Hạn chế sự nóng lên toàn cầu: Đừng kỳ vọng vào công nghệ, hãy tập trung quản lý đất và bảo tồn rừng

Nhóm các nhà ủng hộ khí hậu mang tên CLARA (Climate, Land, Ambition and Rights Alliance) vừa công bố bản báo cáo dài 53 trang với khuyến nghị giảm thiểu biến đổi khí hậu không nên phụ thuộc vào các công nghệ tốn kém hoặc chưa được kiểm chứng như năng lượng sinh học hay thu giữ và lưu trữ carbon hiện nay mà cần có sự kết hợp giữa các chiến lược quản lý, sử dụng đất đai bao gồm: đảm bảo quyền sử dụng đất cho người dân bản địa, khôi phục các hệ sinh thái rừng, chuyển đổi tập quán nông nghiệp và chế độ ăn uống.

Theo CLARA, cách tiếp cận như vậy sẽ giúp cô lập carbon một cách tự nhiên và ngăn chặn phát thải khí nhà kính. Xa hơn, nó sẽ đóng góp đáng kể cho việc đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris về việc giữ nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100 chỉ tăng thêm 1,50C – mặc dù trái đất đã ấm lên khoảng 10C kể từ năm 1900.

Không hề ngẫu nhiên, nghiên cứu của CLARA được thực hiện nhằm đáp lại Báo cáo đặc biệt và bản Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) công bố trước đó. Các phát hiện của Báo cáo IPCC khiến thế giới choáng váng khi khẳng định một số tác động tai hại nhất của hiện tượng khí thải carbon tăng nhanh và biến đổi khí hậu có thể xảy ra vào năm 2040 tứ sớm hơn rất nhiều so với dự đoán trước đó.

IPCC kêu gọi các nhà lãnh đạo chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu và nhanh chóng giảm phát thải ở tốc độ, quy mô “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử” để giảm bớt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, cháy rừng, nước biển dâng và các rạn san hô chết – những yếu tố gây hại đến hàng tỷ người.

Bà Doreen Stabinsky, Giáo sư về chính trị môi trường toàn cầu tại Đại học Atlantic kiêm đồng tác giả báo cáo 53 trang cho hay: “Nghiên cứu của chúng tôi không mâu thuẫn hay bổ sung cho báo cáo của IPCC. IPCC nhìn rất chung vào các con đường dẫn đến mục tiêu 1,50 C, còn chúng tôi nghiên cứu sâu các tài liệu để tìm ra những gì hữu ích và đóng góp cụ thể từ lĩnh vực đất đai để đạt mục tiêu 1,50 C”.

Stabinsky đã rà soát các bản thảo ban đầu của “Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách” của IPCC, trong đó tài liệu này nhấn mạnh vai trò thu giữ và lưu giữ carbon của năng lượng sinh học (BECCS) sẽ đóng góp quan trọng cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, tuy nhiên, bà cho rằng những công nghệ này khá gây tranh cãi, tốn kém và hầu như chưa được kiểm chứng. Cuối cùng, báo cáo của IPCC đã buộc phải hạ bớt vai trò của BECCS  mà theo Stabinsky tiết lộ đó là kết quả của cuộc tranh luận nội bộ dữ dội giữa các nhà khoa học IPCC.

Vai trò cốt lõi của rừng

Một số tiến bộ toàn cầu đang được thực hiện trong việc giảm thiểu carbon. Mỹ đã đạt đỉnh mức phát thải carbon, ít nhất là hiện nay, tương tự như các nước láng giềng Canada hay phần lớn các nước EU và Nga. Hai mươi bảy thành phố lớn cũng đạt mức phát thải cao nhất trong khi đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió tiếp tục tăng khi giá thành sản xuất giảm, sánh ngang nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng không có tiến bộ nào làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Tổng phát thải toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 trong khi nhiệt độ trung bình tiếp tục tăng với mỗi tháng trong ba mươi năm qua bằng hoặc hơn mức trung bình thế kỷ 20 – tính từ tháng 2/1985. Báo cáo của IPCC nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động. Tuy nhiên, CLARA không ủng hộ các công nghệ chưa được thử nghiệm mà thúc giục thế giới hỗ trợ thiên nhiên hoàn thành một phần của nhiệm vụ nặng nề: giữ carbon trong lòng đất. Phương pháp thu nhận carbon tốt nhất là thông qua cây cối trong một hệ sinh thái rừng nguyên vẹn.

“Đất và rừng dĩ nhiên có vai trò quan trọng và đây cũng là điều chúng ta nói đến bấy lâu nay. Các giải pháp khí hậu tự nhiên đáng chú ý hơn và nên được tập trung rõ ràng hơn” – Steve Schwartzman, Giám đốc cao cấp về chính sách rừng nhiệt đới tại Quỹ Bảo vệ Môi trường, khẳng định.

Báo cáo của CLARA đưa ra sự lựa chọn thay thế cho các giải pháp công nghệ cao. Chuyên gia khí hậu Kelsey Perlman của tổ chức FERN – một nhóm bảo vệ rừng ở châu Âu –  cho rằng đó là “một kế hoạch thực dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà vẫn tôn trọng nhân quyền và bảo vệ đa dạng sinh học. EU phải từ bỏ niềm tin vào các giải pháp công nghệ chưa được kiểm chứng và phải đặt khôi phục và bảo vệ rừng ở trung tâm của chiến lược khí hậu”.

Bảo tồn và phục hồi rừng là một bước quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của nhân loại (Ảnh: VisualHunt)

Vấn đề với BECCS

Một số mô hình giảm CO2 – được khuyến khích bởi chính phủ hoặc các tập đoàn năng lượng – nhấn mạnh rằng đốt sinh khối thay vì than để tạo ra năng lượng là sự thay đổi lớn trên con đường dẫn đến mục tiêu 1,50C. Còn các công nghệ cao khác đòi hỏi những bộ lọc khổng lồ để hút carbon khỏi không khí hoặc cần sử dụng tới địa kỹ thuật, ví dụ như tiêm các vi hạt để làm chệch hướng bức xạ mặt trời trước khi nó làm nóng trái đất.

Tuy nhiên, những người ủng hộ CLARA cho biết những cách tiếp cận theo lý thuyết nêu trên trong trường hợp tốt nhất cũng sẽ gây ra hiểu nhầm và đưa ra các ảo vọng sai lầm, ngược lại, trường hợp tệ nhất, nó sẽ khiến người ta khinh suất. Điều chỉnh công nghệ theo BECCS là cái cớ cho các quốc gia không chủ động cắt giảm khí thải, và có thể làm giảm áp lực của công chúng lên các nhà lãnh đạo toàn cầu để tiến hành các bước cần thiết, chẳng hạn như đầu tư mạnh vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời và giảm nạn phá rừng.

Họ cũng chỉ ra rằng các ví dụ khả thi về thu giữ, lưu trữ carbon và công nghệ địa cầu hiện không tồn tại. Trong khi đốt sinh khối, chẳng hạn như viên gỗ được làm từ cây trồng và gỗ thừa – mô hình được sử dụng rộng rãi ở Anh và EU – thực ra còn thải nhiều carbon hơn cả đốt than. Nghiên cứu gần đây cũng chứng minh rằng thật sai lầm khi coi đốt sinh khối (đến từ các nguồn tái tạo) là carbon trung tính.

“Báo cáo CLARA cho thấy việc bảo vệ rừng và để rừng phát triển sẽ bóc trần các công nghệ chưa được kiểm chứng, không cần thiết và tiềm ẩn nguy hiểm như BECCS, những công nghệ chỉ loại bỏ CO2 khỏi không khí một cách giả tạo”, Christoph Thies thuộc tổ chức Hòa bình xanh Đức nhấn mạnh.

Kelly Levin, cộng sự cao cấp thuộc Chương trình khí hậu của Viện Tài nguyên Thế giới, đồng ý là trong ngắn hạn các nhà môi trường đã đúng khi thận trọng với BECCS, nhưng theo bà, vẫn phải tiếp tục mở cửa với công nghệ giảm thiểu khí hậu vì các sáng kiến có thể trở nên khả thi và tương đối an toàn trong những thập kỷ tới: “Hiện không có phương pháp nào có thể giảm được lượng carbon cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris. Các nhà nghiên cứu khí hậu đang đưa ra lời kêu gọi rõ ràng cho một danh mục các phương pháp tiếp cận. Lý do chúng ta cần để bắt đầu các giải pháp sáng tạo ngay bây giờ là để chúng ta có thêm lựa chọn trong tương lai”.

