Những vi phạm về lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã diễn ra hàng chục năm, mặc dù Thanh tra Chính phủ năm 2006 đã có kết luận nhưng việc xử lý kéo dài đến nay chưa xong
Thành phố Hà Nội vừa ra quyết định thanh tra toàn diện những vi phạm đất đai tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí (huyện Sóc Sơn) đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận từ hơn 10 năm trước.
Bán sạch đất rừng
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khoảng 130 hộ dân đã được vận động di dời về vùng đồi gò thuộc thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) để xây dựng vùng kinh tế mới. Kể từ đó, hoạt động chuyển nhượng, xây dựng do người dân nơi đây thực hiện diễn ra ngày càng phức tạp. Không chỉ riêng ở xã Minh Trí mà nhiều vùng khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn như xã Minh Phú, Hiền Ninh, Phù Linh, Lâm trường Sóc Sơn… đều diễn ra tình trạng này.
Dọc các khu vực của huyện Sóc Sơn bây giờ đều la liệt khu biệt thự, nhà vườn, khu sinh thái, khu du lịch… và nhiều công trình đang xây dang dở. Nằm cách UBND xã Minh Trí khoảng 5 km, tại khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí), hàng loạt công trình kiên cố, những biệt thự hạng sang đang được cá nhân, tổ chức tiến hành lấp hồ, xén núi để xây dựng mặc dù khu vực này nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ.
Lý giải về tình trạng trên, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho rằng nhiều công trình ở khu vực này được TTCP năm 2006 kết luận là vi phạm. Tuy trước đây nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nhưng xã đang báo cáo cấp trên để xin quy hoạch lại.
Một người dân thôn Phú Nghĩa (xã Minh Phú) cho biết: “Khoảng năm 2000, đất khu vực này tăng giá rất cao vì người ở khắp nơi đổ về mua. Nhiều người dân bán sạch đất rừng được nhà nước chia, đi nơi khác ở hoặc mua đất những chỗ rẻ hơn. Ở thời điểm sốt đất, tôi cũng bán đất rừng với giá 60 triệu đồng/sào (Bắc Bộ) để xuống dưới núi ở. Giá đất dưới này bây giờ cũng lên chóng mặt, khoảng 2 triệu đồng/m2”.
Điểm mặt các công trình vi phạm
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, qua nhiều năm xử lý, hiện huyện này còn 45 trường hợp vi phạm, trong đó có 27 trường hợp vi phạm ở xã Minh Trí, 18 trường hợp ở xã Minh Phú. Mặc dù mới đây TP Hà Nội đã chỉ đạo phải có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ ngay các công trình đang thi công vi phạm, không để xảy ra sai phạm mới. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều công trình vẫn đang xây dựng bình thường.
Tại Việt Phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh), công trình này nằm trong kết luận vi phạm của TTCP từ trước nhưng nhiều năm nay không ai đả động, hằng ngày vẫn thu hút khách du lịch. Nguồn gốc đất nơi đây được quy hoạch là đất rừng đặc dụng. Cách đó không xa là khu đất của ca sĩ Mỹ Linh (xã Minh Phú), rộng khoảng 1,3 ha. Khu đất này cũng nằm trong kết luận vi phạm của TTCP năm 2006, tuy nhiên hiện nay vẫn đang được sử dụng.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho hay 2 công trình nêu trên là “vi phạm trong giai đoạn trước” nên cần có sự thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo đúng kết luận của TTCP.
Cạnh nhà ca sĩ Mỹ Linh có khu sinh thái Thiên Phú Lâm, nhiều công trình trong khu này được xây dựng kiên cố nhưng lãnh đạo xã Minh Phú cho rằng đây chỉ là các công trình tạm bợ, hiện đã dừng hoạt động. Tuy vậy, ngày 18-10, khi người ngoài muốn di chuyển vào khu vực này, lực lượng bảo vệ ở đây vẫn kiên quyết thu 60.000 đồng/vé.
Nổi bật nhất ở khu hồ Đồng Đò là khu biệt thự đang xây của Hoàng Lê Gia Garden, tấp nập công nhân làm việc. Gần đó, hàng loạt công trình khác cũng đang ồ ạt xây dựng, thậm chí lấp cả lòng hồ.
Đùn đẩy trách nhiệm?
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha.
Những vi phạm cũ chưa xử lý hết thì lại có thêm nhiều sai phạm mới. Trong hơn 2 năm (từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2018), qua kiểm tra 28 trường hợp xây dựng ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 12 trường hợp; 16 trường hợp còn lại được chính quyền huyện báo cáo “đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định”.