Hiện nay 59 nước trên thế giới đã lên kế hoạch và đang tiếp tục xây dựng khoảng 1400 nhà máy điện than. Nếu các dự án được triển khai thì lượng điện than tăng khoảng 33% so với mức hiện nay.
Trong khi người Đức tranh cãi về việc giã từ dùng than để sản xuất điện thì một công trình nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng nhà máy nhiệt điện chạy than trên thế giới không ngừng tăng. Ngay cả các tập đoàn của Đức cũng tham gia tích cực vào trào lưu này. Châu Âu đang chia rẽ sâu sắc do tranh cãi về điện than.
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức phi chính phủ Urgewald ở Đức về 120 nhà phát triển điện than lớn trên thế giới và các dự án của họ cho thấy: hiện nay 59 nước trên thế giới đã lên kế hoạch và đang tiếp tục xây dựng khoảng 1400 nhà máy điện than. Nếu các dự án được triển khai thì lượng điện than tăng khoảng 33% so với mức hiện nay.
Các tập đoàn xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất thế giới tập trung ở Trung quốc và Ấn độ. Tuy nhiên một số tập đoàn năng lượng lớn của Đức như RWE, Uniper và tập đoàn hoá chất Dow cũng tham gia tích cực vào việc mở rộng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Theo số liệu của NGO Urgewald thì RWE và Uniper dự định mở rộng các nhà máy nhiệt điện – mỗi nhà máy có công xuất là 1100 Megawatt. Ngoài ra các tập đoàn năng lượng của Đức có ý định mở rộng các nhà máy nhiệt điện dùng than đá hoặc than nâu.
Nếu quan sát các kế hoạch của các tập đoàn than ở châu Âu sẽ thấy có sự phân hoá. Trong khi Bỉ ngay từ năm 2016 đã đoạn tuyệt với việc sản xuất điện từ than, 10 nước thành viên khác EU là (Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italia, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển và Anh) đã có kế hoạch cụ thể về việc giảm dùng than thì vùng Đông và Đông nam Âu vẫn tiếp tục dùng than để sản xuất điện. Hiện có 13 nước ở châu Âu muốn xây dựng mới các nhà máy điện than. Trong đó có các nước như Thổ nhĩ kỳ, Ba lan và Bosnia & Herzegovina có tỉ lệ xây mới nhiều nhất. Các dự án của các nước này sẽ tạo ra công suất lên tới 53.000 Megawatt.
“Việc các nước EU có thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trong thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu hay không lệ thuộc lớn vào hai nước là Đức và Ba Lan”, Heffa Schücking, giám đốc điều hành của NGO Urgewald nói. Theo Schücking thì Đức và Ba Lan đang tạo ra 53% phát thải từ các nhà máy điện than. Schücking kêu gọi: “các chính phủ, các thành phố, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư ở châu Âu hãy đoạn tuyệt hoàn toàn việc dùng than để làm điện”.
Các nhà bảo vệ môi trường và NGO đã thành công, một số tập đoàn bảo hiểm lớn như Allianz, AXA và Generali với tư cách là nhà đầu tư đã tuyên bố rút lui, không đầu tư cho các nhà máy điện than.
Xuân Hoài dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/industrie/1400-neue-kohlekraftwerke-kohleverstromung-koennte-um-33-prozent-steigen/23141266.html