Hà Nội chính thức thanh tra toàn diện sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn

Ngày 22/10, Thanh tra TP Hà Nội chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí, Sóc Sơn

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Thanh tra TP Hà Nội) làm trưởng đoàn đến huyện Sóc Sơn công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Một phần đất hồ Đồng Đò bị san lấp lấn chiếm. (Ảnh: Zing)

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn làm rõ quá trình thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ đã được công bố từ năm 2006. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày, bắt đầu từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Trước đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Theo UBND TP Hà Nội, những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ, kiến nghị xử lý trước đó. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn, các sở, ngành chậm, chưa triệt để và tiếp tục xảy ra các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh… Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này, gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn mọc lên; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất.

Trong hơn 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), trên địa bàn thôn Minh Tân, xã Minh Trí, lực lượng chức năng kiểm tra 28 trường hợp xây dựng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 12 trường hợp “tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. 16 trường hợp còn lại được chính quyền huyện báo cáo “đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định”.

Nguồn: