Trung Quốc hiện đã trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo, cung cấp hơn 2/3 tấm pin Mặt trời và 1/2 turbin gió của thế giới.
Chính sách khủng
Trong khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với tuyên bố hiệp định này nguy hại đến nền kinh tế Mỹ, thì Trung Quốc lại đầu tư hàng trăm tỉ USD và tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh, theo CNN.
Thực vậy, từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo.
Để phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, năm 2006 Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Sau đó, nhiều chính sách và kế hoạch ở cấp quốc gia và địa phương đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Mặc dù than đá vẫn chiếm phần chủ yếu trong tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc, song chính quyền đang nỗ lực đóng cửa các mỏ than và đặt ra những hạn chế mới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tháng 1.2017, lần đầu tiên trong lịch sử Ủy ban Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu bắt buộc trong việc giảm lượng than tiêu thụ.
Cơ quan này cũng đặt mục tiêu tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng của nước này vào năm 2020 và giảm tỉ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.
Thực tế, theo Economist, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ vào trợ cấp. Giá mua vào cao cộng thêm ưu đãi tài chính cho việc lắp đặt đã giúp Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2010. Người Đức hướng sang Trung Quốc vì đây là nguồn cung cấp những tấm pin năng lượng mặt trời tinh thể silic giá rẻ, đặc biệt do đất đai và các khoản vay được bao cấp nên các nhà sản xuất non trẻ của năng lượng mặt trời đã phá giá pin trước các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu và Mỹ.
Tham vọng lớn
Bên cạnh thúc đẩy các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, để đạt mục tiêu cho năm 2030, Trung Quốc còn tập trung đầu tư phát triển các công nghệ, sản phẩm năng lượng tái tạo và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới.
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về năng lượng tái tạo, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo trong nước với mức đầu tư 102 tỷ USD năm 2015, cao gấp đôi số vốn đầu tư trong nước của Mỹ, gấp 5 lần của Anh và khoảng 36% toàn thế giới. Tháng 1.2017, Trung Quốc cam kết tiếp tục đầu tư 2.500 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 367 tỉ USD) vào các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2020.
Không dừng lại ở các khoản đầu tư trong nước, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Theo Bloomberg, năm 2016, Trung Quốc đã thông qua 13 dự án đầu tư nước ngoài trị giá hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 dự án đầu tư tại Australia, 2 dự án tại Đức, 2 tại Brazil và các giao dịch ở Chile, Indonesia, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.
Nếu như trước kia Đức tự hào là nước tiên phong tạo ra thị trường pin năng lượng mặt trời thì nay “miếng bánh” đang thuộc về Trung Quốc. Sự đổi ngôi này khiến nhiều người dân, đặc biệt tại các nước phương Tây, không còn mặn mà với sản phẩm nội địa dù được hưởng mức trợ giá từ chính phủ.
Nói cho cùng, với 2/3 sản lượng pin năng lượng mặt trời trên thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nửa lượng pin năng lượng mặt trời mới, thì như New York Times bình luận: “Việc Trung Quốc kiểm soát thị trường này là điều hoàn toàn dễ hiểu”. Còn theo xếp hạng các thị trường đầu tư năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất thế giới 2018 của hãng kiểm toán Ernst & Young, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí số 1 năm thứ ba liên tiếp.