Đã đến lúc phải trả lại cho sông Mê Kông tính chất quốc tế và không chia cắt của nó.
MÊ KÔNG, SÔNG QUỐC TẾ VÀ KHÔNG CHIA CẮT [1]
GS. Nguyễn Ngọc Trân [2]
1. Mê Kông là một con sông quốc tế và không chia cắt
Sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, kết thúc hành trình ở Biển Đông sau khi chảy qua các nước Trung Quốc (Trung Quốc), Myanmar, CHDCND Lào, Vương Quốc Thái Lan, Vương quốc Campuchia và Việt Nam. Chiều dài sông Mê Kông là 4909 kilomét. Lưu vực rộng 795.000 km2(thượng lưu vực 185.000 km2 bằng 23,3% tổng lưu vực, hạ lưu vực 610.000 km2) và tổng lưu lượng năm là 475 km3, trên thượng lưu vực là 16%. Các thông tin này được biết khá rộng rãi [3].
Sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc
Điều ít được biết hơn là sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc có tên là Lan Thương (Lancang). Đây không phải chỉ là vấn đề tên gọi, bởi lẽ Trung Quốc đã khai thác sông Lancang, lưu vực và nguồn nước của nó mà không quan tâm đến các hệ sinh thái, các tác động lên môi trường trên hạ lưu vực, bao gồm cả những gì xảy đến cho cuộc sống của người dân ở hạ lưu.
Cụ thể, Trung Quốc đã, đang và dự kiến xây dựng hơn hai mươi đập trên sông Lancang [4]. Hình1. Các đập ở cực Nam của thượng lưu vực (tên được in nghiêng trong phụ chú 4) sẽ giữ lại từ ⅓ đến ½ lượng trầm tích [5] mà cho đến năm 1995, năm đập thủy điện đầu tiên, Manwan, đi vào hoạt động, bồi đắp các vùng thủy văn sinh thái ở hạ lưu vực, nơi sinh sống của hơn 60 triệu cư dân. Hình 3. Tất cả các việc này đều không có tham vấn trước 5 nước thành viên khác trong lưu vực.
Trung Quốc thực thi chiến lược “Hưng thủy cường điền”. Qua tỉnh Vân Nam, ngoài các đập thủy điện, Trung Quốc còn xây dựng hơn 30 hồ nước và hơn 5500 “thủy khố” (kho giữ nước ngọt) với dung lượng lưu giữ tăng thêm năm 2017 đạt tới 1,22 tỷ m3 [6].
Nhiều nghiên cứu kể từ năm 1995 đã đánh giá và cảnh báo các tác động tiêu cực của các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.
Dòng chảy liên tục theo triền bị thay thế bằng dòng chảy bậc thang. Chế độ thủy văn không còn theo mùa và tự nhiên mà dao động theo quy luật được quy định bằng lợi nhuận từ thủy điện, từ đó tác động đến môi trường và đa dạng sinh học. Một nguy cơ chưa hề biết đến, nay có thể xảy ra là vỡ đập dây chuyền.
Do trầm tích bị giữ lại trong các lòng hồ, nên cán cân trầm tích âm dẫn đến thay đổi về địa hình lòng sông, bờ sông, các cửa sông và đường bờ biển của châu thổ. Lượng phù sa phủ lên bề mặt châu thổ mỏng hơn.
Tài nguyên thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn và trong vùng cận duyên cũng chịu sự tác động tiêu cực.
Đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long, như chúng ta biết, được hình thành từ quá trình biển lùi từ khoảng 6000 năm BP và quá trình bồi tụ trầm tích từ thượng nguồn do sông Mê Kông tải về. Hiện nay, nước biển đang dâng, cán cân trầm tích âm. Phải chăng châu thổ sông Mê Kông đang đi vào chặng đường đầu của quá trình ngược lại, mà sự xâm thực và lún chìm ngày càng tăng của đồng bằng trong hai thập kỷ qua là những báo hiệu?
Quan trọng hơn, Trung Quốc không thông báo số liệu thủy văn của sông Lancang lẫn chế độ vận hành của các đập thủy điện (xem phụ chú 13).
