EC đệ trình ký kết Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam

Ủy ban châu Âu ngày 18/10 đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Với việc phê duyệt này, Ủy ban châu Âu thể hiện cam kết của mình trong việc triển khai các hiệp định sớm nhất có thể.

Thủ tướng tin tưởng kỳ tích mới trong hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-EU

Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa hai phía. Hiệp định Tự do Thương mại có những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý  về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh với biến đổi khí hậu, với tham chiếu rõ ràng tới Hiệp ước Paris.

Theo ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (IPA) minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng ởchâu Âu và Việt Nam.

Cũng theo ông Juncker, hiệp định có tính đếm kỹ lưỡng tới những khác biệt về kinh tế giữa hai phía. Hai hiệp định này đẩy mạnh chính sách thương mại dựa trên nền tảng luật lệ và giá trị với những cam kết rõ ràng và mạnh mẽ về phát triển bền vững và quyền con người.

Với việc thông qua việc đệ trình hai hiệp định chỉ vài giờ đồng hồ trước khi chào đón các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM-EU tại Brussels, EC thể hiện cam kết của mình về can dự và thương mại cởi mở với châu Á.

“Giờ đây tôi trông đợi phía Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu có những bước đi cần thiết để hai hiệp định này có hiệu lực càng sớm càng tốt”, ông Jean-Claude Juncker chia sẻ.

Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Cao Ủy về Thương mại, bà Cecilia Malmström, cho biết EC đã có hai hiệp định tiến bộ và rất giá trị với Việt Nam và bà hoàn toàn tin tưởng là Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU có thể ủng hộ hai hiệp định này.

Theo đánh giá của bà Cecilia Malmström, Việt Nam có những tiềm năng to lớn về làm ăn cho các nhà đầu tư và xuất khẩu EU cả hiện tại và trong tương lai. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, với một thị trường sôi động có trên 95 triệu người tiêu dùng, với tầng lớp trung lưu đang gia tăng về số lượng và một lực lượng lao động trẻ và đầy năng động.

“Thông qua 2 hiệp định này, chúng ta cũng sẽ lan tỏa các tiêu chuẩn cao của châu Âu cũng như tạo ra các cơ hội để thực hiện những thảo luận có chiều sâu về quyền con người và bảo hộ công dân. Tôi hy vọng Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ nhanh chóng phê duyệt hai hiệp định này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người lao động, nông dân và người tiêu dùng gặt hái các lợi ích sớm nhất có thể”, Cecilia Malmström cho biết.

Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía. Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được giỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm xét tới thực tế là Việt Nam là nước đang phát triển.

EVFTA có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ô tô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIs) cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Châu Âu tại Việt Nam, ví dụ như các GIs như là rượu vang Rioja hay pho mai Roquefort. Thông qua hiệp định tự do thương mại, các công ty EU có thể tham gia một cách bình đẳng với các công ty trong nước (của Việt Nam) trong các gói thầu mua sắm (chính phủ) của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Việt Nam.

Cùng với việc tạo ra các cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững phải đi song hành, hiệp định đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm đảm bảo là sẽ không có “cuộc đua tới đáy” nhằm thu hút thương mại và đầu tư.

Hiệp định tự do thương mại ràng buộc hai bên phải tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền lao động căn bản; hiệp định ràng buộc các bên thực thi các hiệp ước quốc tế về môi trường như Hiệp ước Paris; các bên phải có hành động trong việc bảo tồn và quản lý bền vững động thực vật hoang dã, đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; đồng thời các bên phải cho phép xã hội dân sự tham gia vào quá trình giám sát việc hai bên thực thi những cam kết này.

Hiệp định Tự do Thương mại có kết nối về pháp lý và thể chế với Hiệp định Hợp tác và Đối tác Việt Nam – EU, cho phép có hành động thích hợp nếu xuất hiện các vi phạm về quyền con người.

Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) bao gồm những quy định hiện đại và có tính thực thi cao về bảo hộ đầu tư thông qua Hệ thống Toà Án Đầu tư mới, đảm bảo quyền của các chính phủ hai bên trong việc điều tiết những lợi ích của công dân. Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương mà 21 Quốc gia Thành viên EU hiện đang có với Việt Nam.

Cùng với Hiệp định đạt được gần đây với Singapore, hiệp định này sẽ tạo nên những bước tiến xa hơn nữa, đặt ra các tiêu chuẩn và quy định cao tại khu vực ASEAN, giúp chuẩn bị cho hiệp định về thương mại và đầu tư giữa hai khu vực trong tương lai.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ đứng sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro một năm.

Trong khi đầu tư của châu Âu vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn là 8,3 tỷ euro trong năm 2016, đang ngày càng có nhiều các công ty châu Âu được thành lập tại đây, biến quốc gia này thành một trung tâm vùng phục vụ cho khu vực Mekong. Nhập khẩu chủ yếu của EU từ Việt Nam là các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và sản phẩm thực phẩm. EU xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam các thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và các sản phẩm nông nghiệp.

Nguồn: