5000 ha đất lâm nghiệp bị mất, cùng hàng trăm ha rừng bị phá trắng không phải con số cuối cùng…
Hiện, tỉnh Gia Lai có 22 ban quản lý rừng phòng hộ, được giao chăm sóc, bảo vệ tổng số gần 330.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, chỉ qua thanh tra 4 đơn vị trong số này, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện hàng nghìn ha đã bị xâm lấn làm nương rẫy, hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cháy, bị phá trắng. Nhiều chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn, không báo cáo cơ quan có thẩm quyền, thậm chí không hay biết.
Anh Ksor Thẹo là một trong nhiều hộ dân làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai xâm lấn rừng phòng hộ thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai để làm rẫy. Anh Thẹo cho biết, mình chỉ cần giấu diếm khi chặt cây, phát cỏ. Còn khi đã xuống giống, trồng điều, thì anh không còn lo bị thu hồi.
“Mình chặt cây rừng bằng dao, những cây nhỏ nhỏ thôi, không có cây to. Người ta phát trước rồi, không trồng gì, mình vào phát lại trồng lúa. Phát ban đêm, ban ngày đốt. Trồng lúa vụ đầu xong trồng điều. Mấy cán bộ vào thì mình nói chuyện với họ. Họ la thì kệ họ thôi”, anh Ksor Thẹo nói.
Tình trạng phá rừng phòng hộ lấy đất canh tác cũng xảy ra phổ biến ở một số lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa. Trong đó, 39 hộ dân với hơn trăm nhân khẩu, đã lập làng, sinh sống ổn định trên đỉnh núi Cheng Leng, tiểu khu 1064.
Cùng với đó, nhiều hộ dân người Kinh từ thị trấn Phú Thiện cũng đưa máy móc đến cưa, chặt cây, phun thuốc diệt cây cỏ rừng để mở rộng hàng chục ha đất trồng mía, sắn, bắp.
Con đường mòn lên xuống núi Cheng Leng rộng chừng 4 mét đủ cho xe máy kéo chuyên chở nông sản mỗi mùa. Thế nhưng, theo ông Rơ Mah Jem, trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, ban không nắm được diễn biến này, nên vẫn chi trả tiền giao khoán và dịch vụ môi trường rừng đều đặn trong nhiều năm liền cho diện tích rừng đã bị “xóa sổ”
Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp từ 2014 đến giữa năm 2018 tại 4 ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, Ya Hội, Bắc Biển Hồ và Ia Grai, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện cả 4 đơn vị này đều để xảy ra tình trạng mất rừng, mất đất, tổng diện tích tới hơn 5000 ha.
Thanh tra tỉnh cũng chỉ rõ, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê là đơn vị để mất nhiều nhất, tới 1.266,6 ha đất và rừng, tương đương với 86,3% diện tích rừng được giao bảo vệ, quản lý. Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội để người dân xâm canh 882 ha trong tổng số gần 1.300 ha, tương đương hơn 68% diện tích được giao. Hầu hết diện tích này đã bị biến thành nương rẫy trồng cây công nghiệp dài ngày. Thậm chí, một diện tích không hề nhỏ đã được “phù phép” làm sổ đỏ đất thổ cư, xây dựng nhà cửa, hạ tầng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc điều tra diễn biến mất đất, mất rừng tại các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn.
“Cái này thì phải nói rằng, qua nhiều thế hệ quản lý, quá trình lấn chiếm thì không xử lý ngay. 6 đơn vị này hiện nay đang giao cho Công an tỉnh điều tra để làm rõ thì lúc đó mới xử được. Bây giờ còn chưa rõ, chưa kết luận được thì tỉnh cũng rất khó. Vì nó rất phức tạp, qua nhiều năm quản lý của các chủ rừng, quy tội cũng rất khó. Nhưng mà chúng tôi cũng đang chỉ đạo làm nhanh công tác này”, ông Kpă Thuyên nói.
5000 ha đất lâm nghiệp bị mất, cùng hàng trăm ha rừng bị phá trắng không phải con số cuối cùng khi mà 18 ban quản lý rừng phòng hộ còn lại của địa phương chưa bị thanh, kiểm tra. Và những con số báo động này đòi hỏi tỉnh Gia Lai cần có những giải pháp mạnh mẽ.