Đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “tiếng chim, tiếng thú im lặng”.
WWF nhận định hiện tượng ngày càng ít tiếng chim, thú đang xảy ra ở các khu rừng nguyên sinh và khu bảo tồn trải dài khắp Việt Nam. Pháp luật Việt Nam xử lý rất nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển thú rừng, động vật hoang dã nhưng tình trạng săn bắt vẫn diễn ra và tại các nhà hàng, thực khách vẫn “cần là có”.
Săn thú bằng… mìn
Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk) rộng hơn 115.000 ha, trong đó hơn một nửa mang hệ sinh thái rừng khộp với nhiều loài động vật quý hiếm. Trước đây, khu vực này là nơi trú ngụ của một số loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như: bò xám, mang lớn, nai cà tông, voi châu Á, hổ, sói đỏ…
Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp bảo tồn nhưng vẫn phải đối mặt với nạn săn bắt, bẫy thú, xâm lấn đất rừng khiến chim muông, thú rừng ngày một vơi đi, nhiều loại không còn xuất hiện. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, hàng chục con voi rừng chết do săn bắn hoặc không rõ nguyên nhân trên lâm phần của VQG Yók Đôn. Trong đó, vào cuối năm 2012, dư luận bàng hoàng khi phát hiện cùng một lúc 2 con voi rừng bị giết chết tại tiểu khu 257, thuộc lâm phần VQG Yók Đôn để lấy ngà. Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, cho biết tình trạng săn bắt thú rừng vẫn diễn biến phức tạp; từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của vườn đã mật phục, vây bắt hàng chục đối tượng vào rừng để săn bắn động vật trái phép. Điển hình, tháng 4-2018, trong lúc tuần tra, lực lượng kiểm lâm VQG Yók Đôn đã bắt giữ 2 đối tượng đang xẻ thịt 1 con mang rừng nặng 10 kg.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin (Đắk Lắk), cho biết xung quanh rừng hiện có nhiều làng tập trung, chủ yếu là người H’Mông. Họ rất giỏi săn bắn và chế tạo súng. Đặc biệt, họ dưỡng được giống chó săn không to lớn nhưng ngửi mùi rất thính, nghe lời chủ và săn thú rất điệu nghệ. Lực lượng kiểm lâm của vườn đã nhiều lần phát hiện các đối tượng là người H’Mông mang súng, chó săn vào rừng. Trong đó, có 2 vụ khi bị phát hiện, các đối tượng đã bắn kiểm lâm khiến 2 người bị thương nặng.
VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ An) hiện có nhiều loài thú rất quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: voi, hổ, sao la, voọc chà vá chân nâu, trĩ sao, niệng cổ hung… Dù UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ động vật hoang dã tại VQG Pù Mát nhưng nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của các loại động vật hoang dã tại đây là rất lớn. Nguyên nhân là do môi trường sống biến đổi, nạn mua bán động vật và tình trạng đặt bẫy, săn bắn vẫn diễn ra phức tạp khiến suy giảm số lượng cá thể một số loài.
Điển hình, theo báo cáo đánh giá hiện trạng voi châu Á tại VQG Pù Mát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, từ năm 1995 đến nay, đã có hàng chục con voi ở Nghệ An bị bắn hoặc giết bằng mìn. Năm 1996, người dân vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn đã đặt mìn giết 3 con voi khi chúng về tàn phá hoa màu, nhà dân. Ít năm sau đó, cũng gần khu vực rừng Cao Vều, cơ quan chức năng phát hiện 2 con voi đực bị giết để lấy ngà. Tháng 3-2011, một con voi đực trưởng thành đã bị kẻ xấu sát hại để lấy ngà tại vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn…
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát, nhận định đàn voi ở VQG Pù Mát hiện chỉ còn 12 cá thể, trong đó một số con đực ngà dài có nguy cơ bị giết hại nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt. Một số loài đặc biệt quý hiếm như sao la, kể từ bức hình ghi lại do bẫy ảnh vào năm 2000, đến nay không ghi nhận được bằng hình ảnh sự xuất hiện của loài này.
Bẫy chim quý làm mồi nhậu
Đại diện Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) thừa nhận thường xuyên truy đuổi nhiều người xâm nhập khu vực để săn, bắt động vật quý hiếm. Tuy nhiên, phương tiện của đơn vị không thể đuổi kịp phương tiện của kẻ trộm. Mỗi lần kiểm tra hoạt động tại chợ nông sản Thạnh Hóa (Long An, cách khu bảo tồn vài chục km) lại phát hiện có những động vật sinh sống trong khu bảo tồn. Mới đây, lực lượng chức năng đã tịch thu 95 con rắn nước, 12 con rắn sọc dưa, 6 con gà nước vằn, 13 con rùa ba gờ, 84 con rắn bù lịch và 48 con rắn bông súng…
Cũng theo vị này, mới đây, qua mạng xã hội, đơn vị phát hiện một người đàn ông đăng tải hình ảnh khoe bắn được những con chim điên điển (chim cổ rắn – loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam) ngay tại vùng giáp ranh với khu bảo tồn. Sau đó, người này còn nêu chiến tích sẽ mang chúng làm mồi nhậu và vụ việc được cấp báo, yêu cầu công an xác minh, xử lý hình sự.
Gần đây, nhiều người dân và du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng cũng phát hiện có nhiều đối tượng đến đây gài bẫy săn bắt thú rừng và bẫy các loại chim quý. Theo đó, người dân đã chụp lại hình ảnh nhiều đối tượng mang bẫy thú, chim lên bán đảo Sơn Trà để săn bắt. Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho hay từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tổ chức truy quét rất nhiều đợt, thu hàng trăm dây cáp cùng nhiều lồng, kẹp sắt để bẫy thú rừng.
Lãnh đạo Phòng 3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an, cho biết các đường dây săn bắt thú rừng thường xuyên trang bị các công cụ hỗ trợ và sẵn sàng tấn công khi bị phát hiện. “Khi vận chuyển, chúng ngụy trang và đưa các phương tiện không thể nghĩ đến như: xe cứu thương, xe quân đội biển số giả…” – vị này thông tin.
Xét xử vụ bắn 4 con voọc chà vá chân đen
Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, trong vài ngày tới, TAND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) sẽ đưa ra xét xử vụ săn bắt động vật quý hiếm. Trước đó, ngày 12-6, đối tượng Lý Văn Sùng (ngụ xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã vào VQG Chư Yang Sin để săn bắn động vật. Tại đây, Sùng phát hiện 2 đàn voọc chà vá chân đen và dùng súng tự chế bắn chết 4 con, sau đó sấy khô mang về tiêu thụ. Trên đường về nhà đi qua khu vực rừng ở tiểu khu 1195 (VQG Chư Yang Sin), Sùng bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ. “Chà vá chân đen thuộc nhóm IB, là loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Bất kỳ hình thức khai thác thương mại nào đều bị nghiêm cấm, các công trình với mục tiêu nghiên cứu khoa học và bảo tồn yêu cầu phải có giấy phép” – ông Nghĩa cho biết thêm. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-10
Kỳ cuối: Mạnh tay với nạn săn bắt, tiêu thụ