Lượng khí CO2 thải ra từ hoạt động khai thác năng lượng của con người sẽ tiếp tục tăng trong năm nay sau khi lên mức kỷ lục vào năm ngoái. Thông tin này được cho là sẽ phủ bóng đen lên triển vọng đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu với các quan khách tại một hội nghị ngoại giao do Đại sứ quán Ba Lan ở Paris (Pháp) vừa tổ chức, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết: “Một tin xấu là khí thải CO2 trong năm nay sẽ tiếp tục tăng”. Sau ba năm duy trì ở một mức, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2017 đã tăng 1,4%, phá tan các hy vọng rằng đây đã là mức đỉnh. Lĩnh vực năng lượng “đóng góp” 80% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21), vào tháng 12/2015, có hiệu lực từ tháng 11/2016, đặt mục tiêu giới hạn mức tăng trung bình nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 ở phạm vi từ 1,5-2 độ C. Theo ông Birol, “cơ hội đạt các mục tiêu tham vọng này đang ngày càng ít đi”.
Theo kế hoạch, COP 24 sẽ diễn ra ở thành phố Katowice của Ba Lan vào tháng 12 tới. Mục đích là thống nhất “hướng dẫn hoạt động” về thực thi Hiệp định Paris.
Để kiềm nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, lượng khí thải CO2 do con người gây ra trên toàn cầu sẽ cần phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 từ mức của năm 2010 và đạt mức “0” vào giữa thế kỷ. Trong khi đó, năng lượng tái tạo sẽ cần chiếm tới 70-85% sản lượng điện vào năm 2050 so với 25% hiện nay. Phần điện sản xuất từ khí đốt sẽ cần phải cắt giảm xuống 8% và điện từ than đá xuống từ 0-2%.