Thực phẩm Organic “bùng nổ” tại Việt Nam

Thực phẩm Organic hiện đang là xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Organic hiện đang là xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


Thực phẩm bẩn, thực phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh cao là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc, nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Trước vấn nạn đó, thực phẩm Organic hiện đang là xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Organic lên ngôi

Theo Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ năm 2017 của AC Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm Organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon.

Theo các nghiên cứu về thực phẩm hữu cơ, trong trái cây và rau hữu cơ có chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin hơn sản phẩm thông thường, có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự hủy hoại tế bào. Sữa và thịt hữu cơ thì có nhiều axit béo thiết yếu hơn, kèm theo là các chất dinh dưỡng quan trọng khác so với sản phẩm truyền thống. Với sản phẩm đường thì loại đường Organic được sản xuất từ nguồn nguyên liệu mía chất lượng cao, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, cũng như không làm biến đổi hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thể con người, đồng thời lưu giữ đầy đủ hương vị tự nhiên của mật mía.

Nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao sẽ tỷ lệ thuận với việc phải có nguồn cung để đáp ứng. Theo đó, đón đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia trong lĩnh vực này. Có thể kể đến một số doanh nghiệp tên tuổi, như: Vinamilk, TH True Milk, Vinamit, TTC Sugar…

Tiêu dùng thông minh với thực phẩm Organic “chính hiệu”

Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện tình trạng nhiều sản phẩm hữu cơ sản xuất tràn lan, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã gây “nhiễu loạn” tâm lý người tiêu dùng và cũng dễ dàng tìm thấy những sản phẩm gắn nhãn mác Organic tại tất cả các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu của các tập đoàn đã có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế thì vẫn còn tồn tại vô vàn các mặt hàng hữu cơ “tự phong”, không ghi rõ cơ quan hay tổ chức nào chứng nhận trên bao bì đóng gói, điều này dẫn đến việc chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Như vậy, muốn lựa chọn được thực phẩm Organic “chính hiệu”, an toàn sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý đến nguồn gốc và chứng nhận của sản phẩm. Về chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn Organic thì tiêu biểu có thể kể đến là chứng nhận USDA Organic cho thị trường Mỹ và EU Organic dành cho thị trường châu Âu. Hai chứng nhận này đều được cấp bởi tổ chức quốc tế Control Union.

Để được cấp 2 chứng nhận này, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe trong toàn bộ quy trình, bao gồm: chất lượng đất trồng, nước tưới, quy trình kiểm soát sâu bệnh, tập quán chăn nuôi – trồng trọt và các quy tắc về phụ gia thực phẩm, không dùng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, công nghệ sinh học và phóng xạ hóa học…

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) còn đặt ra quy định nghiêm ngặt cho việc dán nhãn nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết chính xác chất liệu hữu cơ có trong sản phẩm, cụ thể: Nhãn “100% Organic” – nghĩa là thực phẩm không chứa bất cứ thành phần chất thêm nào; Nhãn “Organic” – nghĩa là thực phẩm có trên 95% chất Organic; Nhãn “Made with Organic ingredients” – nghĩa là món hàng có ít nhất 70% thành phần hữu cơ; Nhãn “Some Organic ingredients” – nghĩa là có dưới 70% thành phần hữu cơ.

Chất lượng tỷ lệ thuận với giá thành

Bảng giá thực phẩm thông thường và thực phẩm Organic trên thị trường hiện nay; Nguồn: Tổng hợp

Dùng thực phẩm Organic rõ ràng đang là tín hiệu tốt để thị trường sản phẩm hữu cơ chiếm vị thế, tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn, rào cản về kỹ thuật, quy trình canh tác, tâm lý của người nông dân, chi phí sản xuất… Qua các khảo sát thị trường, để sử dụng thực phẩm Organic, người tiêu dùng phải trả số tiền cao hơn gấp 3 – 5 lần so với thực phẩm thông thường. Tuy vậy, để được sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chuẩn Organic thì người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để đổi lại sự an tâm về sức khỏe cho bản và gia đình. Đó cũng sẽ là xu hướng và là thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam trong những năm tiếp theo.