Trung Quốc khai thác nguồn nước của sông Mê Kông-Lancang cho lợi ích của người dân, đó là quyền của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không thể làm ngơ về trách nhiệm của mình đối với người dân các nước khác trong lưu vực bởi lẽ Lancang-Mê Kông không phải là một con sông nội địa. Nó có những mối quan hệ xuyên biên giới. Mê Kông là một con sông quốc tế.
11 đập thủy điện trên dòng chính trong hạ lưu vực
Xây các đập thủy điện trên sông Lancang được, tại sao không ở hạ lưu vực? Từ đó các tập đoàn săn tìm dự án, các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia rao rằng tiềm năng thủy điện của Lào cao đến mức nước này có thể trở thành “bình cung cấp năng lượng” cho cả Đông Nam Á.
11 dự án thủy điện xây trên dòng chính sông Mê Kông trong hạ lưu vực (4 Trung Quốc, 4 Thái Lan, 2 Việt Nam và 1 Mã Lai), và khoảng ba mươi trên các sông nhánh được giới thiệu vào những năm đầu của thập niên 2000 [7]. Hình 2 và 2b.
Sông Mê Kông ngày càng bị cắt khúc vì lợi ích của các tập đoàn tài chính và gây tổn hại sâu sắc không đảo ngược được cho môi trường, cho người dân trong hạ lưu vực.
Hơn bao giờ, sự quản lý tài nguyên nước cho sông Mê Kông toàn vẹn trở thành một yêu cầu bức thiết.
2. Sông Mê Kông bắt đầu từ đâu?
Trong bối cảnh lịch sử, chính trị của những năm 1950 – 1960, để quản lý sự khai thác sông Mê Kông, Ủy ban Mê Kông (Mê Kông Committee) được các nước Camphuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam (Nam) thành lập vào tháng 9 năm 1957.
Năm 1978, chế độ Khơme Đỏ đã rút Campuchia ra khỏi tổ chức này, MC trở thành Ủy ban lâm thời sông Mê Kông (Interim Mê Kông Committee).
Ngày 5 tháng 4 năm 1995, Ủy hội sông Mê Kông (Mê Kông River Commission (MRC)) được các nước Camphuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập để cùng quản lý nguồn nước và sự phát triển bền vững sông Mê Kông. MRC hoạt động trên cơ sở Hiệp định Hợp tác lưu vực sông Mê Kông vì sự phát triển bền vững (sau đây gọi tắt là Hiệp định Mê Kông (Mê Kông Agreement)).
MRC có mục tiêu là nền tảng ngoại giao về nước và hợp tác vùng trong đó mỗi nước thành viên chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước mặc dù lợi ích quốc gia có khác nhau. MRC cũng đề xuất hoạt động như là một trung tâm hiểu biết khu vực về quản lý tài nguyên nước, góp phần vào các quá trình ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học.
Sứ mệnh của MRC được xác định rất rõ. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc ngay từ đầu: Myanmar (3% diện tích lưu vực) và đặc biệt Trung Quốc (23%) không phải là quốc gia thành viên mà chỉ là đối tác đối thoại.
Đáng tiếc, vì đã theo vết của Ủy ban Mê Kông trong khi bối cảnh quốc tế và khu vực của những năm 1990 đã thay đổi đáng kể so với những năm 1950, hay là vì Myanmar và Trung Quốc đã từ chối tham gia? Dù thế nào, trong cả hai trường hợp, hậu quả đều rất rõ.
Trước tiên, không bị ràng buộc bởi Hiệp định Mê Kông, các đối tác đối thoại đến dự các cuộc họp của MRC khi có liên quan đến lợi ích, và vắng mặt khi liên quan đến nghĩa vụ.
Thứ hai, “Sông Mê Kông bắt đầu từ đâu?” trong tên gọi của MRC? Câu hỏi đáng được nêu lên bởi lẽ phạm vi thẩm quyền của MRC giới hạn trong hạ lưu vực sông.
Nếu sông “sông Mê Kông của MRC” bắt đầu từ ranh giới giữa thượng và hạ lưu vực, tất cả dự án và nghiên cứu của MRC trong hạ lưu vực có thể chỉ là huyễn hão bởi lẽ sông Mê Kông này không có nguồn ngoài lượng mưa rơi xuống hạ lưu vực và lượng nước được xã ra từ các đập của Trung Quốc.
