Sự phát triển của công nghệ vệ tinh khiến Trung Quốc “chơi trội”, dùng Mặt Trăng giả để làm đèn đường.
Tờ Nhân dân nhật báo ngày 17/10 thông tin, các nhà thầu tư nhân tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đang ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng tiến tới giảm bỏ đèn đường ở TP này bằng cách tăng cường ánh sáng trăng tự nhiên.
Kế hoạch được đưa ra là dùng vệ tinh phát sáng làm một “Mặt trăng giả” vào ban đêm với độ sáng gấp 8 lần mặt trăng thật và có thể thay thế đèn đường.
Trang tin khoa học Live Science dẫn lời ông Ngô Tuấn Phong, chủ tịch Viện nghiên cứu Khoa học không gian và Hệ thống công nghệ vi điện tử Thành Đô (CASC) cho biết: “Ánh sáng rực rỡ như hoàng hôn” của vệ tinh được ước tính có thể chiếu sáng khu vực có đường kính 50 dặm (80 km), trong khi phạm vi chiếu sáng chính xác có thể được kiểm soát trong vòng hàng chục mét – cho phép nó thay thế đèn đường”.
Ông Ngô cũng cho biết, cuộc thử nghiệm với vệ tinh nói trên đã bắt đầu cách đây nhiều năm và công nghệ này hiện đã phát triển đủ để cho phép đi vào vận hành năm 2020.
Ý tưởng Mặt trăng giả lấy cảm hứng từ một họa sĩ người Pháp từng tưởng tượng việc treo một hệ thống gương quanh Trái Đất để phản chiếu mặt trời xuống đường phố Paris quanh năm.
CASC hiện là nhà thầu chính cho chương trình không gian của nước này.
Không rõ liệu kế hoạch này có nhận được sự ủng hộ của chính quyền TP hay chính phủ Trung Quốc hay không.
Dự án nhận được sự quan tâm của dư luận. Một số người bày tỏ quan ngại mặt trăng giả sẽ ảnh hưởng đến đời sống của động vật hoang dã cũng như việc quan sát thiên văn.
Tuy nhiên, ông Khang Vi Dân, Giám đốc Viện Quang học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho rằng vệ tinh chiếu sáng của tỉnh Thành Đô “sẽ có ánh sáng tương tự hoàng hôn, vì vậy không ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động vật”.
Trước đề xuất mặt trăng nhân tạo này, nhiều nơi trên thế giới cũng đã có những thử nghiệm hướng tới tham vọng này tuy dựa trên những nền tảng công nghệ khác nhau.
Vào năm 2013, thành phố Rjukan ở Na Uy từng lắp đặt 3 tấm gương lớn do máy tính điều khiển để theo dõi sự di chuyển của mặt trời và phản chiếu ánh sáng xuống quảng trường thành phố.
Trước đó vào khoảng năm 1990, một nhóm kỹ sư và nhà thiên văn học Nga đã phóng thành công vệ tinh Znamya lên không gian phản chiếu ánh sáng mặt trời xuống Trái Đất. Trong thời gian ngắn, vệ tinh này đã chiếu sáng một phần bán cầu về đêm.
Dự án Znamya 2.5 được lên kế hoạch vào năm 1999 nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học, những người quan ngại về vấn đề ô nhiễm ánh sáng và cho rằng vệ tinh nhân tạo có thể làm gián đoạn cuộc sống của các loài động vật ăn đêm và nhiều hoạt động quan sát thiên văn.
Vệ tinh Znamya 2.5 phóng không thành công và nhóm kỹ sư đứng sau dự án không thể kiếm tài trợ để thực hiện một thử nghiệm khác.