coca-Cola, Pepsi và Nestlé sản xuất ra một lượng lớn chai nhựa nhưng không nỗ lực xử lý tình trạng ô nhiễm.
Chưa hết, các nước EU cũng phải giảm tiêu thụ một số sản phẩm nhựa hiện chưa thể được thay thế, như các loại hộp đựng thực phẩm dùng một lần, ít nhất 25% vào năm 2025.
Rác nhiều hơn cá
Theo dự luật mới, các quốc gia thành viên phải bảo đảm việc các công ty thuốc lá chi trả chi phí thu gom và xử lý đầu lọc nhằm giảm 80% số đầu lọc trong môi trường trong 12 năm tới. Những công ty bán dụng cụ câu cá cũng bị “điểm mặt” với mục tiêu thu thập ít nhất 50% dụng cụ bắt cá chứa nhựa bị vứt bỏ mỗi năm. Theo The Independent, dụng cụ đánh cá chiếm hơn 1/4 rác thải được phát hiện ở các bãi biển châu Âu và những lưới cá trôi dạt trong đại dương bị cho là đã khiến hàng ngàn cá voi, hải cẩu và chim chết mỗi năm.
Các mảnh nhựa có mặt ở khắp nơi, từ vùng biển Bắc Cực đến phân bón cho đất nông nghiệp. Động vật nhỏ như sinh vật phù du cho đến những loài lớn như cá voi đều ăn phải các mảnh nhựa này. Khi mảnh nhựa nhỏ xâm nhập vào chuỗi thức ăn, chúng đi vào cơ thể con người.
Theo đài CNN, Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa lẫn trong các vùng biển trên thế giới. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science (Mỹ) hồi năm 2015, có từ 5-13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Dự kiến số lượng rác thải nhựa trên tất cả đại dương thế giới nặng hơn tổng số cá ở biển vào năm 2050 nếu các nhà hoạch định chính sách, cá nhân và công ty không hành động nhanh chóng.
Malaysia lo trở thành nơi hứng rác
Hòn đảo Pulau Indah đang là “nạn nhân” bất đắc dĩ của các nhà máy tái chế rác thải nhựa bất hợp pháp xuất hiện những tháng gần đây khi Malaysia trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà xuất khẩu rác thải nhựa khắp thế giới. Một phần lý do là lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc vào đầu năm đến nay đã làm xáo trộn dòng chảy của hơn 7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Theo Reuters, Malaysia đã nhập gần nửa triệu tấn rác thải nhựa từ 10 quốc gia xuất khẩu rác nhiều nhất thế giới trong 7 tháng đầu năm nay. Hàng chục nhà máy đã mọc lên để xử lý số chất thải này, trong đó có nhiều cơ sở trái phép, sử dụng công nghệ lạc hậu và phương pháp gây hại đến môi trường. Phát biểu trước quốc hội hồi tuần trước, bà Yeo Bee Yin – Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường của Malaysia – ước tính ngành công nghiệp tái chế nhựa sẽ giúp thu về 840 triệu USD trong năm nay nhưng bà không muốn nước mình trở thành “thùng rác” của các nước phát triển. |