Thứ ba, bằng sự tự giới hạn vào hạ lưu vực, gián tiếp MRC thừa nhận trên thực tế sự tồn tại tách biệt của sông Lancang và sông “Mê Kông của MRC”, và từ đó Trung Quốc sử dụng nguồn nước của sông “Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc ” theo ý của mình.
3. Hiệp định sông Mê Kông cũng cần được cải tiến
Đập thủy điện đầu tiên trong số 11 đập, Xayaburi, bắt đầu được xây dựng từ năm 2012 mặc cho các tác hại có thể thấy trước về môi trường, đã bị tổn hại bới các đập của Trung Quốc ở thượng lưu vực, mặc cho sự phản kháng của cư dân tại địa bàn, mặc cho lời kêu gọi hoãn 10 năm để có thời gian nghiên cứu sâu hơn [8], và mặc cho sự thiều đồng thuận trong MRC ở cuối giai đoạn PNPCA (Quy trình thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận).
Đập thứ hai, Don Sahong, theo cùng quy trình và đã bắt đầu được xây dựng từ năm 2016.
Đập thứ ba, Pakbeng, đang trong giai đoạn PNPCA thì các nhà đầu tư hoãn vì xét thấy không lợi so với các dạng năng lượng khác.
Đập thứ tư, Lak Sua vừa khởi động giai đoạn PNPCA.
Một trong những quy định cơ bản của Hiệp định Mê Kông, PNPCA, rõ ràng là không đủ để quản lý nguồn nước sông Mê Kông.
Ngày 18 tháng 1 năm 2018 MRC đã công bố một báo cáo “Nghiên cứu về sự quản lý và phát triển bền vững của sông Mê Kông bao gồm tác động của các đập thủy điện”, (gọi tắt MRC Council Study) [9]. Tài liệu này đã phát đi những kiến nghị và thông điệp sau đây:
“Các quốc gia thành viên cần cấp bách nghiên cứu các giải pháp năng lượng để thay thế thủy điện” [10].
“Sự phát triển bền vững nước sông Mê Kông, mục tiêu cơ bản của MRC, không thể đạt được bởi những quyết định đơn phương của các quốc gia thành viên”.
“Các quốc gia trong lưu vực cùng chia sẻ nước của sông Mê Kông. Rất cần thiết các quốc gia này triển khai các dự án trên phạm vi lưu vực, nhằm mục tiêu cùng phát triển vì lợi ích chung “.
Tại hội nghị tham vấn về Mê Kông Council Study, do Ban thư ký của MRC tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13.03.2018, chia sẽ với MRC về những thông điệp này, tác giả của bài báo này đã nhấn mạnh sự cần thiết trả lời câu hỏi “Sông Mê Kông trong tên gọi của MRC bắt đầu từ đâu?” bằng không các kiến nghị của MRC Council Study sẽ giống như các “lâu đài Tây Ban Nha” [11], và những gì xảy ra ở hạ lưu vực sông Mê Kông sẽ giống như một màn diễn có thể được đặt tên là “Tọa sơn quan hổ đấu” [12].
4. Tiến tới một định chế mới cho sông Mê Kông toàn vẹn
Đã đến lúc phải trả lại cho sông Mê Kông tính chất quốc tế và không chia cắt của nó.
(a) Trước nhất, cần thống nhất rằng sông Mê Kông là một, không chia cắt, từ Tây Tạng ra đến biển. Con sông này là một thành phần quan trọng của sinh quyển của hành tinh.
(b) Nước sông Mê Kông là tài sản chung, trước tiên của tất cả sáu nước trong lưu vực, mà cũng là của nhân loại nhìn từ góc độ an toàn lương thực và từ sự khan hiếm nước ngọt được dự báo trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
(c) Trong việc khai thác nguồn nước sông Mê Kông sẽ không thể tránh khỏi xung đột về quyền lợi giữa các quốc gia trong lưu vực. Cần tìm giải pháp có lợi nhất cho tất cả các nước để cùng phát triển và bảo vệ môi trường của toàn lưu vực, ba trụ cột của sự phát triển bền vững.
Vì mục tiêu này, sáu nước thành viên của lưu vực cần thống nhất một nguyên tắc cơ bản liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn nước chung. Đó là, quyền và lợi ích của mỗi nước phải đi cùng với trách nhiệm và nghĩa vụđối với toàn bộ lưu vực.
(d) Xây dựng một định chế mới (hay đơn giản hơn, mở rộng MRC hiện nay) bao gồm cả sau nước thành viên, và một hiệp định mới (hay đơn giản hơn, cải tiến Hiệp định Mê Kông hiện hành) trên cơ sở rút kinh nghiệm về những gì tích cực cũng như những gì bất cập của quá trình PNPCA qua việc trển khai các dự án Xayaburi, Don Sahong và Pakbeng.
(e) Trước mắt, chia sẻ thường xuyên theo quy đinh, số liệu thủy văn và lịch vận hành của các đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực phải là một yêu cầu hàng đầu để quản lý tốt các rủi ro từ biến đổi khí hậu toàn cầu [13].
(f) Tổ chức Hợp tác Lancang-Mê Kông (Lancang-Mê Kông Cooperation, LMC) theo sáng kiến của Trung Quốc tháng 3 năm 2016 có thể đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của sông Mê Kông toàn vẹn miễn là LMC chia sẻ những nguyên tắc cơ bản đã nêu tại các điểm (a), (b) và (c).
Sáng lập một định chế mới (hay đổi mới Ủy hội sông Mê Kông MRC) và xây dựng một hiệp định mới (hay đổi mới Hiệp định Mê Kông hiện hành) là một nhiệm vụ không dễ, có thể đòi hỏi thời gian, nhưng cái đích cần đạt, quản lý tốt một con sông quốc tế quan trọng bằng một trong những hiệp định quốc tế đầu tiên, đáng để nó được triển khai với sự nỗ lực, bằng con đường nhà nước và phi nhà nước, cả ở phạm vi vùng cả trên bình diện thế giới.
5. Chúng ta không bắt đầu từ số không
Để đạt được mục tiêu này con đường là một cuộc trường chinh không dễ dàng. Nhưng Mê Kông không phải là trường hợp duy nhất. Sông Nu – Salween, sông Indus, sông Ganges, sông Brahmaputra cũng xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng. Hình 4.
Chúng ta không bắt đầu từ số không. Ngoài MRC, trong vùng còn có Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Greater Mê Kông Subregion, GMS) được thành lập năm 1992, Hình 5, thông qua một chương trình hợp tác phát triển, nhằm tiến đến một tiểu vùng thịnh vượng, tích hợp, và hài hòa gồm có Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và khu tự trị Choan, Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 31 tháng 3 năm 2018, Hội nghị cấp cao lần thứ 6 của GMS tại Hà Nội đã thông qua Chương trình hành động Hà Nội và Khung Đầu tư Vùng 2022.
Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mê Kông (ACMECS) là một tổ chức chính trị, kinh tế, và văn hóa giữa các nước Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar (2004). ACMECS nhấn mạnh trên sự tự lực và quan hệ đối tác để hoàn thành sự phát triển bền vững, bao gồm giảm nghèo, phù hợp với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.
CLMV là viết tắt của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hội nghị cấp cao đầu tiên của CLMV là vào năm 2004. Bốn nước này có nền kinh tế phát triển nhanh với mức tiêu dùng đang lên, vị trí chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học và lực lượng lao động cần cù, mức lương thấp. Tính gộp chung 4 nước, CLMV là nền kinh tế lớn thứ ba của ASEAN.
Mặc dù các tổ chức trên đây không đặt ra vấn đề nước sông Mê Kông, nhưng việc quản lý nguồn nước của con sông này là không thể tránh khỏibởi lẽ nước là nền tảng của môi trường, của phát triển kinh tế và xã hội.
Chúng ta cũng không bắt đầu từ số không bởi vì tiếng nói ngày càng nhiều từ khắp nơi trên thế giới của các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các nhà báo,… và của cư dân tại chỗ, vì họ không chấp nhận một cách thụ động nhìn sông Mê Kông bị bức tử, môi trường bị hủy hoại, sinh kế của mình bị đe dọa.
Cuối cùng, chúng ta không bắt đầu từ số không vì những bất cập đã qua trong quản lý nước sông Mê Kông được nhận biết là những bài học quý. Mặt khác, Hiệp định bảo vệ sông Rhin (Bern, 1999) [14], Hình 6, Hiệp định bảo vệ sông Danube (Sofia, 1994) [15], Hình 7, và Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật sử dụng các con sông quốc tế không vào mục tiêu đi lại trên sông (New York, 1997) [16] là những kinh nghiệm, những văn bản có thể giúp chúng ta đi đến một Hiệp định quốc tế bảo vệ sông Mê Kông.
CHÚ THÍCH:
[1] Nội dung đã được tham luận tại Hội thảo quốc tế “Hợp tác quản lý nguồn nước – Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng”, Hanoi, 16.10.2018.
[2] Giáo sư đại học, nguyên Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long” (1983-1990), đại biểu Quốc hội (1992-2007).
[3] http://www.mrcMê Kông.org/Mê Kông-basin/
[4] Cege, Yuelong, Jinhe, Kagong, Banda, Rumei, Guxue, Gushui, Guonian, Wunonglong, Lidi, Tuoba, Huangdeng, Dahuaqiao, Miaowei, Gongguoqiao, Xiaowan, Manwan, Dachaoshan, Nuozhadu, Jinghong, Galamba, Mengsong. https://wle-Mê Kông.cgiar.org/wp-content/uploads/Mê Kông_A0_2016_Final.pdf
[5] C.Thorne, G.Annandale, J.Jensen, Review of Sediment Transport, Morphology, and Nutrient Balance, Part of The MRCS Xayaburi Prior Consultation Project Review Report, March 2011.
[6] Đỗ Tiến Sâm, Hợp tác phát triển bề vững Mê Kông-Lan Thương trong bối cảnh mới, Hội thảo ngày 16.10.2018.
[7] Từ Bắc xuống Nam: Pakbeng, Luang Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Xanakham, Pak Som, Bankoum, Lak Sua, Don Sahong (Lào), Stung Treng, Sambor (Campuchia).
[8] Mê Kông River Commission, Strategic Environmental Assessment of Hydropower on the Mê Kông mainstream, Final Report, October 2010.
[9] http://www.mrcMê Kông.org/assets/Publications/the-CS-reports-cover.pdf
[10] Thông điệp này có liên quan đến mục tiêu của 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở hạ lưu vực là biến nước Lào thành một “bình năng lượng” của Đông Nam Á.
[11] Một ngạn ngữ phương Tây, ý nói những gì không thực tế, không thể thực hiện, hay rất ít khả năng thành công.
[12] Nguyen Ngoc Tran, Comments on the Mê Kông Study, Workshop 13.03.2018, HoChiMinh City.
[13] Chúng tôi đã tìm thấy thông tin sau đây trên website của MRC: “Hôm nay (04 tháng 4 2018), MRC đã nhận được một thông báo về thông tin thủy văn trên sông Lancang từ Trung Quốc – đối tác đối thoại của MRC – về dự kiến xã nước từ đập Jinghong cho hạ lưu vực sông Mê Kông từ ngày 9 đến 17 tháng 4 2018, nhằm bảo vệ an ninh lưới điện.
Thông báo trước này là một cơ chế thông tin được xây dựng nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa MRC và Trung Quốc, bao gồm hợp tác trao đổi số liệu thủy văn từ năm 2002. Thông báo được gửi từ Trung Quốc đến các tiêu điểm của Lancang-Mê Kông Cooperation Joint Working Group về tài nguyên nước, bao gồm tất cả các an thư ký Ủy ban quốc gia sông với bản sao gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông.”
Chúng tôi ghi nhận bước tiến bộ này trong trao đổi thông tin thủy văn, đồng thời lưu ý rằng phía sau sự lựa chọn tổ chức Hợp tác Lancang – Mê Kông làm tiêu điểm, có phải là để chính thức hóa tổ chức này, một cách làm nhằm hợp pháp hóa trên thực tế (de facto) sự chia cắt sông Mê Kông?
[14]https://www.iksr.org/fileadmin/user_upload/Dokumente_en/convention_on_the_protection_of_the rhine.pdf
[15] https://www.icpdr.org/flowpaper/viewer/default/files/DRPC English ver.pdf
[16]http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_3_1997.pdf