Thương mại hóa nông nghiệp giúp gia tăng lợi nhuận ở khu vực Nam Á – nơi vẫn bị bủa vây bởi đói nghèo và nạn suy dinh dưỡng trẻ em – nhưng liệu ích lợi ngắn hạn có thể che giấu những rủi ro dài lâu? Bài viết của tác giả Lipy Adhikari thuộc Trung tâm Quốc tế về Phát triển hội nhập miền núi (ICIMOD) sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này.
Đói nghèo là vấn đề toàn cầu và là có đến hai Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc đề cập đến điều này – không nghèo đói và không đói . Theo FAO, khoảng 815 triệu người trên thế giới đang thiếu thực phẩm cần thiết để có một cuộc sống lành mạnh. Trong đó, châu Á có số lượng người đói nhiều nhất, chiếm tới gần 2/3 số dân và 35% trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Á bị còi cọc do suy dinh dưỡng và vệ sinh kém.
Mất mát về đa dạng sinh học
Mặc dù nông nghiệp đóng góp đáng kể vào GDP của nhiều nước đang phát triển ở châu Á, song khoảng cách giữa cung và cầu lương thực đang ngày càng bị đẩy xa. Các yếu tố chính dẫn tới tình trạng này là do sự suy giảm dân số ở vùng núi và nông thôn, sự thay đổi hệ thống canh tác, sử dụng đất, môi trường bị suy thoái khiến đất đai xói mòn và bạc màu, đất nông nghiệp bị bỏ hoang và tầng lớp thanh thiếu niên không thích làm nông nghiệp mà chạy theo các cơ hội phi nông nghiệp mang lại thu nhập cao hơn.
Với nguồn đất đai màu mỡ hạn chế, châu Á đang gặp khó khăn trong việc nuôi sống lực lượng dân số ngày càng hùng hậu. Đáp lại, chính sách nông nghiệp ở một số nước đã được sửa đổi theo hướng tối đa hóa lợi nhuận, đơn cử như Chiến lược phát triển nông nghiệp mới của Nepal ban hành năm 2013 nhấn mạnh sự chuyển đổi từ canh tác sinh kế sang canh tác thương mại. Nhiều nước đang phát triển khác cũng áp dụng tương tự.
Tác động lớn nhất của các chính sách này là tới đa dạng sinh học mặc dù đa dạng sinh học là chìa khóa cho an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu. Xu hướng mới đã hạn chế hàng loạt các mặt hàng nông nghiệp truyền thống và tập trung vào những mặt hàng có giá trị thương mại. Do các loại nông sản thương mại có giá trị cao nên nông dân đã thay thế hàng loạt các giống cây trồng bản địa vốn rất đặc trưng về mặt dinh dưỡng nhưng không có nhiều giá trị thương mại. Các loài gia súc bản địa cũng đang được thay thế bằng giống lai và giống ngoại lai. Tất cả điều này có nghĩa là an ninh dinh dưỡng về lâu dài và đa dạng sinh học đang bị hy sinh vì lợi ích tài chính ngắn hạn.
Sử dụng thuốc trừ sâu tăng nhanh
Việc tập trung vào cây trồng và năng suất cũng đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu toàn cầu hiện nay có giá trị khoảng 70 tỷ USD và dự kiến đạt 90,1 tỷ USD vào năm 2022. Theo Crop Life Foundation, một nửa các cánh đồng ở châu Phi không thể trồng cấy được vì cỏ dại. Cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang gia tăng dịch hại và sâu bệnh, do đó, càng khuyến khích nông dân sử dụng hóa chất nhiều hơn.
Trung Quốc đứng đầu danh sách những nước sử dụng thuốc trừ sâu trong năm 2013 với mức tiêu thụ hàng năm 1,8 triệu tấn, Ấn Độ xếp vị trí thứ mười với 40.000 tấn. Cả hai đều là quốc gia đông dân cư và đầu tư tối đa hóa cho sản xuất nông nghiệp.
Cái giá của thương mại hóa nông nghiệp
Tuy nhiên, các chính phủ không nên bỏ qua mặt tiêu cực của thương mại hóa nông nghiệp đang tác động đến môi trường tổng thể, đa dạng sinh học, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Thương mại hóa nông nghiệp dần dần dẫn đến tổn thất do đất bạc màu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng nguồn gien.
Ngoài ra, lựa chọn cây trồng để thương mại hóa cũng quan trọng không kém vì một số cây trồng cần nhiều nước và có thể dẫn đến tình trạng sử dụng nước vượt ngưỡng. Ví dụ, Ấn Độ là một trong những nước sản xuất mía lớn nhất trong khu vực và phải mất từ 1500-3000 lít nước để sản xuất một kg mía.
Chiến lược nông nghiệp phải được xây dựng theo hướng sản xuất nhiều hơn để nuôi sống dân số ngày càng tăng nhưng cần đi kèm với chiến lược sử dụng tối ưu tài nguyên. Việc sử dụng dễ dãi các hóa chất và thuốc trừ sâu sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động gián tiếp lên các sinh vật hữu cơ có lợi khác. Hơn nữa, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các hiện tượng như tỷ lệ ung thư tăng cao, dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy yếu… Tình hình còn nghiêm trọng hơn ở các nước đang phát triển, nơi luật lệ không được tuân thủ thích đáng. Cơ chế thực thi giám sát, đánh giá và quản lý chặt chẽ sẽ có hiệu quả để giảm thiểu tác động trong các trường hợp như vậy.
Để nông nghiệp sinh lợi là cần thiết nhưng quan trọng không kém là đảm bảo thương mại hóa không đẩy nông dân, đặc biệt là ở các trang trại nhỏ, vào cảnh dễ bị tổn thương hơn. Nhà báo Palagumi Sainath, người được trao giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2007 (được coi là giải Nobel của châu Á tôn vinh các cá nhân, tổ chức giải quyết những vấn đề phát triển con người), đã nghiên cứu và viết về nạn suy thoái nông nghiệp và các vụ tự tử nông dân ở Ấn Độ, chỉ ra rằng nông dân trồng hoa màu thương mại dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những người chỉ trồng cây lương thực; hoa màu thương mại là nguyên nhân hầu hết các vụ tự tử nông dân ở Ấn Độ trong thập kỷ qua. Ông cho rằng điều này là “thương mại hóa kiểu ăn cướp” của vùng nông thôn.
Theo Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp có hiệu quả hơn trong việc giảm nghèo so với các ngành khác. Do đó, những nỗ lực là cần thiết để nông nghiệp đạt được cùng lúc các tiêu chí an toàn, bền vững và có lợi nhuận. Để làm được điều đó, cần thực hiện các biện pháp như: đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, tái sản xuất cây trồng truyền thống và gia súc bản địa, tăng giá trị thị trường của cây trồng truyền thống, tuân thủ các quy định an toàn trong khi thúc đẩy thương mại hóa và thâm canh, sử dụng lao động là các nông dân được đào tạo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là giữ giới trẻ không rời bỏ các trang trại và khuyến khích họ tiếp tục gắn bó với nông nghiệp bằng những lợi ích được đảm bảo.
Nhật Anh (Theo Thethirdpole.net)