Giờ G cho điện Mặt trời

Thời điểm gỡ bỏ các vướng mắc để điện Mặt trời phổ biến hơn tại Việt Nam.

Khi giá điện tăng thì giải pháp chuyển sang dùng điện Mặt trời được nhiều người dân lựa chọn.

Tiềm năng còn vướng

Điện mặt trời vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ trong hiểu biết của người dân. Như tâm sự của ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Nhóm công tác Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), người ta vẫn đinh ninh, điện mặt trời là chuyện riêng của ngành điện và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khẳng định, Việt Nam hiện là quốc gia có tiềm năng điện Mặt trời không thua gì Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Ý, Tây Ban Nha. Cụ thể, theo Viện Chiến lược và Chính sách, tổng số giờ nắng của Việt Nam khoảng 1.600-2.700 giờ/năm và bức xạ Mặt trời bình quân hằng năm đạt 4-5 kWh/m2/ngày.

Với đặc điểm đó, EVN xác định sẽ ưu tiên phát triển nguồn điện Mặt trời. Tham vọng hướng tới của EVN cho giai đoạn 2020-2030 là nâng công suất  điện mặt trời lên 850-1.200MW, tức tăng gấp hàng trăm lần so với hiện tại. Để làm được điều này, khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời. Ví dụ, Việt Nam đưa ra giá mua điện là 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh) cũng đã ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu. Đây là những cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia.

Kết quả, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến giữa tháng 8.2018, Việt Nam thu hút hơn 100 dự án trang trại điện Mặt trời, với tổng công suất đăng ký 4,7GW. Đối với các dự án điện mặt trời áp mái, Việt Nam ghi nhận 748 dự án, với tổng công suất 11,5MW.

EVN cũng chủ trương lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà, trụ sở văn phòng trong nội bộ EVN. Sau đó, EVN sẽ tiến tới lắp đặt điện Mặt trời cho các khách hàng bên ngoài. Những dự tính của EVN là dựa trên một viễn cảnh tương lai thuận lợi cho ngành điện Mặt trời.

Còn trước mắt, ngành này vẫn còn những vướng mắc. Đó là các quy định trong triển khai hợp đồng mua bán điện mặt trời vẫn chưa rõ ràng và Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành quy định tính thuế cho những hợp đồng mua bán điện Mặt trời theo thỏa thuận. Về phía người dân vẫn chưa thật mặn mà với điện mặt trời khi tính tới chi phí đầu tư cũng như bài toán hiệu quả, bên cạnh việc còn phân vân trong lựa chọn nhà cung cấp tấm pin Mặt trời.

Thời điểm phù hợp

Trên thực tế, để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho một hộ gia đình, theo giá của gói BigK mà SolarBK cung cấp, chi phí trọn gói khoảng 46 triệu đồng (công suất tối thiểu 2kWp). Đây là giá giảm 30% so với trước đây. Nếu so với 3 năm, con số đã giảm một nửa.

Điều này thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn điện Mặt trời của người dân. Trên thực tế, cái bắt tay mới đây giữa SolarBK và BIDV đã mở thêm cánh cửa tiếp cận vốn thuận lợi trong đầu tư lắp đặt điện mặt trời cho người dân.

Từ đây, hệ thống điện mặt trời công suất 2kWp sẽ giúp các hộ gia đình tạo ra lượng điện trung bình 254kWh hằng tháng. Người dân có thể sử dụng hoặc bán điện ngược lại cho EVN.

Đối với lo ngại cho sản lượng điện có thể xuống thấp, do thời tiết xấu hoặc do thiết bị truyền tải trục trặc, gói bảo hiểm ký kết giữa SolarBK và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ giúp người tiêu dùng thở phào nhẹ nhõm. Bởi theo những gì cam kết giữa đôi bên, trong 5 năm liên tục sử dụng gói BigK, nếu lượng điện thực tế tạo ra từ BigK dưới 75% sản lượng điện ước tính, BIC sẽ  đền tiền cho lượng điện thiếu hụt.

Rõ ràng, các nhà cung cấp đang tìm nhiều cách để người dân biết đến và chọn lựa sử dụng điện mặt trời. Họ cũng đã thuyết phục được các đối tác là đơn vị bảo hiểm, ngân hàng… cùng đứng chung sân với mình trong công cuộc chinh phục thị trường. Ở một quy mô lớn hơn, SolarBK còn khẳng định, nếu người dân đầu tư hệ thống điện mặt trời theo công suất 10kWp trở lên, sau 5 năm, sẽ hoàn vốn và sinh lời trong 20 năm kế tiếp.

Nhưng giữa hàng loạt nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời cho hộ gia đình như SolarBK, Mặt Trời Đỏ, Vũ Phong, Trung Nam Solar, Cơ điện Liên Thành (SolarCo), Bắc Mỹ (SolarKing), SolarStore… người dân nên chọn ai?

SolarBK có thể là một gợi ý. Bởi SolarBK là doanh nghiệp hiếm hoi có nhà máy IREX tự sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Nhà máy này có tổng công suất tới 500MWp và đạt các chứng nhận quốc tế như UL, TUV. SolarBK cũng đã xuất khẩu tấm pin ra nước ngoài là chính, chiếm 70-80% tổng doanh thu.

Trong đó, EU, Mỹ là những thị trường quan trọng. Với thị trường trong nước, SolarBK đang giữ thị phần 30% ở phân khúc điện Mặt trời áp mái, chủ yếu cung cấp giải pháp điện Mặt trời cho các công trình, doanh nghiệp.

Mục tiêu của SolarBK là tiếp tục duy trì thị phần trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng sẽ mở rộng thêm ở đối tượng khách hàng cá nhân. Theo đánh giá của ông Nguyễn Vũ Nguyên, Giám đốc Marketing của SolarGATES, đơn vị phân phối chính hãng cho BigK, với dân số khoảng 95 triệu dân, chia thành 24 triệu hộ gia đình, chỉ cần 10% số hộ này dùng điện Mặt trời, nhu cầu điện mặt trời trong hộ gia đình ước lên tới 5.000MWp.


Nhiều công ty trong cùng ngành với SolarBK cũng nhận thấy tiềm năng và tích cực đẩy mạnh hoạt động vào đây. Đặc biệt, các ông trùm trong lĩnh vực sản xuất tấm pin Mặt trời như Canadian Solar, Sharp, Trina Solar, First Solar, JA Solar… đã lăm le nhảy vào Việt Nam.

Về phía người dân cũng có lý do để gia tăng đầu tư hệ thống điện mặt trời. Bởi nếu lắp đặt sau thời điểm 30.6.2019, các hộ gia đình có thể sẽ không còn được bán điện cho EVN theo mức giá ưu đãi. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng – Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết: “Từ 9.2017-5.2018, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng Mặt trời đã tăng khoảng 2,7 lần”. Còn theo ghi nhận từ SolarBK, sau 2 tháng triển khai gói BigK, Công ty đã lắp đặt được gần 180KWp. Con số này dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.