Ba chiến lược toàn diện của CLARA

“Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu không thể tách rời những nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ quyền con người, cộng với bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên”, báo cáo của CLARA chỉ ra ba chiến lược toàn diện cho giảm thiểu khí hậu nhằm tránh được lượng khí thải mới, đồng thời loại bỏ nhiều tấn CO2 khỏi khí quyển vào năm 2050:

Thứ nhất, cần tăng cường quyền sử dụng đất cho cộng đồng bản địa: Phần lớn rừng nhiệt đới còn lại của thế giới – nơi hút CO2 mạnh nhất – do các dân tộc bản địa và các cộng đồng truyền thống chiếm hữu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những vùng đất này có tỷ lệ phá rừng thấp hơn đáng kể so với những khu vực do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, chỉ có 10% những vùng đất này được cấp cho những người sống ở đó, vì vậy, CLARA kêu gọi chuyển quyền sở hữu đất đai sang cho người dân bản địa và các cộng đồng truyền thống – những người bảo vệ rừng tốt nhất.

Thứ hai, phục hồi rừng và các hệ sinh thái khác: Ở đây, CLARA định lượng “tiềm năng giảm thiểu carbon của việc trả lại một nửa rừng trên thế giới về trạng thái không bị xáo trộn cùng với việc mở rộng rừng tự nhiên, xây dựng khả năng phục hồi hệ sinh thái”. Báo cáo kêu gọi các chính phủ giảm mạnh nạn phá rừng, cải thiện quản lý rừng, bảo vệ đất than bùn (các bồn chứa carbon khổng lồ), đồng thời công nhận đồng cỏ cũng có vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon và không nên bị chuyển đổi sang đất trồng trọt.

Chuyển đổi nông nghiệp: Đây có lẽ là khuyến nghị tham vọng nhất của báo cáo. CLARA không chỉ kêu gọi những thay đổi đáng kể về cách thế giới trồng trọt (bớt cày bừa, bớt phân bón, hỗ trợ nhiều hơn cho các trang trại nhỏ) mà còn cả chế độ ăn của các nước phát triển. Có nghĩa là giảm tiêu thụ thịt và sữa, giảm lãng phí thực phẩm và giảm các nhà kính được sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch để kéo dài mùa sinh trưởng – những thay đổi mà các công ty thực phẩm xuyên quốc gia và người tiêu dùng có thể thấy là quyết liệt.

Chuyên gia Teresa Anderson thuộc tổ chức ActionAid International viết trong thông cáo báo chí: “Một sự thay đổi từ sản xuất lương thực công nghiệp sang canh tác sinh thái nông nghiệp bền vững sẽ làm chậm lại biến đổi khí hậu và tăng quyền cho các nông hộ của thế giới, đặc biệt là phụ nữ. Thậm chí sản xuất và tiêu thụ ít thịt hơn sẽ tiết kiệm được nhiều khí thải hơn nữa”.

Steve Schwartzman hoan nghênh các đề xuất của báo cáo CLARA, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những thách thức chính trị trong việc thực hiện các thay đổi trên phạm vi rộng mà cả IPCC và CLARA đều kêu gọi. Đơn cử như Brazil mặc dù rất thành công trong việc giảm tỷ lệ phá rừng từ năm 2004 đến 2014 nhờ các chính sách của chính phủ, song do thiếu các ưu đãi về thuế, chi trả dịch vụ hệ sinh thái và tín dụng carbon – cùng với việc chính phủ tập trung vào kinh doanh nông nghiệp công nghiệp trên quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – nên từ năm 2014, tình trạng phá rừng lại quay trở lại.

“Chúng ta cần thị trường carbon cấp quốc gia và cấp tỉnh để tất cả những điều này đạt hiệu quả”, Schwartzman đề cập đến các ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích các thực thể gây ô nhiễm giảm phát thải. Các nhà tài trợ đã đóng góp hàng tỷ đô la để giảm nạn phá rừng. Điều đó tốt và nên được tiếp tục. Nhưng chỉ dựa vào từ thiện thôi thì sẽ không bao giờ huy động được các nguồn lực ở quy mô cần thiết để giảm phát thải.

Giáo sư Stabinsky đồng ý rằng việc tài trợ cho các chiến lược giảm thiểu khí hậu quan trọng vẫn là một vấn đề. IPCC đang kêu gọi đánh thuế phát thải carbon thật cao nhưng Stabinsky cho biết các nước có khả năng giảm phát thải cấp thiết cần chiến lược ngay bây giờ, căn cứ vào nghiên cứu khoa học và kết quả đã được chứng minh.

“Nội dung báo cáo này chính là những chiến lược mà các quốc gia có thể áp dụng ngay tức khắc và chúng tôi muốn chúng được chú ý tới”, bà nói, “IPCC không đưa ra các khuyến nghị như vậy”.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)

Nguồn: