Ủy hội Sông Mê Kông đã 3 lần tham vấn về việc xây dựng thủy điện trên dòng chính và hiện tại đang tham vấn về việc xây đập thủy điện thứ 4.
Tại thành phố Sydney, Australia đang diễn ra Diễn đàn quốc tế các dòng sông 2018với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Nhân dịp tham dự Hội nghị này, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về việc xây dựng đập thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông.
PV: Một số quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông xây dựng đập thủy điện. Thực tế điều này đang tác động như thế nào đến môi trường và sinh kế của người dân sống ở lưu vực sông, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Phan: Trong khảo sát kế hoạch vào năm 1994, các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông cho biết họ đang xem xét xây dựng 11 đập trên dòng chính sông Mê Kông suốt từ Myanmar xuống đến Việt Nam. Trong 11 đập này thì đến nay có 2 đập đang tiến hành xây dựng, đó là thủy điện Xayaburi và Don Sahong. Còn trên thượng nguồn sông Mê Kông, phần thuộc về Trung Quốc, Trung Quốc có xây 5-6 đập thủy điện trên đoạn sông Lan Thương.
Việc xây dựng các đập thủy điện tác động tới môi trường và cuộc sống của người dân ở lưu vực sông. Cuối năm 2017, Ủy hội Sông Mê Kông công bố kết quả nghiên cứu kéo dài trong 5 năm cho thấy, phát triển thủy điện đóng góp tới 50% vào sự phát triển kinh tế ở lưu vực sông Mê Kông. Tuy vậy, phát triển của thủy điện cũng gây tổn hại đến nguồn cá ở sông Mê Kông, suốt từ Campuchia lên đến Thái Lan.
Về môi trường, sự xuất hiện của các đập thủy điện cũng làm ảnh hưởng đến việc di cư của cá từ hạ nguồn lên thượng nguồn cũng như từ thượng nguồn xuống hạ nguồn và đồng thời có lo ngại việc xây dựng đập thủy điện sẽ làm một số loài cá sẽ bị tuyệt chủng. Theo thống kê của Ủy hội Sông Mê Kông, trên toàn bộ sông Mê Kông có khoảng 867 loài thủy sinh khác nhau. Riêng khu vực bắc sông Mê Kông, chỗ thủy điện Xayaburi thì có hơn 260 loài thủy sinh khác nhau. Ảnh hưởng thứ hai đến môi trường đó là làm giảm sự lưu chuyển của phù sa, bùn cát trên sông Mê Kông. Thứ ba đó là việc xây dựng đập thủy điện sẽ làm cho hệ sinh thái sẽ bị thay đổi.
PV: Theo kinh nghiệm của Ủy hội Sông Mê Kông, chúng ta cần làm gì để hạn chế tác động tiêu cực của việc xây dựng nhà máy thủy điện?
Ông Phạm Tuấn Phan: Ủy hội Sông Mê Kông được thành lập dựa trên Hiệp định Mê Kông suốt từ năm 1995 đến giờ và Ủy hội có lịch sử là 24 năm tuy vậy Ủy hội sông Mê Kông thừa kế lịch sử phát triển và sử dụng bền vững sông Mê Kông suốt từ năm 1952 khi có dự án đầu tiên của LHQ về dòng sông Mê Kông. Nói như thế để thấy là đã và đang có rất nhiều nghiên cứu, suy nghĩ và phát triển trên sông Mê Kông.
Kinh nghiệm đưa ra đầu tiên là phải thấy Hiệp định Mê Kông là một thành công, là một tiến bộ trong việc thúc đẩy hợp tác ở lưu vực sông Mê Kông mà thế giới cũng phải công nhận.
Kinh nghiệm thứ 2 là chính Hiệp định Mê Kông đặt ra việc sử dụng nguồn nước một cách bền vững cũng như công bằng giữa các nước. Điều đó đã phản ánh thực tế là tất cả các bên đều rất mong muốn các nước trong khu sử dụng sông Mê Kông một cách bền vững, có lợi chung cho toàn lưu vực và các nước khác nhau.
Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng, việc xây dựng thủy điện là nằm trong lĩnh vực chủ quyền của các nước trên sông Mê Kông. Vì thế, mỗi người dân khu vực Mê Kông cần phải hiểu là khi mà các nước thượng nguồn xây dựng đập đó là họ thực hiện chủ quyền của họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mà cụ thể là từ 2010 cho đến nay, các nước xây dựng thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông đều tham vấn với Ủy hội Sông Mê Kông.
Hiện nay, Ủy hội Sông Mê Kông đã 3 lần tham vấn về việc xây dựng thủy điện trên dòng chính và hiện tại đang tham vấn về việc xây đập thủy điện thứ 4. Các cuộc tham vấn này có giá trị quan trọng và là những kinh nghiệm mà trên thế giới, ngoài Ủy hội Sông Mê Kông thì chưa có tổ chức hay quốc gia nào có được.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của các cuộc tham vấn trong quá trình lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông?
Ông Phạm Tuấn Phan: Trong khuôn khổ Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế, các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kông nhất trí tiến hành tham vấn để trao đổi về những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra đối với việc sử dụng cũng như đối với bất kỳ dự án nào trên dòng chính của sông Mê Kông. Cho đến giờ thì đã có 4 cuộc tham vấn. Ba cuộc tham vấn đã được tiến hành đó là các cuộc tham vấn xây dựng đập thủy điện đầu tiên là Xayaburi, sau đó đến Don Sahong và Pak Beng. Hiện cuộc tham vấn thứ 4 đang diễn ra là về việc xây dựng đập thủy điện Pak Lay. Việc tham vấn này rất có lợi cho các nước trong lưu vực, làm sao để xây dựng đập một cách bền vững cũng như phát triển nó một cách tốt nhất cho lưu vực.
Các cuộc tham vấn này rất phức tạp, kéo dài trong 6 tháng. Nó đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên tham gia. Trong khi tham vấn có cả các buổi lấy ý kiến của các cộng đồng dọc sông Mê Kông bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Ủy hội phải huy động các chuyên gia tới xem xét tất cả các tài liệu kỹ thuật về dự án. Và tiến hành các buổi trao đổi cũng như buổi tọa đàm để các bên trao đổi ý kiến.
Những ý kiến phản đối của các bên bị tác động trong đợt tham vấn đã được các nhà xây dựng xem xét. Cụ thể, trong trường hợp của đập thủy điện Xayaburi, các nhà thiết kế đã sửa đổi thiết kế với chi phí rất lớn, từ 400-500 triệu USD để giúp cho việc cá di cư tốt hơn, đồng thời làm sao cho phù sa bùn cát không bị lắng đọng lại mà được chuyển xuống dưới, xuống hạ nguồn.
Đối với các đập thủy điện trên các dòng phụ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế cũng đã nhận được thông báo của 50 công trình. Nói như vậy cho thấy là Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế là một tổ chức được các bên đặt niềm tin. Với tinh thần Mê Kông cũng như sự hợp tác giữa các nước với nhau thì Ủy hội Sông Mê Kông đã giúp các nước trong lưu vực sông Mê Kông hợp tác với nhau để giảm thiểu những tác dụng tiêu cực của thủy điện cũng như các dự án khác đối với sông Mê Kông.
PV: Việc vỡ đập thủy điện ở Lào vào tháng 8/2018 đã gây ra nhiều lo ngại ở các quốc gia đang có đập thủy điện. Vậy theo quan điểm của Ủy hội sông Mê Kông, chúng ta cần phải làm gì để tránh xảy ra các tình huống tương tự?
Ông Phạm Tuấn Phan: Việc vỡ đập trên dòng phụ sông Mê Kông, dòng Xê Kông là một trong những thảm họa tự nhiên. Nó khiến các nhà xây dựng, phát triển đập phải lưu ý chuyện an toàn khi xây dựng đập. Thực tế trong suốt quá trình vừa rồi, chúng tôi có những khóa đào tạo, huấn luyện về an toàn khi điều hành đập. Tuy nhiên, khi rà soát lại thì thấy rằng cũng cần phải có huấn luyện, tập huấn về đảm bảo an toàn khi đang xây dựng đập.
Sau sự cố vừa rồi, chính phủ Lào cũng đã hoãn lại các kế hoạch đầu tư các đập mới đồng thời xem xét lại chính sách, chiến lược phát triển thủy điện cũng như vận hành thủy điện của Lào như thế nào. Ủy hội Sông Mê Kông rất ủng hộ chính phủ Lào làm việc như thế này và Ủy hội Sông Mê Kông đang dùng mọi nỗ lực của mình đóng góp vào cập nhật và rà soát lại chiến lược cũng như kế hoạch phát triển thủy điện của Lào cũng như của các nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông.
PV: Xin cảm ơn ông./.